Kayla và các con của mình, nguồn: SBS

 

 

 

 

 

 

 

Một nghiên cứu mới đã phát hiện rằng chương trình Tương tác Tại nhà dành cho Cha mẹ và Trẻ nhỏ - còn được gọi là "Hippy" - có thể giúp trẻ em chuẩn bị tốt hơn để đến trường. Khoảng 5,000 trẻ em ở 100 cộng đồng vùng sâu vùng xa của Úc đang theo học chương trình này.

 

 

Một buổi học thông thường mỗi sáng của cô bé Ava năm tuổi và cậu em trai bốn tuổi Jona với mẹ của các bé là cô Kayla Agius.

 

“Tôi rất thích hoạt động này vì nó giúp các con phân biệt giữa các loại thức ăn, và sau đó các con sẽ làm bài tập về phân loại.”

 

 

Hoạt động này là một phần của chương trình can thiệp sớm, hướng dẫn cha mẹ trở thành giáo viên đầu tiên cho con.

 

 

“Chúng tôi học cách làm việc với trẻ con, không chỉ là dạy cắt dán, tô màu, mà là sự tương tác trong suốt thời gian học. Nội dung trong sách đưa ra ý tưởng về những điều nên nói với bọn trẻ và cách tương tác với chúng.”

 

 

 

Ava đã hoàn thành chương trình hai năm được gọi là Hippy, tức là Chương trình Tương tác Tại nhà dành cho Cha mẹ và Thanh thiếu niên.

 

 

“Mỗi sáng con bé thức dậy và nói rằng con muốn hộp Hippy của con, nó đâu rồi, chúng ta phải mở hộp Hippy.”

 

 

Chương trình Hippy đã giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Úc trong hơn 20 năm qua.

 

 

Nhưng một nghiên cứu mới do Brotherhood of Saint Laurence ủy quyền, một tổ chức công bằng xã hội quản lý chương trình, đã xác định mức độ khác biệt mà chương trình mang lại đối với những đứa trẻ như Ava và Jona.

 

 

Phó Giáo sư Julie Connolly từ Đại học Griffith là tác giả chính của nghiên cứu cho biết:

 

“Việc học ở nhà là vô cùng quan trọng, nhất là đối với các gia đình khó khăn. Đã có các bằng chứng quốc tế cho thấy việc học ở nhà giúp trẻ em thích nghi tốt hơn với trường học và nâng cao kết quả học tập ở trường.”

 

 

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi sự tiến bộ của gần 600 gia đình thông qua chương trình. Những người tham gia không chỉ rút ngắn khoảng cách, mà sau hai năm các em còn vượt trội hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

 

“Nếu không có chương trình này, các em sẽ không theo kịp bạn bè, khiến việc tham gia vào các cơ hội học tập ở trường trở nên khó khăn hơn.”

 

 

Những tiến bộ lớn nhất được thể hiện trong kỹ năng đọc và viết.

 

 

 

Khi mới bắt đầu, chỉ có 2% số người tham gia đạt mức trung bình về kỹ năng đọc và viết. Nhưng đến cuối chương trình, 78% đã đạt trên mức trung bình.

 

“Đó là khi trẻ yêu thích học, chứ không bị ép học. Sự phát triển nhận thức cùng với sự sẵn sàng học tập đã tạo nên khác biệt khi trẻ bắt đầu đi học.”

 

 

Và chương trình cũng đem đến lợi ích cho phụ huynh, khi họ được thuê làm gia sư cho những người mới tham gia, như cô Katisha Jackson chia sẻ:

 

“Tôi rất vui khi được đóng góp cho cộng đồng theo cách tích cực và tương tác với mọi người.”

 

 

Người phụ nữ Thổ dân này đã đăng ký tham gia chương trình cách đây bảy năm với tư cách là một người cô 20 tuổi chăm sóc đứa cháu ở tuổi mầm non, giờ đây, cô là người điều phối chương trình Hippy ở vùng Riverland của Nam Úc.

 

 

40% gia sư của chương trình Hippy là người Thổ dân hoặc Dân đảo Torres và 60% sống ở vùng xa xôi của Úc.

 

 

Nghiên cứu sâu hơn của Brotherhood of Saint Laurence cho thấy chương trình gia sư là một bước quan trọng để giúp phụ nữ tái hòa nhập lực lượng lao động.

 

“Rất nhiều người khi bắt đầu chương trình là người thất nghiệp, và họ được tạo cơ hội việc làm để phát triển lại tất cả các kỹ năng của họ.”