AFP cảnh báo rằng tình trạng lừa đảo và lôi kéo tài chính mang tên “giết mổ lợn” đang nhắm vào người Úc với lời hứa hẹn về tình bạn và những vận may tài chính. Nguồn: Getty / Tero Vesalainen

 

 

Bắt đầu từ những tin nhắn làm quen tưởng chừng như vô hại trên mạng xã hội, những kẻ lừa đảo sẽ dành nhiều tháng, hay thậm chí nhiều năm, để chiếm lấy lòng tin của nạn nhân trước khi ra tay hành động.

 

Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) đang cảnh báo về một hình thức lừa đảo tinh vi và công phu có tên là “pig butchering”, nhắm vào những người Úc với lời hứa hẹn về tình bạn và vận may tài chính.


 

Ông Chris Goldsmid thuộc bộ phận phụ trách tội phạm mạng của AFP cho biết, đây là lần đầu tiên AFP công bố chi tiết các bước thực hiện hình thức lừa đảo này, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về những chiến thuật mà bọn lừa đảo sử dụng để nhắm vào các nạn nhân.

 

“Pig butchering”, nghĩa đen là “giết mổ heo”, là một hình thức lừa đảo trong đó kẻ phạm tội dành một thời gian dài để chiếm lấy lòng tin của nạn nhân, trước khi khuyến khích họ đầu tư vào thị trường cổ phiếu, tiền điện tử hoặc sàn giao dịch ngoại tệ.

 

Nạn nhân nghĩ rằng họ đang giao dịch trên các nền tảng hợp pháp, nhưng thực ra những kẻ phạm tội đã tạo ra các nền tảng giả mạo trông giống hệt các trang web nổi tiếng, và tiền sẽ được chuyển vào tài khoản riêng của chúng.

 

Ông Goldsmid cho biết trong khi các vụ lừa đảo tình cảm truyền thống thường xảy ra trên các ứng dụng hẹn hò, “pig butchering” bắt đầu từ các tin nhắn từ người lạ trên mạng xã hội.

 

Ông nói “Pig butchering không nhắm vào những cá nhân đang tìm kiếm một mối quan hệ tình cảm, mà thay vào đó là bắt đầu một cuộc trò chuyện theo kiểu kết bạn,”

 

“Những kẻ lừa đảo thường gọi những tin nhắn ngẫu nhiên này là do ‘hữu duyên’ hoặc ‘số mệnh’.

“Trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, kẻ lừa đảo sẽ phô trương lối sống xa hoa và sự giàu có của chúng, chẳng hạn như khoe khoang về số tài sản trong ví tiền điện tử.”

“Khi nạn nhân hỏi về cách kiếm tiền, chúng sẽ dẫn nạn nhân đến một bản sao hoàn chỉnh của một trang web đầu tư và cho thấy sự tăng trưởng của các khoản đầu tư.”

“Sau khi gửi tiền, nạn nhân sẽ được cung cấp các báo cáo đầu tư hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm, cho thấy khoản đầu tư của họ tiếp tục tăng trưởng. Thường thì nạn nhân sẽ cung cấp nhiều tiền hơn nữa.”

“Khi nạn nhân muốn rút tiền, hoặc kẻ lừa đảo tin rằng nạn nhân không còn tiền để lừa, chúng sẽ nói những câu như ‘cần phải nộp thuế nhưng tôi biết một kế toán giỏi’ hoặc ‘tất cả chúng ta sẽ gặp nhau tại một khu nghỉ dưỡng sang trọng để họp đại hội đồng cổ đông, đại lý du lịch của chúng tôi có thể đặt chỗ cho bạn, bạn chỉ cần trả tiền vé máy bay và chỗ ở’.

“Tuy nhiên, trước khi đến thời điểm đó, kẻ lừa đảo đã bỏ ra rất nhiều công sức để dụ dỗ nạn nhân – và đây là những dấu hiệu mà chúng tôi muốn cộng đồng nhận biết.”

 

Ông Goldsmid cho biết sổ tay hướng dẫn “pig butchering” của bọn tội phạm có bốn bước chính: xây dựng hình tượng, thao túng tâm lý, lừa đảo đầu tư và rút tiền.

 

Có những hướng dẫn khác nhau dành cho các nạn nhân thuộc độ tuổi, giới tính, xu hướng tình dục và khu vực địa lý khác nhau.

 

 

1. Xây dựng hình tượng

Những kẻ lừa đảo xây dựng hình tượng một người đàn ông hoặc phụ nữ xinh đẹp, giàu có, thường là chủ doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư thành đạt, có khoản đầu tư vào tiền điện tử, thị trường cổ phiếu hoặc vàng. Họ đang tìm kiếm tình bạn, nhưng quá bận rộn để gặp mặt trực tiếp trong thời điểm hiện tại.

 

 

2. Thao túng tâm lý

Thủ phạm nhắn tin cho nạn nhân mỗi ngày, có thể bày tỏ tình cảm sau vài tuần và sử dụng cách xưng hô thân mật như “anh yêu/em yêu” hoặc “cưng”. Thủ phạm đề cập rất nhiều đến cơ hội và số phận, nói với nạn nhân rằng giờ họ có thể cùng nhau thực hiện ước mơ, và đừng nên bỏ lỡ cơ hội trong cuộc sống.

 

 

 

3. Lừa đảo đầu tư

Theo thời gian, kẻ phạm tội khoe khoang về sự giàu có của mình, những món đồ mới mua và những chuyến du lịch. Khi nạn nhân hỏi làm thế nào họ có thể trở nên giàu có như vậy, kẻ lừa đảo dẫn họ đến một bản sao của một trang web đầu tư, với các kết quả tăng trưởng giả mạo. Nạn nhân bỏ tiền vào “đầu tư” và được cho thấy khoản tiền của họ tăng trưởng như thế nào – trong khi trên thực tế, tiền đang nằm trong tay của kẻ phạm tội.

 

 

4. Rút tiền

Khi nạn nhân từ chối đầu tư thêm hoặc muốn rút tiền lời, hoặc sau một khoảng thời gian, kẻ phạm tội sẽ rút tiền và bỏ đi.

 

AFP lo ngại rằng một số nạn nhân đã không trình báo với giới hữu trách sau khi bị lừa đảo vì xấu hổ.

 

Ông Goldsmith nói “Chúng tôi biết một số thành viên trong cộng đồng đã không trình báo sau khi bị lừa đảo,”

“Thông điệp của tôi là đừng xấu hổ. Hãy báo cho cơ quan chức năng và cân nhắc đến việc kể cho bạn bè, gia đình hoặc cộng đồng của bạn về những gì đã xảy ra. Càng nhiều người biết về những kẻ lừa đảo vô đạo đức này thì chúng càng khó nhắm mục tiêu vào những người khác.”

 

Ngoài ra, một số tên tội phạm còn thuyết phục nạn nhân mở tài khoản ngân hàng để thực hiện hoạt động rửa tiền hoặc vận chuyển ma túy bất hợp pháp.

 

“Các băng nhóm tội phạm đang lôi kéo người Úc gửi tiền ra nước ngoài, và dùng số tiền này để tài trợ cho các hoạt động tội phạm nghiêm trọng khác.”

“Dữ liệu Scamwatch mới nhất cho thấy 40 triệu đô-la đã bị mất chỉ riêng trong các vụ lừa đảo tình cảm vào năm 2022, tương đương $109.000 một ngày hoặc $4.500 một giờ.”

“AFP tin rằng con số này còn cao hơn, vì nhiều nạn nhân quá xấu hổ nên đã không tiết lộ rằng họ đã mất tiền trong một vụ lừa đảo tình cảm”

“Nếu bạn tin rằng mình là nạn nhân của tội phạm mạng, hãy trình báo cho ReportCyber. Nếu sự an toàn của bạn bị đe doạ, hãy gọi số 000.”