Thủ tướng Anthony Albanese, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn tay chào mọi người trước cuộc họp thượng đỉnh của nhóm “The Quad” ở thủ đô Tokyo. Nguồn: KYDPL KYODO
AUSTRALIA - Ông Anthony Albanese đã xuất hiện trước thế giới với tư cách là Thủ tướng và nhắc lại lời kêu gọi của Úc về một Thái Bình Dương tự do và cởi mở, hành động mạnh mẽ hơn đối với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh kinh tế trong khu vực.
Đó là một khởi đầu thú vị cho hội nghị thượng đỉnh QUAD - bốn nhà lãnh đạo chụp hình kỉ niệm như trong "gia đình" – nhất là khi Thủ tướng Anthony Albanese và Tổng thống Mỹ Joe Biden chào hỏi nhau một cách thân mật. Tổng thống Mỹ đã vồn vả hỏi thăm tân Thủ tướng Úc.
"Thủ tướng Albanese tôi chào mừng bạn đến với cuộc họp QUAD đầu tiên của bạn, giống như tôi đã nói với mọđi người rằng bạn đã tuyên thệ nhậm chức, bạn đã lên máy bay và nếu bạn ngủ gật khi đến đây thì cũng không sao cả bởi vì tôi không biết sao bạn làm được như thế."
Đây là lần tham gia một cuộc họp quốc tế đầu tiên của ông Albanese, nhưng ông đã nhanh chóng sử dụng sân khấu thế giới để phác thảo chương trình nghị sự của mình.
"Các ưu tiên mới của Chính phủ Úc phù hợp với chương trình nghị sự của Bộ tứ, đó là hành động về biến đổi khí hậu, và xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn, thông qua an ninh kinh tế tốt hơn, an ninh mạng tốt hơn, an ninh năng lượng tốt hơn và an ninh môi trường và sức khỏe tốt hơn."
Bốn nước Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ bày tỏ quan ngại về cuộc xâm lược Ukraine - Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Kishida đang tìm cách tốt nhất để chuyện như vậy không xảy ra ở Thái Bình Dương.
"Do đó, chúng ta nên lắng nghe cẩn thận tiếng nói của các nước trong ASEAN, Nam Á cũng như các đảo quốc Thái Bình Dương để thúc đẩy hợp tác hơn nữa, làm sao có lợi cho việc giải quyết các vấn đề cấp bách mà khu vực đang đối mặt."
Thủ tướng Nhật Bản đã làm cho chính phủ mới của Úc cảm thấy được hoan nghênh.
"Tôi muốn gửi lời chúc mừng chân thành đến việc đảm nhận chức vụ Thủ tướng và cảm ơn bạn rất nhiều vì đã bay đến Nhật Bản ngay sau cuộc bầu cử."
Bắc Kinh cũng đã gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Albanese – dấu hiệu báo trước dấu chấm hết cho sự đóng băng ngoại giao giữa Trung Quốc và Úc. Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc đã gửi thông điệp chúc mừng - và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cũng bình luận về kết quả bầu cử hôm thứ Bảy.
"Chúng tôi thấy ông Albanese đã lãnh đạo Đảng Lao Động Úc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang và chúng tôi xin chúc mừng. Vào những năm 1970, chính phủ Úc, do Đảng Lao Động lãnh đạo, đã lựa chọn đúng đắn để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc."
Canberra cho biết Trung Quốc đã chặn các cuộc đàm phán ở cấp bộ trưởng vào gần đầu năm 2020 nhưng có hy vọng một chính phủ mới ở Úc có thể nối lại liên lạc với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Chuyên gia Quốc phòng và An ninh tại Đại học Quốc gia Úc John Blaxland cho rằng chuyện này không thể nhanh được.
"Phản ứng của Trung Quốc chỉ là một cành ô liu, đó là một chút mở cửa tủ đông đá lâu nay, nhưng đây là cơ hội để Úc khám phá những cách để cải thiện bang giao với Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tương lai sẽ chứng kiến những bước đi mang tính xây dựng nhưng khiêm tốn, hướng tới một sự hòa giải giữa Úc và Trung Quốc."
Nhưng khi được hỏi ở Tokyo rằng liệu điện thư chúc mừng của Bắc Kinh có khơi mào cho một số hành động đáp lại của chính phủ Úc hay không – Thủ tướng Albanese vẫn tỏ ra lạnh nhạt.
"Bây giờ tôi đã nhận được thư chúc mừng từ Thủ tướng Lý cũng như từ các nhà lãnh đạo khác và tôi hoan nghênh điều đó. Chúng tôi sẽ trả lời thích hợp kịp thời khi tôi trở lại Úc."
Sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã gây ra một số lo ngại cho phương Tây. Chính phủ Morrison trước đây đã bị chỉ trích vì phản ứng của họ trong việc giải quyết một hiệp ước an ninh được ký kết giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon, và chính phủ Lao động sắp tới đang hy vọng sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia với các quốc gia láng giềng.
Hôm thứ Hai, tân Ngoại trưởng Penny Wong đã gửi một thông điệp tới các quốc gia Thái Bình Dương, nói rằng Úc sẽ sát cánh cùng họ, và một lần nữa thúc đẩy lập trường tiến bộ hơn của chính phủ về biến đổi khí hậu.
"Khu vực của chúng ta phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Nhưng chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt với những thách thức này và chúng ta sẽ cùng nhau đạt được nguyện vọng chung. Chúng ta muốn giúp xây dựng một gia đình Thái Bình Dương vững mạnh hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ làm được nhiều hơn, cũng sẽ làm tốt hơn . Chúng tôi sẽ lắng nghe vì chúng tôi quan tâm đến những gì Thái Bình Dương cần lên tiếng."
Giáo sư John Blaxland nói rằng trọng tâm về khí hậu - vấn đề lớn nhất mà khu vực phải đối mặt - có thể giúp đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
"Có một cảm giác thực sự rằng động lực đang được xây dựng để Úc tham gia sâu hơn, rộng hơn so với những gì đã xảy ra trong quá khứ, mà không gặp khó khăn trong vấn đề môi trường. Tôi nghĩ đó là một chút thay đổi cuộc chơi, và để xem, điều có thể xảy ra là một sự thay đổi hoàn toàn về mối quan hệ ngày càng sâu sắc trong khu vực."
Tuy nhiên, căng thẳng vẫn còn trong quan hệ với Đài Loan, sau khi Tổng thống Biden nói Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc xâm chiếm hòn đảo tự trị này. Tổng thống Biden cam kết duy trì sự mơ hồ chiến lược đối với Đài Loan. Thủ tướng Anthony Albanese cương quyết duy trì hiện trạng.
"Tổng thống Biden đã xác nhận không có sự thay đổi nào trong quan điểm của Hoa Kỳ, và tôi xác nhận không có sự thay đổi nào trong quan điểm của Úc. Lập trường của chúng tôi là không nên đơn phương thay đổi hiện trạng."
Thủ tướng Anthony Albanese đã xác nhận cuộc họp tiếp theo của Bộ Tứ sẽ được tổ chức tại Úc, vào năm 2023.