Theo Simon (trái), Sharon Carol (phải) và con gái Rosa (giữa) đã đi qua 20 quốc gia trên đường đến Úc. (Ảnh: SBS)
Hầu hết mọi người tốn khoảng 24 tiếng để bay từ London đến Sydney. Nhưng với gia đình Carols, họ đã mất 4 tháng!
Năm nay là lần đầu tiên Rosa Carol, 19 tuổi, đi máy bay. Và đây có lẽ cùng là lần cuối cùng của cô.
Cùng với cha là Theo Simon và mẹ là Carol, cô bé vừa mới đi qua 20 quốc gia và hai lục địa bằng xe hơi, xe buýt, xe lửa và phà.
Sau khi đến thủ đô Dili của Đông Timor vào đầu tháng 12, gia đình chỉ còn cách điểm đến là Úc một chuyến đi thuyền. Vấn đề là không có ai chịu cho họ đi cùng.
Ông Theo nói với SBS News “Nếu chúng tôi đến đó sớm hơn vài tuần, gần như chắc chắn chúng tôi sẽ tìm được một chiếc thuyền mà chúng tôi có thể đi nhờ. Nhưng chúng tôi chỉ tìm thấy hai chiếc thuyền, và trong cả hai trường hợp… chúng tôi đều không thể thuyết phục họ đưa chúng tôi đi,”
“Chúng tôi phải đưa ra quyết định: ‘Chúng tôi đã đi hết chặng đường này… chúng tôi bắt buộc phải đi máy bay.”
Gia đình Carols đã dành 4 tháng để thực hiện hành trình nửa vòng trái đất từ Castle Cary, một thị trấn nhỏ ở quận Somerset phía tây nam nước Anh, đến Sydney, Úc.
Đó là khoảng cách 17.150 km theo đường chim bay. Nhưng gia đình đã chọn không đi máy bay, nếu có thể.
Carols đã vượt qua hai lục địa bằng ô tô, xe buýt, xe lửa và phà. Ảnh: được cung cấp (SBS)
Họ là một phần của phong trào từ chối di chuyển bằng đường hàng không để giảm bớt lượng khí thải carbon. Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng ngành hàng không thải ra khoảng 1 tỷ tấn CO2 mỗi năm – nhiều hơn lượng khí thải của hầu hết các quốc gia – và lượng CO2 mỗi giờ cao hơn khoảng 100 lần so với đi việc xe buýt hoặc xe lửa.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy ngành hàng không đóng góp khoảng 4% vào sự nóng lên toàn cầu, và dự đoán sẽ làm tăng khoảng 0,1C vào năm 2050 nếu ngành này tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trước COVID.
Phong trào “không đi máy bay” đang cố gắng giải quyết và nâng cao nhận thức về những tác động này, từ chối di chuyển bằng đường hàng không và khuyến khích những người khác làm điều tương tự.
Nhà nghiên cứu môi trường và nhà báo tự do Sacha Shaw gần đây đã đi từ Darwin đến Dubai bằng cách sử dụng kết hợp thuyền, xe lửa, xe buýt, xe máy và đi nhờ xe, đồng thời quá cảnh qua hơn 10 quốc gia, bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ, Pakistan và Iran.
Anh nói với tờ The Guardian rằng “Có rất nhiều cách để di chuyển mà không cần máy bay.”
Khoảng 16 năm trước, Theo Simon và Sharon Carol đã quyết định tẩy chay việc đi lại bằng đường hàng không.
Ông Theo giải thích “Hồi năm 2007, khi chúng tôi xem xét lượng khí thải carbon của mình, [Shannon và tôi] đã quyết định rằng chúng tôi không thể đi máy bay nữa – vì tác động to lớn mà việc bay đã gây ra so với bất kỳ thứ gì khác – điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể sẽ không đi du lịch nữa,”
“Khi con gái chúng tôi đã lớn, chúng tôi bắt đầu nảy ra ý tưởng: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi đi vòng quanh thế giới đến Úc mà không đi máy bay?
“Rồi chị gái của Shannon chuẩn bị kết hôn và chúng tôi quyết định đến Úc để dự đám cưới.”
Gia đình Carols đi từ Castle Cary, một thị trấn nhỏ ở quận Somerset phía tây nam nước Anh, đến Sydney. Ảnh: Được cung cấp (SBS)
Gia đình ba người rời Castle Cary vào ngày 16/8, lên đường đến London trước khi lên tàu đi Amsterdam. Từ đó, họ đi qua Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Nga, Kazakhstan, Trung Quốc, Lào và Indonesia cùng nhiều quốc gia khác trước khi đến Đông Timor.
“Đó là ý định của chúng tôi,” ông Theo nói. “Đi hết chặng đường bằng xe lửa, xe buýt và phà, về cơ bản sử dụng phương tiện giao thông công cộng là cách rẻ nhất và ít tác động nhất mà chúng tôi có thể thực hiện hành trình đó.”
Tuy nhiên, việc đi một chặng đường dài cũng đặt ra nhiều thách thức. Việc đóng cửa biên giới đất liền đã ngăn họ vào Azerbaijan; lũ lụt ở Tbilisi, Georgia đã biến chuyến đi lẽ ra chỉ kéo dài 20 phút thành chuyến hành trình kéo dài ba tiếng rưỡi; những người tị nạn Ukraine đã phải giúp họ mua vé tàu ở Nga và trong chặng đường đó của chuyến đi, chính quyền Nga đã giữ ông Theo lại để thẩm vấn.
“Tôi bị đưa đến một toa khác trên tàu và bị thẩm vấn trong 45 phút,” ông nói. “[Họ muốn biết] chúng tôi đã ở đâu, đã gặp ai và những thứ khác, hiển nhiên là có liên quan đến cuộc chiến.”
Trong khi việc tẩy chay du lịch hàng không đặt ra nhiều thách thức, Carols nói rằng những ưu điểm vượt xa những nhược điểm. Ảnh: Được cung cấp (SBS)
Tuy nhiên, theo ông Theo, ngay cả những khó khăn này cũng có lợi theo cách riêng vì “chúng giúp chúng tôi tiếp xúc với thực tế, rèn luyện tính cách và khiến chúng tôi ghi nhớ những gì người khác trải qua trong cuộc sống hàng ngày của họ”.
Sau đám cưới vào ngày 28/12 và một thời gian ở Úc, gia đình Carols dự tính cũng sẽ về nhà mà không cần đi máy bay.
Họ đang quyết định xem sẽ đi bằng tàu chở hàng, thuyền buồm hay phương tiện nào khác.
“Một trong những điều khiến tôi nhấn mạnh là thực tế, ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được,” ông Theo nói. “Chúng tôi rất mong chờ nó.”