Bình đẳng trước pháp luật và sự công bằng là hai trong số những nguyên tắc cơ bản được tuân thủ trong hệ thống pháp luật Úc. Nguồn: Moment RF / Rae Allen/Getty Images
AUSTRALIA - Hệ thống pháp luật của Úc là một khuôn khổ phức tạp được thiết kế để duy trì trật tự, thực thi công lý và bảo vệ quyền lợi của công dân. Là một quốc gia liên bang, Úc có sáu tiểu bang và hai vùng lãnh thổ, mỗi tiểu bang có chính phủ, cơ quan lập pháp và hệ thống tòa án riêng hoạt động cùng với khung pháp lý của Khối thịnh vượng chung liên bang. Chúng ta cùng tìm hiểu về cách thức hoạt động của hệ thống pháp luật Úc cũng như những và hỗ trợ pháp lý có sẳn để sử dụng khi cần đến.
Hệ thống pháp luật Úc có sự tham gia của rất nhiều chủ thể và thể chế. Bất chấp vai trò và thứ bậc khác nhau, tất cả đều làm việc cùng nhau để duy trì nền tảng của hệ thống pháp luật: nhà nước pháp quyền (the rule of law).
William Partlett, Phó Giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Melbourne, giải thích,
"Tất cả các cá nhân phải tuân theo luật pháp, luật áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người. Luật được áp dụng bởi các tòa án độc lập công bằng cho tất cả các cá nhân trước tòa. Và luật được thông qua theo một trình tự thủ tục. Nghị viện là thể chế quan trọng đóng vai trò trung tâm trong pháp quyền, và các nghị viên là những người đại diện cho cử tri để thông qua luật. Các luật này kiểm soát hành vi của chúng ta trong xã hội, và nó áp dụng công bằng cho tất cả mọi người.”
Nghị viện là thể chế quan trọng đóng vai trò trung tâm trong pháp quyền, và các nghị viên là những người đại diện cho cử tri để thông qua luật. , Dr Partlett giải thích. Credit: Kokkai Ng/Getty Images
Các trình tự thủ tục của nghị viện trong việc thông qua luật ở cấp Liên bang và cấp tiểu bang đều được hiến định trong Hiến pháp, Constitution. Hiến pháp là tài liệu pháp lý cơ bản của Úc.
Pháp luật được nghị viện thông qua, được gọi là 'Đạo luật của Nghị viện' hay luật quy chế - Acts of Parliament. Acts of Parliament còn được biết với một tên gọi khác là Statute law' hay luật lệ. Ngoài ra, luật được tạo ra thông qua việc giải thích của tòa án về các đạo luật, và trong trường hợp này nó được gọi là 'case law' 'án lệ'.
Tiến sĩ Partlett giải thích hệ thống phân cấp giữa statute law và case law tức luật lệ và án lệ.
“Úc là một hệ thống thông luật, giống như Vương quốc Anh, Hồng Kông, New Zealand, và nhiều nơi trước đây thuộc Đế quốc Anh. Nguồn luật chính là đạo luật được Nghị viện thông qua. Tòa án có thể tạo ra cái được gọi là án lệ và nó có thể trở thành cái mà chúng ta gọi là thông luật. Giờ đây, thông luật luôn có thể bị luật quy chế hủy bỏ.”
Ở Úc, khi tòa án đưa ra quyết định, điều này sẽ ràng buộc các tòa án cấp dưới áp dụng luật đó, trừ khi Nghị viện thay đổi luật đó. Credit: RUNSTUDIO/Getty Images
Ngoài ra còn có luật “được ủy quyền” hoặc cấp dưới (‘delegated’ or subordinate legislation) do chính phủ hành pháp ban hành. Ví dụ, các Bộ trưởng làm luật dưới hình thức ban hành các quy định và các quay định này nó phải nằm trong phạm vi thẩm quyền của luật quy chế - Acts of Parliament hay statue law - mà Nghị viện đã thông qua.
Tiến sĩ Partlett giải thích, luật quy chế là nguồn cơ bản của các quy phạm pháp luật - legal norms - vì các quy định được ban hành để thực hiện các quy chế đã được nghị viện thông qua.
Luật Liên bang, Luật tiểu bang, và các cấp tòa
Hệ thống pháp luật của Úc phản ánh thực tế rằng đây là một Khối thịnh vượng chung gồm các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Trên thực tế, điều này có nghĩa là có các luật và quy định liên bang khác nhau giữa các khu vực pháp lý.
Trong trường hợp có xung đột trực tiếp giữa luật liên bang và luật tiểu bang, luật liên bang sẽ được ưu tiên áp dụng.
Chris Stone từ Ủy ban Dịch vụ Pháp lý Nam Úc cho biết có một số vấn đề nhất định, từ hôn nhân đến thuế và nhập cư, được giám chế bởi cùng một luật cho dù bạn sống ở đâu tại Úc.
“Các lĩnh vực chẳng hạn như quốc phòng và các vấn đề liên quan đến đối ngoại, nhập cư thuộc thẩm quyền của chính phủ liên bang được hiến định theo Hiến pháp. Đó là lý do tại sao nếu bạn đang muốn xin thị thực để đến thăm hoặc sống ở Úc thì đó thuộc thẩm quyền của luật Liên bang, là nơi mà bạn phải liên hệ chứ không phải là của tiểu bang.”
Một ví dụ phổ biến về luật thay đổi tùy theo tiểu bang hoặc lãnh thổ mà bạn sinh sống đó là luật giao thông đường bộ.
Ông Stone giải thích.
“Ở Nam Úc, giống như mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ, có luật giao thông để quản lý việc lái xe cơ giới trên đường, quy định khả năng lấy bằng lái xe của mọi người, cách bạn đăng ký xe, tốc độ bạn có thể lái xe, v.v. Đây là luật của tiểu bang. Vì vậy, có những lĩnh vực mà mỗi tiểu bang có luật riêng của họ.”
Hầu hết các vụ án hình sự đều được giải quyết bởi tòa án tiểu bang và lãnh thổ ở Úc. Credit: Light Bulb Works/Getty Images
Hệ thống liên bang của Úc cũng được phản ánh trong cơ cấu tòa án, nơi Tòa án Tối cao đóng vai trò là diễn đàn kháng cáo cuối cùng ở mọi cấp độ như giải thích của Tiến sĩ Partlett.
"Bạn có tòa án liên bang, với nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn như chúng tôi có Tòa án Gia đình, là một bộ phận tòa án liên bang riêng biệt, nằm trong khu vực tài phán liên bang, bởi vì luật gia đình ở Úc thuộc khu vực tài phán cấp quốc gia. Ở cấp tiểu bang, chúng tôi có một số tòa án từ tòa sơ thẩm, tòa án quận, tòa án tối cao, tòa phúc thẩm tiểu bang để giải quyết việc thực thi của luật tiểu bang. Tóm lại là Tòa án Tối cao có thẩm quyền giám sát cả các tòa án liên bang, các tòa án thuộc thẩm quyền quốc gia cũng như các tòa án ở cấp tiểu bang.”
Khi nói đến luật hình sự, hầu hết các vấn đề đều được giải quyết ở cấp tiểu bang hoặc lãnh thổ.
Thủ tục tố tụng thường được chính quyền tiểu bang khởi xướng trong các vụ án hình sự. Tuy nhiên, điều này không xảy ra trong các vấn đề dân sự liên quan đến tranh chấp giữa các cá nhân và tổ chức, chẳng hạn như tranh chấp tài sản, vi phạm hợp đồng và các vụ kiện bồi thường cho người lao động.
Greg McIntyre, Chủ tịch đắc cử Hội đồng Luật của Úc giải thích về sự khác biệt này.
“Các vấn đề hình sự, thường do cơ quan cảnh sát khởi xướng. Họ điều tra tội phạm, sau đó chuyển chúng đến Công Tố Viên Trưởng ở mỗi khu vực pháp lý đó, và Công Tố Viên Trưởng quyết định có truy tố một người hay không. Hệ thống dân sự không có sự tham gia của chính phủ với tư cách là động lực chính của quá trình tố tụng. Nguyên đơn đưa vụ việc ra tòa trong đó biện pháp khắc phục là bồi thường thiệt hại.”
Các tranh chấp bao gồm vi phạm hợp đồng, tai nạn xe cơ giới, các vụ bồi thường cho người lao động và tranh chấp tài sản là những ví dụ về tố tụng dân sự. Credit: Lighthousebay/Getty Images
Tìm kiếm hỗ trợ pháp lý
Không giống như các vụ án dân sự, các vấn đề hình sự được ưu tiên trong các dịch vụ hỗ trợ pháp lý do chính phủ trợ cấp, bao gồm Ủy ban Trợ giúp Pháp lý - Legal Aid Commissions - ở từng khu vực pháp lý và các chương trình hỗ trợ tài chánh pháp lý của Liên bang.
“Các cơ quan đó có giới hạn về số lượng vụ việc mà họ có thể đảm nhận. Và một số lĩnh vực pháp luật được ưu tiên hơn những lĩnh vực khác. Có những lĩnh vực tội phạm mà người dân có nguy cơ bị bỏ tù, được ưu tiên cao hơn để được cấp phép pháp lý hỗ trợ. Luật gia đình là nơi có nguồn lực hỗ trợ hạn chế. Khiếu nại dân sự là nơi mọi người đang tìm kiếm sự bồi thường cho một điều gì đó, nói chung là khá khó để nhận được trợ giúp pháp lý hay legal aid.”
Có những công ty luật giải quyết các vụ việc trên cơ sở không thắng kiện không lấy tiền, đặc biệt là trong các vấn đề thương tích cá nhân, các vụ tai nạn xe cơ giới và các vụ bồi thường cho người lao động, ông McIntyre nói. Credit: Jacobs Stock Photography/Getty Images
Những người cần đại diện pháp lý nhưng không đủ khả năng chi trả mức phí thương mại và không đủ điều kiện tham gia các chương trình do chính phủ tài trợ có thể tìm kiếm các luật sư trong khu vực của họ, những người cung cấp hỗ trợ miễn phí cho một số vấn đề nhất định.
Trong mọi trường hợp, khi thuê một người hành nghề luật, việc xác minh tính hợp lệ của thông tin xác thực của họ là một cách làm tốt.
Ông McIntyre giải thích.
“Tất cả những người hành nghề pháp lý đều bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hiện hành theo các quy định áp dụng ở mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ. Mỗi cơ quan đó đều có một cơ quan theo luật định cấp các chứng chỉ hành nghề đó và họ có một trang web nơi bạn có thể kiểm tra xem liệu cá nhân mà bạn đang giao tiếp có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hành nghề của họ không bị treo hay bị rút vì bất kỳ lý do gì. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu loại thông tin đó từ các Hiệp hội luật sư và Hiệp hội luật.”
Các trung tâm pháp lý cộng đồng - Community legal centres - là một lựa chọn khác. Chúng bao gồm Dịch vụ pháp lý dành cho phụ nữ - Women’s Legal Services - ở mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ, chuyên cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các vụ bạo lực gia đình.
Mọi người đều có thể tìm kiếm tư vấn và thông tin miễn phí về các vấn đề pháp lý mình quan tâm từ Ủy ban Trợ giúp Pháp lý tại nơi quý vị cư trú. Credit: Thurtell/Getty Images
Ông Stone từ Ủy ban Dịch vụ Pháp lý SA nói rằng trợ giúp pháp lý không chỉ bao gồm việc đại diện. Có nhiều loại hỗ trợ pháp lý khác nhau dành cho bất kỳ ai, bất kể hoàn cảnh tài chánh của họ.
“Điều mà hầu hết mọi người có thể nghĩ đến khi nghe đến thuật ngữ Trợ giúp pháp lý - Legal Aid, họ nghĩ về việc luật sư ra tòa. Đó chỉ là trong một số vấn đề pháp lý nhất định. Hầu hết các Ủy ban Trợ giúp Pháp lý - Legal Aid Commissions - sẽ cung cấp những hỗ trợ khác, chẳng hạn như tư vấn cho những người không phụ thuộc vào việc trợ giúp pháp lý.”
Ông Stone cho biết, việc tư vấn pháp lý luôn được khuyến khích, đặc biệt nếu bạn không quen với hệ thống pháp luật của Úc.
“Đôi khi mọi người có thể ở Úc, nhưng trước đó đã có những trải nghiệm tồi tệ với hệ thống pháp luật hoặc quy trình pháp lý ở nơi khác, và điều này sẽ có xu hướng ảnh hưởng đến thái độ của họ đối với luật pháp và quy trình pháp lý. Việc tìm hiểu hệ thống pháp luật ở Úc để biết nó hoạt động như thế nào luôn hữu ích.”
Một loạt các dịch vụ do chính phủ tài trợ có thể giúp đỡ mọi người về các vấn đề pháp lý.
Hãy truy cập ag.gov.au/legal-system/legal-assistance-services để biết danh sách đầy đủ các nhà cung cấp hỗ trợ pháp lý, bao gồm các ủy ban Trợ giúp Pháp lý và các dịch vụ pháp lý chuyên môn về bạo lực gia đình.