Bác sĩ đang chuẩn bị cho bệnh nhân chụp cắt lớp tại bệnh viện. Ảnh: Hispanolistic/Getty Images

 

 

AUSTRALIA - Ung thư phổi là loại ung thư được chẩn đoán nhiều thứ năm tại Úc, nhưng lại gây ra số ca tử vong nhiều nhất do thường được phát hiện quá muộn. Từ ngày 1 tháng Bảy, một chương trình tầm soát mới đã chính thức được triển khai, với hy vọng phát hiện bệnh sớm hơn ở những người có nguy cơ cao nhất, bao gồm cả người bản địa và một số cộng đồng di dân.

 

Miễn phí chụp CT cho người nguy cơ cao

 

Chương trình sẽ áp dụng cho người từ 50 đến 70 tuổi có tiền sử hút thuốc từ 30 gói/năm trở lên. Những người đủ điều kiện sẽ được chụp CT miễn phí hai năm một lần để phát hiện sớm dấu hiệu ung thư phổi.

 

Bộ trưởng Y tế Mark Butler cho biết, “Chúng tôi hy vọng việc phát hiện sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn, thay vì phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn như hiện nay.”
 

Ông cũng nhấn mạnh rằng chương trình sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, bao gồm cả những vùng nông thôn và vùng xa xôi hẻo lánh. Các xe chuyên dụng tích hợp công nghệ chụp CT tiên tiến sẽ bắt đầu lăn bánh đến các khu vực này từ cuối năm 2025, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

 

 

Chương trình thiết kế hướng đến công bằng và an toàn văn hóa

 

Ung thư phổi không ảnh hưởng đến mọi người một cách đồng đều. Những người sống ở vùng xa xôi, không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, và đặc biệt là người bản địa Úc, thường gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và có tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình.

 

Bà Anita Dessaix từ tổ chức Cancer Council cho rằng sự thiếu tin tưởng vào hệ thống y tế là rào cản lớn với người bản địa và cộng đồng di dân, nhưng khẳng định chương trình tầm soát mới đã tính đến điều đó.

 

Bà Anita Dessaix, tại tổ chức Cancer Council, nói: “Có những nhóm dân số đang gặp kết quả tồi tệ hơn, bao gồm những người sống ở vùng nông thôn và vùng xa xôi hẻo lánh, những người không nói tiếng Anh là ngôn ngữ chính - tức là các cộng đồng đa văn hóa và ngôn ngữ, cũng như người Thổ dân và dân đảo Torres Strait.”

“Chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ các chương trình trước để bảo đảm chương trình mới này công bằng, an toàn về văn hóa và lấy người bệnh làm trung tâm.”

 

Điều này bao gồm việc hợp tác với cộng đồng Thổ dân và dân đảo Torres Strait để cùng thiết kế quy trình, nội dung truyền thông, cũng như địa điểm và cách thức tiếp cận dịch vụ.

 

 

Xóa bỏ kỳ thị để cứu sống nhiều người hơn

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất có thể không nằm ở chi phí hay địa lý, mà là ở tâm lý. Kỳ thị đối với người hút thuốc khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ hoặc tự trách bản thân khi được chẩn đoán ung thư phổi.

 

Bà Naomi Fitzakerley, đại diện người tiêu dùng tại Tổ chức Ung thư Phổi, nói: “Khi nói bạn bị ung thư ruột, người ta sẽ hỏi han và thể hiện sự đồng cảm. Nhưng nếu bạn nói mình bị ung thư phổi, phản ứng thường là ‘Ồ, tại bạn thôi’, và câu chuyện kết thúc ở đó.”

 

Sự kỳ thị này khiến nhiều người không muốn đi khám, dù họ thuộc nhóm nguy cơ cao và có thể được phát hiện sớm nếu tham gia tầm soát.

 

Ông Mark Brooke, Giám đốc điều hành Tổ chức Ung thư Phổi Úc, đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ:

“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Đây là một quy trình đơn giản, an toàn và có thể cứu sống bạn. Đừng để sự xấu hổ hay mặc cảm khiến bạn bỏ lỡ cơ hội quan trọng này.”

 

Các chương trình tương tự đã được triển khai ở một số quốc gia khác, và kết quả rất khả quan. Bộ trưởng Y tế Mark Butler cho biết bằng chứng quốc tế cho thấy chụp CT liều thấp giúp phát hiện sớm tới 70% các trường hợp ung thư phổi, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong khoảng 20%.

 

Đây là bước tiến lớn trong nỗ lực cứu sống hàng ngàn người mỗi năm tại Úc, đặc biệt là những người từng bị bỏ quên trong hệ thống y tế. Với sự hỗ trợ từ chính phủ, sự tham gia của cộng đồng, và nỗ lực xóa bỏ kỳ thị, chương trình tầm soát ung thư phổi có thể trở thành bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người này.