Đài quan sát thiên văn Oculus Observatory gần Bower, tiểu bang Nam Úc, là đài quan sát đầu tiên thuộc loại này trên thế giới. (Cung cấp: Silentium Defense)

 

 

 

 

NAM ÚC - Một đài quan sát không gian đầu tiên trên thế giới đã được mở tại Murraylands, tiểu bang Nam Úc, để theo dõi hàng ngàn vật thể quay quanh Trái đất.

 

 

Đài quan sát thiên văn Oculus Observatory đã được thành lập tại Brownlow, cách Eudunda khoảng 30 cây số và được xây dựng bởi công ty không gian và quốc phòng Silentium Defense.

 

 

Đây là công ty đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống radar thụ động để theo dõi các vật thể ở quỹ đạo thấp của Trái đất, cách bề mặt Trái đất từ ​​200 cây số đến 10,000 cây số.

 

 

Ở quỹ đạo đó, bạn có thể tìm thấy Trạm vũ trụ quốc tế - International Space Station - quay quanh hành tinh của chúng ta, cũng như hàng ngàn vệ tinh và mảnh rác không gian.

 

 

James Palmer, Giám đốc điều hành công ty Silentium Defense nói: “Là một xã hội, chúng ta thực sự phụ thuộc vào không gian.”

 

"Các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái đất có thể cung cấp rất nhiều hình ảnh quan sát về Trái đất và chúng tôi đang thấy rất nhiều hình ảnh của các vệ tinh từ các chòm sao lớn.”

 

Giám đốc điều hành Silentium Defense, Tiến sĩ James Palmer hiện đang đảm trách dự án tại Brownlow. (ABC Riverland: Sam Bradbrook)

 

 

 

“Những gì chúng tôi đang làm là để hiểu được những gì đang xảy ra ở quỹ đạo này để chúng tôi có thể quản lý miền không gian  đó ngày hôm nay, nhưng cũng để các thế hệ tương lai có thể hưởng lợi từ nó."

 

 

Radar thụ động sử dụng các tháp vô tuyến phát sóng FM trên khắp tiểu bng Nam Úc để gửi tín hiệu vào không gian, tín hiệu này tiếp cận các vật thể trên quỹ đạo và sau đó được gửi trở lại đài quan sát để theo dõi vị trí của chúng trên bầu trời.

 

 

Radar thụ động cho phép dự án sử dụng ít năng lượng hơn và ít cần sự giám sát trực tiếp hơn trong các hoạt động của nó so với hệ thống radar chủ động.

 

 

 

Đài quan sát sử dụng sóng vô tuyến FM để theo dõi các vệ tinh trong Quỹ đạo Trái đất Thấp. (ABC Riverland: Sam Bradbrook)

 

 

 

 

Hệ thống này cũng được cung cấp năng lượng toàn bộ bằng các tấm pin năng lượng mặt trời tại chỗ.

 

 

Tránh các vụ va chạm ngoài không gian

Khi các ngành công nghiệp vũ trụ trên toàn thế giới phát triển, chỗ trống để cho các vệ tinh du hành trong không gian ngày càng chật chội hơn, và nguy cơ va chạm tăng lên.

 

 

Vai trò của đài quan sát sẽ  theo dõi đường bay của các vật thể trong quỹ đạo thấp của Trái đất, và cảnh báo cho các chính phủ và các công ty tư nhân khi các thiết bị không gian của họ có nguy cơ va chạm với nhau.

 

 

Melissa De Zwart, giáo sư luật không gian của Đại học Flinders, cho biết sự đông đúc trên quỹ đạo Trái đất thấp đang trở thành một vấn đề khi các công ty tư nhân tham gia vào cuộc đua không gian.

 

 

Melissa De Zwart, giáo sư Luật Không gian của Đại học Flinders, tại Brownlow vào ngày 9 tháng Mười Hai năm 2021. (ABC Riverland: Sam Bradbrook)

 

 

 

 

Bà nói: “Chúng tôi đã lấy ví dụ cách đây vài tuần về cuộc thử nghiệm ASAT (hỏa tiễn chống vệ tinh – direct ascent anti satellite) của Nga, nơi họ đã phá hủy một trong những vệ tinh không còn tồn tại của chính mình.”

 

"Vụ thử nghiệm hỏa tiễn chống vệ tinh này tạo ra hàng nghìn mảnh vụn không gian và điều đó khiến Trạm Vũ trụ Quốc tế rơi vào tình trạng phong tỏa khẩn cấp.”

 

"Rủi ro và sự nguy hiểm của các vụ va chạm trong không gian ngay lập tức phá hủy những vệ tinh trên quỹ đạo đó, nhưng nó có ảnh hưởng liên tục. Chúng tôi vẫn còn các mảnh vỡ trong không gian từ một vụ va chạm vào năm 2009."

 

 

Trong khi đài quan sát độc nhất vô nhị vừa được khai trương, đã có kế hoạch phát triển địa điểm này trở thành một trung tâm công nghệ giám sát không gian.

 

 

Các tấm pin mặt trời sẽ cung cấp năng lượng cho đài quan sát mới, có nghĩa trạm quan sát không gian này hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn điện lưới. (ABC Riverland: Sam Bradbrook)

 

 

 

Tiến sĩ Palmer nói: “Đây là rìa của không gian bảo tồn bầu trời tối, vì vậy điều này có nghĩa là chúng tôi có thể mang theo các hệ thống phụ trợ, như cảm biến quang học, để có được thông tin tốt hơn về những gì đang diễn ra trên quỹ đạo.”