Nilu Karunaratne và chồng chuyển từ Sri Lanka đến Úc vài năm trước khi có con. Ảnh: SBS, được cung cấp

 

Sau khi cô Nilu Karunaratne hạ sinh một cặp song sinh, sức khỏe tâm thần của cô trở nên sa sút, nhưng nỗi sợ bị kỳ thị đã khiến cô không thể lên tiếng.

 

Bài viết này có đề cập đến triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
 

Khi Nilu Karunaratne biết mình đang mang thai, cô đã vui mừng khôn xiết, nhưng sau khi sinh con, cô nhanh chóng nhận ra có điều gì đó không ổn.
 

Karunaratne và chồng cô là Dumi Dharmapala từ Sri Lanka đến Úc sinh sống vào năm 2016, và rất hào hứng với một khởi đầu mới cũng như một giai đoạn mới của cuộc đời.

 

Đầu tiên họ sống ở Blacktown, Sydney, nhưng sau đó chuyển đến một thị trấn nhỏ có tên là Miles ở Queensland, nơi Dharmapala hành nghề bác sĩ gia đình.

 

 

Nilu Karunaratne (thứ hai từ trái sang) phải vật lộn với sức khỏe tâm thần sau khi sinh đôi. Ảnh: SBS, được cung cấp

 

 

Vài năm sau, Karunaratne mang thai, và mặc dù mắc bệnh Graves và tiểu đường thai kỳ, cô mô tả quá trình này là một “trải nghiệm tích cực”.

 

Cặp song sinh Gaven và Gloria đã chào đời suôn sẻ thông qua phương pháp sinh mổ.

 

Sau đó, Karunaratne phải nằm viện chín ngày để dưỡng sức, nhưng sức khỏe tâm thần của cô bắt đầu xấu đi.

Cô nói với SBS News “Tôi cảm thấy có điều gì đó đang xảy ra trong não và tâm trí mình… và một tháng sau khi sinh, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn,”

“Tôi mệt nhưng không ngủ được, mỗi sự việc nhỏ nhặt đều khiến tôi tức giận, tôi khóc mà không vì lý do gì cả.”

 

Karunaratne cũng gặp khó khăn trong việc cho con bú do căng thẳng. Cặp song sinh thì không ngủ và liên tục khóc.

 

Do lo sợ bị kỳ thị về sức khoẻ tâm thần, đặc biệt là trong văn hóa Nam Á, cô không cảm thấy thoải mái khi tìm kiếm sự giúp đỡ.

Cô nói “Tôi nhận thức được những rào cản văn hóa khắc nghiệt và nhu cầu truyền thống, vì vậy tôi không bao giờ muốn chia sẻ những suy nghĩ lo lắng sau sinh của mình với bất kỳ ai,”

“Hầu hết người Nam Á nghĩ rằng chúng tôi phải tự mình làm mọi việc... chúng tôi không bao giờ muốn nhờ người khác giúp đỡ, đặc biệt là những vấn đề như trầm cảm và lo lắng.”

“Chúng tôi nghĩ rằng tìm kiếm sự giúp đỡ là yếu đuối, nhưng thực tế không phải vậy – tìm kiếm sự giúp đỡ là mạnh mẽ, và bây giờ tôi đã hiểu điều đó.”

 

 

Sức khỏe tâm thần trước và sau khi sinh là gì?

“Perinatal period” là khoảng thời gian bắt đầu từ khi thụ thai và tiếp tục cho đến khi mang thai và năm đầu tiên sau khi sinh.
 

Trong suốt giai đoạn này, nhiều người mới làm cha mẹ sẽ trải qua những thay đổi về sức khỏe tâm thần. Ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 gia đình Úc bị ảnh hưởng bởi chứng trầm cảm và lo lắng trước và sau khi sinh.

  • Các triệu chứng ở mỗi người là khác nhau và có thể bao gồm cảm giác thất vọng, tức giận, buồn bã, vô vọng hoặc trống rỗng.
  • Một số người có thể bị mất năng lượng và mất hứng thú với các hoạt động mà trước đây họ yêu thích.
  • Mất ngủ, khó kết nối với em bé, cảm thấy tội lỗi hoặc vô dụng và thậm chí nghĩ đến cái chết cũng là những triệu chứng phổ biến.

 

Dữ liệu mới cũng cho thấy 2/3 số người mới làm cha mẹ ở Úc không có mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ, cứ ba người thì có một người gặp khó khăn trong việc kết nối với các bậc cha mẹ khác.

 

Theo Gidget Foundation, tổ chức hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho những người sắp làm cha mẹ và những người mới làm cha mẹ, có tới 1 trong 5 người mẹ và 1 trong 10 người cha sắp có con được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn cảm xúc trước và sau khi sinh.

 

Giám đốc điều hành Arabella Gibson cho rằng con số này có thể cao hơn.
Bà nói với SBS News “Chúng tôi biết rằng có một số lượng đáng kể những người không được chẩn đoán,”
“Và con số này đang tăng lên mỗi năm khi có thêm những người mới làm cha mẹ và những người sắp làm cha mẹ.”.

 

Rào cản và sự cô lập về văn hóa

Mặc dù giai đoạn trước và sau khi sinh có thể là thách thức đối với mọi người, nhưng người nhập cư, đặc biệt là những người sống ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa, thường phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

 

Những khó khăn này có thể bao gồm rào cản về văn hóa hoặc ngôn ngữ, thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ chuyên nghiệp, và ít nhận được sự hỗ trợ từ xã hội và gia đình.

 

Đối với Karunaratne, việc sinh con ở thị trấn nhỏ Miles – cách Brisbane 340 km về phía Tây và có dân số 1.874 người theo Điều tra dân số năm 2021 – là một sự khác biệt hoàn toàn so với cuộc sống trước đây của cô.

 

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ chồng và mẹ, nhưng cô nhớ các mối quan hệ xã hội và khả năng tiếp cận các kết nối văn hóa.

Cô nói “Tôi là một người rất hướng ngoại; tôi từng làm việc tại một ngân hàng khi còn ở Sri Lanka. Tôi giao thiệp rộng, và rồi mọi thứ đều đảo lộn và trở nên phức tạp,”

“Điều đó rất khó khăn.”

 

 

Làm thế nào để tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần ở vùng nông thôn?

Ở một thị trấn như Miles, thường có rất ít lựa chọn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, và bệnh nhân thường phải lái xe hàng giờ liền để được hỗ trợ trực tiếp.

 

Khi có các nhà tâm lý học hoặc chuyên gia địa phương, bà Gibson cho biết bệnh nhân thường do dự khi hẹnkhám bệnh do mối quan hệ gần gũi ở các thị trấn nhỏ và sợ các vấn đề cá nhân của họ bị lộ ra ngoài.

Bà nói  “Chúng tôi biết rằng người dân ở các cộng đồng vùng tỉnh, nông thôn và vùng sâu vùng xa gặp bất lợi trong việc tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia đơn giản vì nó không có sẵn trong khu vực của họ,”

“Một điều khác mà chúng tôi nhận thấy ở các cộng đồng nông thôn và vùng sâu vùng xa là có thể có một chuyên gia tâm lý ở đó, nhưng vì đó là một thị trấn nhỏ nên cảm giác xấu hổ lại xuất hiện khi bước vào một môi trường nơi mọi người có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra khi bạn chưa sẵn sàng chia sẻ nó vào thời điểm đó.”

 

Theo bà Gibson, mặc dù cần có nhiều dịch vụ hơn ở vùng tỉnh và nông thôn, nhưng các lựa chọn như chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth), tư vấn qua điện thoại và trực tuyến có thể mang lại sự hỗ trợ đáng kể.

“Đây là căn bệnh có thể chữa khỏi và nếu được phát hiện sớm, can thiệp sớm thì sẽ có rất nhiều dịch vụ trợ giúp,”

“Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ mà bạn cần, không cần thiết phải chịu đựng hàng tháng, hàng năm với căn bệnh tâm thần.”

 

Đối với Karunaratne, các cuộc hẹn khám bệnh trực tuyến với một nhà tâm lý học đã giúp cô thực hiện các bước để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình.

 

Với sự hỗ trợ của chồng và mẹ, cô đã thiết lập những thói quen mới, luyện tập yoga, đồng thời dành thời gian cho bản thân để ngủ và phục hồi.

 

Trong vòng hai tháng, Karunaratne nói rằng cô đã tìm lại được chính mình.

 

Cô kêu gọi những người mới làm cha mẹ hoặc sắp làm cha mẹ hãy thực hành giao tiếp cởi mở và đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia nếu họ gặp khó khăn với sức khỏe tâm thần.

Cô nói  “(Các vấn đề về sức khỏe tâm thần) không phải lỗi của chúng ta, đó là sự mất cân bằng hóa học trong não,”

“Mỗi người đều có một câu chuyện riêng, hành trình của mỗi cá nhân là duy nhất... nhưng chúng ta cần phải cởi mở, chúng ta cần phải chia sẻ câu chuyện của mình.”

 

 

Tuần lễ Sức khỏe Tâm thần Trước và Sau khi sinh diễn ra từ ngày 12/11 đến ngày 18/11.
 

Độc giả đang tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần có thể liên lạc với Beyond Blue theo số 1300 22 4636. Xem thêm thông tin tại beyondblue.org.au
 

Embrace Multicultural Mental Health chuyên hỗ trợ những người có nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ đa dạng.