Thằn lằn núi Blue Mountains. Ảnh: Flickr
Úc xác nhận có 113 loài sinh vật cần cứu trợ khẩn cấp sau khi số lượng các loài này bị sụt giảm đáng kể sau thảm họa cháy rừng kéo dài suốt mùa hè vừa qua.
Theo chính phủ Úc, tin vui là có thể sẽ không có loài nào bị tuyệt chủng sau thảm họa cháy rừng kinh hoàng này.
Mặc dù vật, tất cả các loài sinh vật có trong danh sách trên đều bị mất đi số lượng cá thể ít nhất là 30%. Trong đó, gấu túi koala, chuột túi wallaby - loài chuột túi cỡ nhỏ, ngoại hình giống như kangaroo nhưng có kích thước nhỏ hơn, một số loài chim, cá và ếch là những sinh vật cần trợ giúp nhiều nhất.
Ngoài ra, một số loài động vật trong danh sách này có thể kể đến như loài chuột túi bản địa cỡ nhỏ dunnart trên Đảo Kangaroo, thằn lằn núi Blue Mountains và một số loài ếch quý hiếm trên đảo Pugh.
Một loài ếch ở vùng núi Pugh. Ảnh: Flickr
Các nhà nghiên cứu cũng ước lượng rằng đã có hơn 1 triệu sinh vật đã chết vì các đám cháy. Dưới tác động của cháy rừng, phần diện tích khổng lồ các loại rừng ôn đới phía nam và đông nam Australia bị thiêu rụi hoàn toàn, kéo theo hậu quả là các loài động vật bản địa quý hiếm tại đất nước này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo các nhà nghiên cứu, việc duy trì sự tồn tại liên tục của những loài sinh vật này hiện đã khó khăn nhưng nay cháy rừng sẽ khiến cơ hội sống sót của chúng thấp hơn bao giờ hết. Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại rằng hầu hết các loài động vật tại các khu vực cháy rừng sẽ chết trong các đám cháy hoặc chết ngay sau đó do thiếu thức ăn và nơi trú ẩn.
Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Australia - bà Sussan Ley cho biết ngoài động vật, danh sách của các loài thực vật và các loài động vật không xương sống chịu ảnh hưởng nặng nề từ cháy rừng sẽ tiếp tục được cập nhật.
Bà cũng cho rằng thời điểm hiện tại chưa phải lúc an toàn nhất để thâm nhập sâu và đánh giá toàn bộ các tác động của thảm họa cháy rừng. Thông thường, cần phải có một khoảng thời gian chờ đợi các khu vực bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn được tuyên bố là an toàn trước khi chính quyền có thể bắt đầu đánh giá đầy đủ tác động của các vụ cháy.
Giáo sư Chris Dickman, Đại học Sydney nói rằng, thách thức xây dựng lại quần thể động vật hoang dã là một vấn đề lâu dài. Có rất nhiều người đã tự nguyện giúp đỡ bằng cách đi vào các khu vực bị đốt để tìm gấu túi koala và bất kỳ động vật hoang dã bản địa nào khác còn sống sót.
Ông cho rằng, về lâu dài, việc xây dựng lại quần thể của nhiều loài bản địa sẽ là vấn đề. Chắc chắn nhiều loài sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi những đám cháy này.
Người phát ngôn của Bộ Môi trường và Năng lượng Australia cho biết, nước này đã thông qua kế hoạch làm việc với các nhà khoa học, tổ chức nhà nước, chính quyền, công viên quốc gia, quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý đất đai bản địa để xác định ưu tiên phục hồi và chiến lược bảo vệ trong tương lai.
(Theo VOH)