Lệnh cấm này đã gây ra tranh cãi sau khi AANA – Hiệp hội các Công ty Quảng Cáo Quốc Gia Úc - sẽ cấm quảng cáo bánh mì kẹp dăm (giăm) bông. Ảnh: được cung cấp - news.com.au
NAM ÚC - Một cơ quan đứng đầu ngành y tế đang ủng hộ động thái gây tranh cãi của một tiểu bang về việc cấm quảng cáo đồ ăn vặt trên xe buýt và xe lửa điện (trams), cho rằng đã đến lúc phải bảo vệ trẻ em Úc.
Một cơ quan đứng đầu ngành y tế đã hoàn toàn ủng hộ động thái gây tranh cãi của tiểu bang Nam Úc về việc cấm quảng cáo đồ ăn vặt trên các xe cộ giao thông công cộng, cho rằng đã đến lúc "vạch ra ranh giới" và bảo vệ trẻ em Úc khỏi các hoạt động quảng cáo không lành mạnh.
Giám đốc điều hành của tổ chức dinh dưỡng và chống béo phì Food for Health Alliance (Liên minh Thực phẩm vì Sức khỏe), là Jane Martin, trong một tuyên bố được phát hành với bản tin NewsWire, cho biết lệnh cấm, hiện đang có hiệu lực, sẽ tác động đến các bữa ăn uống và giúp giảm bớt các hình ảnh quảng cáo đồ ăn vặt.
Bà cho biết: "Các quy định quảng cáo thực phẩm hiện hành ở Úc phần lớn là tự nguyện và do chính ngành công nghiệp kiểm soát".
"Chúng không hiệu quả, không phù hợp và sai sót.”
"Kết quả là, quảng cáo đồ ăn vặt tấn công dồn dập vào trẻ em ở mọi nơi chúng đến - trên mạng xã hội, trên biển quảng cáo, trên xe cộ giao thông công cộng, tại các trận đấu thể thao.”
“Nó như một loại phông nền trong cuộc sống của con em chúng ta, và, nó định hình những gì trẻ em muốn, những gì chúng luôn đòi hỏi cha mẹ, và cuối cùng là những thứ chúng ăn.”
Lệnh cấm này cấm một loạt các mặt hàng đồ ăn vặt được quảng cáo trên xe buýt, xe lửa và xe điện ở Adelaide, bao gồm cả các loại thịt chế biến sẵn như dăm-bông (giăm-bông).
Sô-cô-la, kẹo, các loại mứt, món tráng miệng, kem, nước ngọt và khoai tây chiên đều bị cấm quảng cáo, cũng như thịt chế biến sẵn, với biện pháp này được thiết kế để giảm bớt việc trẻ em phải nhìn thấy các mẫu quảng cáo thực phẩm và đồ uống không lành mạnh.
Lệnh cấm đã gây ra tranh cãi trong những tháng trước khi được áp dụng vào ngày 1 tháng Bảy, với việc Hiệp hội các Công ty Quảng cáo Quốc gia Úc (AANA) phản đối mạnh mẽ những gì mà họ cho là "lệnh cấm toàn diện".
Josh Faulks, là giám đốc điều hành của AANA, cho biết vào tháng Năm rằng, "Hiện tại, chính sách này cấm tất cả các loại thịt chế biến sẵn, có nghĩa là một chiếc bánh mì kẹp rau xà-lách dăm (giăm) bông đơn giản không thể được quảng cáo."
“Điều này hoàn toàn vô lý và chánh quyền nên đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng, chứ không phải lệnh cấm toàn diện không phù hợp với khoa học dinh dưỡng.”
Giám đốc điều hành của Liên minh Thực phẩm vì Sức khỏe, Jane Martin, ủng hộ lệnh cấm quảng cáo đồ ăn vặt trên xe điện, xe buýt và xe lửa ở tiểu bang Nam Úc. Ảnh: được cung cấp – news.com.au
Hiệp hội AANA đã xác nhận với NewsWire rằng họ phản đối tất cả các lệnh cấm quảng cáo thực phẩm và đồ uống.
Bộ trưởng Y tế Chris Picton, phát biểu vào hôm tháng Năm, cho biết AANA đang “gây hoang mang” và “cung cấp thông tin sai lệch về chánh sách hợp lý này”.
Ông nói, “Các nhân vật vận động hành lang trong ngành quảng cáo không có thẩm quyền chỉ đạo chúng ta những gì được phép trưng bày trên các xe cộ giao thông công cộng của chúng ta.”
Số liệu của chánh quyền cho thấy khoảng 63% người lớn và 35% trẻ em trên khắp tiểu bang Nam Úc bị thừa cân hoặc béo phì.
Hôm 15/07, bà Martin cho biết chánh quyền đã thực hiện một “bước đi thông minh và cần thiết” được chứng minh bằng bằng chứng.
Bà nói, “Sau khi Cơ quan Giao thông Vận tải London áp dụng các hạn chế tương tự, dự kiến lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống không lành mạnh của các hộ gia đình đã giảm hơn 1000 ca-lo mỗi tuần”.
Lệnh cấm áp dụng cho các loại xe cộ giao thông công cộng ở tiểu bang Nam Úc. Ảnh: NewsWire / Emma Brasier
“Các thành phố khác như Canberra, Amsterdam và New York cũng đã áp dụng các chánh sách tương tự.”
“Ngành công nghiệp thực phẩm chế biến và quảng cáo đã có một thời gian dài sinh lời.”
“Nhưng giờ đã đến lúc chúng ta phải vạch ra ranh giới và ngừng cho phép họ quảng bá các sản phẩm không lành mạnh của họ cho trẻ em trên đường đi tới đi lui hằng ngày của trẻ .”
Bà cảnh báo nước Úc đã tụt hậu so với thông lệ quốc tế trong việc bảo vệ trẻ em khỏi “quảng cáo thực phẩm không lành mạnh”.
Bà nói, “Con cái chúng ta đang phải trả giá,”
“Hơn một phần ba lượng năng lượng tiêu thụ hàng ngày của trẻ em Úc hiện nay đến từ thực phẩm và đồ uống không lành mạnh, hơn 40% ở thanh thiếu niên.”
“Chế độ ăn uống không lành mạnh đang khiến trẻ em có nguy cơ có cân nặng không lành mạnh khi vào tuổi trưởng thành, và, mắc bệnh tiểu đường loại 2, đột quỵ, bị bịnh tim, hoặc 13 loại ung thư sau này.”
(Theo Báo Nam Úc savietnews.com.au)