Dyson Heydon, cựu thẩm phán tòa án tối cao, tại Sydney, năm 2015. Ảnh: Australian Associated Press.
Dyson Heydon (77 tuổi), thẩm phán tại tòa án tối cao của Úc trong nhiều năm, đang phủ nhận các cáo buộc quấy rối ít nhất sáu phụ nữ.
Trong nhiều năm qua, không ít phụ nữ tại ÚC thì thầm, cảnh báo nhau về việc một trong những người đàn ông quyền lực nhất nước này - thẩm phán tòa án tối cao Dyson Heydon - thường có hành động quấy rối.
Sau nhiều lời đồn, một cuộc điều tra nội bộ của tòa án cho thấy thẩm phán Dyson Heydon đã thực sự quấy rối tình dục ít nhất 6 phụ nữ trẻ trong đội ngũ nhân viên của mình.
Ngày 22/6, Chánh án Susan Kiefel đã xác nhận kết luận của cuộc điều tra.
Bà Susan phát biểu “Chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì điều này lại xảy ra tại tòa án tối cao Australia. Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành đến 6 nạn nhân”.
Dù chưa thực sự chắc chắn và thiếu khả năng đưa ra hình phạt cho ông Dyson - đã nghỉ hưu từ năm 2013 - song các phát hiện nội bộ này phần nào thúc đẩy sự cải cách trong ngành.
Thông qua luật sư của mình, ông Dyson (77 tuổi) bác bỏ mọi cáo buộc về hành vi quấy rối hoặc vi phạm luật pháp. Ông cũng đưa ra lời xin lỗi “nếu bất kỳ hành vi nào của mình cấu thành hành vi phạm tội” nhưng tuyên bố rằng những hành vi đó chỉ là “vô ý và vô tình”.
Quấy rối nhiều người, nhiều năm
Cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 3/2019 sau khi 2 trong số các cộng sự cũ của ông Dyson nói với Chánh án Susan rằng họ bị cựu thẩm phán quấy rối trong nhiều năm.
Ngày 22/6, nhiều chi tiết của cuộc nói chuyện giữa 2 nạn nhân với phóng viên điều tra được lần đầu tiết lộ trong một bài báo của The Sydney Morning Herald.
Chelsea Tabart, cựu trợ lý pháp lý, nói rằng trong ngày đầu tiên cô làm việc cho Dyson vào năm 2012, ông đã đề nghị họ tìm “nơi nào đó” để uống nước sau bữa tối văn phòng. Ông đưa cô đến phòng riêng tại một câu lạc bộ kín đáo rồi đặt tay lên đùi cô. Lúc đó, cô 22 tuổi.
Một cựu cộng sự khác, Rachael Patterson Collins, cho biết vào năm 2005, khi cô 26 tuổi, ông Dyson đã nhiều lần tiếp xúc gần cô, thậm chí một lần còn hỏi liệu ông có thể hôn cô không.
Khi hỏi tại sao một người đàn ông đã có vợ lại yêu cầu như vậy, Rachael nhận được câu trả lời từ Dyson: “Bởi vì cô xinh đẹp”.
Các phóng viên của The Sydney Morning Herald cũng nhận được chia sẻ các câu chuyện tương tự về ông Dyson từ nhiều phụ nữ khác, thường là các hành vi rình rập, đụng chạm có chủ đích.
Một thẩm phán còn cho biết ông Dyson từng trượt tay vào giữa hai chân cô trong một bữa tối của các luật sư chuyên nghiệp.
Noor Blumer, một luật sư ở Canberra và là cựu chủ tịch Hiệp hội Luật ACT, từng ngồi cạnh ông Dyson tại một sự kiện của Đại học Canberra vào tháng 4/2013.
Cô nói rằng ông đã “sờ soạng” cô dưới gầm bàn trước khi cố gắng cưỡng hôn cô trong một căn phòng trống. Theo Đại học Canberra, ông Dyson đã được yêu cầu rời khỏi sự kiện này sau khi một sinh viên cũng phàn nàn về hành vi “không phù hợp” của ông vào tối hôm đó.
“Tôi đã rất buồn và chán ghét tất cả”, Noor nói với tờ Sydney Morning Herald. Cô từ chối bình luận thêm khi liên lạc qua điện thoại.
Ngày 23/6, Thủ tướng Scott Morrison nói rằng những lời buộc tội chống lại ông Dyson là “rất đáng lo ngại và lưu tâm”. Một số nhà lập pháp đã kêu gọi tước bỏ các bằng khen thưởng của ông Dyson như Huân chương Danh dự Australia, vốn được trao tặng cho người có công. Tuy nhiên, ông Scott cho biết còn quá sớm để đưa ra quyết định như vậy, đồng thời nhận định cần có các quy trình phù hợp để xác định xem có nên thu hồi bằng tước như vậy hay không.
Cho đến nay, nhiều bằng chứng cho thấy ông Dyson được biết đến là “mối đe dọa” đối với phụ nữ trong những năm tại chức, bao gồm cả thời gian làm việc tại tòa án tối cao từ năm 2003 đến 2013, song ông chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình.
Ông Dyson đang phủ nhận mọi cáo buộc quấy rối. Ảnh: Reuters.
Josh Bornstein, luật sư của 3 cộng sự cũ của ông Dyson, nói với các phóng viên Australian Broadcasting Corporation rằng “hàng trăm người” trong ngành đã biết về hành vi của ông Dyson. Anh cho biết những hành động đó đã “hủy diệt khao khát sự nghiệp của phụ nữ”. Cả 3 cô gái đã từ bỏ con đường làm pháp lý của mình sau khi là nạn nhân của cựu thẩm phán.
Luật sư nói “Hiện các nạn nhân đang muốn nhận được sự bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải chịu do hậu quả của sự quấy rối”.
Nhân vụ việc này, nhiều phụ nữ Úc hy vọng những người khác có động lực đứng lên tố cáo các hành vi tương tự, nhất là kẻ quấy rối là những người có chức quyền.