Nhiều tập đoàn của Úc đã chứng kiến lợi nhuận của họ tăng vọt. Nguồn: SBS
Theo một phúc trình mới, các công ty khai khoáng, siêu thị và ngân hàng lớn nằm trong số những công ty thu được lợi nhuận khổng lồ trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch COVID-19 và cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Các công ty Úc đã bỏ túi ít nhất 98 tỷ đô-la lợi nhuận từ năm 2021 đến năm 2023 trong tình hình bất ổn toàn cầu, theo phân tích mới từ Tổ chức Từ Thiện Oxfam.
BHP có lợi nhuận cao nhất, nhờ vào các sự kiện khủng hoảng, trong cả năm 2022 và 2023. Nguồn: SBS
Tổ chức từ thiện Oxfam đã so sánh lợi nhuận ròng năm 2021-2022 và 2022-2023 của 500 công ty hàng đầu của Úc với lợi nhuận trung bình của họ trong giai đoạn 2017-2021, tính theo mức tăng trưởng tối đa là 20%.
Oxfam phát hiện ra rằng các công ty này đã thu về trung bình 134 triệu đô-la lợi nhuận tăng thêm mỗi ngày trong hai năm.
“Những cuộc khủng hoảng mà những người khác đang trải qua đã tạo cơ hội để mang lại lợi ích to lớn [cho các tập đoàn],”
Theo bà bà Lyn Morgain, giám đốc điều hành Oxfam Australia, cho biết các sự kiện trên thế giới trong những năm trước đây như đại dịch Covid-19, cuộc xâm lược của Nga vào đất nước Ukraineđây là yếu tố thúc đẩy sự gia tăng lợi nhuận trong các ngành này.
Những công ty và ngành kỹ nghệ nào hưởng lợi nhiều nhất?
Tập đoàn BHP hưởng lợi nhiều nhất trong số các công ty Úc, tích lũy được hơn 37 tỷ đô-la lợi nhuận trong năm 2022 và 2023.
Bà Morgain cho biết lợi nhuận cộng thêm của gã khổng lồ khai khoáng là kết quả của giá khoáng sản tăng vọt trên toàn thế giới sau cuộc xâm lược của Nga vào đất nước Ukraine.
Woolworths đứng thứ hai vào năm 2022, kiếm được 5,6 tỷ đô-la lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát cao và có những cáo buộc rằng cả hai siêu thị lớn đều có hành vi tăng giá quá mức.
Trong khi nhiều nhóm người tiêu dùng phải đối mặt với hậu quả tài chính của nhiều đợt tăng lãi suất vào năm 2022 và 2023, thì ngân hàng NAB đã thu về 2,7 tỷ đô-la lợi nhuận.
Whitehaven Coal cũng góp mặt trong top 10 của cả hai năm với 4,3 tỷ đô-la lợi nhuận, cũng như tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie (3,1 tỷ đô-la) và công ty năng lượng Santos (3,7 tỷ đô-la).
Các công ty có dữ liệu tài chính không đầy đủ từ năm 2018 đến năm 2023 không được đưa vào phân tích của Oxfam, cũng như các công ty ghi nhận mức lỗ trung bình từ năm 2018 đến năm 2021.
Ngành khai thác quặng sắt có mức lợi nhuận cao nhất trong số các ngành kỹ nghệ khác của Úc vào cả năm 2022 và 2023, tạo ra gần 40 tỷ đô-la lợi nhuận trong khủng hoảng.
Năm 2022, các siêu thị và cửa hàng tạp hóa đứng thứ hai với 5,66 tỷ đô-la lợi nhuận trong khủng hoảng, tiếp theo là khai thác than (4,12 tỷ đô-la), sản xuất alumina (3,35 tỷ đô-la) và khai thác dầu khí (2,42 tỷ đô-la).
Khai thác than (lợi nhuận 4,51 tỷ đô-la), các ngân hàng thương mại quốc gia và khu vực (2,54 tỷ đô-la), bảo hiểm (2,53 tỷ đô-la) và dịch vụ quản lý quỹ (1,11 tỷ đô-la) nằm trong 5 tập đoàn đứng đầu trong năm 2023.
Khai thác quặng sắt có lợi nhuận khủng hoảng cao nhất so với bất kỳ ngành công nghiệp nào khác của Úc trong cả năm 2022 và 2023. Nguồn: SBS
Kêu gọi đánh thuế bổ sung để giải quyết bất bình đẳng
Bà Morgain cho biết Oxfam đang kêu gọi áp dụng “thuế lợi nhuận trong khủng hoảng” (“crisis profits tax”) để giải quyết tình trạng bất bình đẳng.
Tổ chức này đề nghị đánh thuế 50-90% đối với phần lợi nhuận trên 20% của mỗi công ty.
Phân tích của Oxfam cho thấy nếu chính phủ liên bang đánh thuế lợi nhuận trong khủng hoảng của 500 công ty hàng đầu của Úc với mức thuế 90%, họ sẽ thu được 88,4 tỷ đô-la từ năm 2021 đến năm 2023.
Với mức thuế nhẹ hơn là 50%, chính phủ sẽ thu về 49,1 tỷ đô-la trong cùng giai đoạn.
Bà Morgain nói “Khi bạn nghĩ về những cuộc trò chuyện quan trọng mà chúng ta đang có ngay bây giờ về hóa đơn mua sắm tạp hóa trung bình, về việc không thể tiếp cận nhà ở đầy đủ, về chi phí giáo dục, thì đây là những áp lực rất thực tế đối với cộng đồng của chúng ta và trong xã hội của chúng ta, và đây là số tiền cần thiết và có thể tạo ra sự thay đổi đối với những thứ đó,”
“Nó có thể tài trợ cho mọi thứ, từ nhà ở xã hội đến chi phí chăm sóc sức khỏe cho đến những thứ như chúng ta đã thấy với các khoản trợ cấp coronavirus. Nó có thể tăng gấp đôi ngân sách viện trợ.”
Nguồn: SBS
Bà Morgain cho biết các biện pháp tương tự – thường được gọi là “thuế lợi tức phụ thu” (“windfall tax”) – đã được áp dụng ở một số nơi như Liên minh Âu châu.
Bà nói “Về cơ bản, những gì các quốc gia khác đã chứng minh là khi những tình huống khủng hoảng này phát sinh, chúng ta cần phải hành động nhanh chóng và cần có các cơ chế đánh thuế để làm điều đó,”
“Các cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục xảy ra theo nhiều cách khác nhau và chúng ta cần bảo đảm rằng chúng ta có các cơ chế phù hợp.
“Chúng tôi cảm thấy thật vô lý khi Úc tiếp tục áp dụng mức thuế rất thấp trong khi một số ít công ty công bố lợi nhuận vượt mức rất cao, và cuối cùng chỉ mang lại lợi ích cho một số ít cá nhân.”
Một cuộc thăm dò của YouGov do Oxfam ủy quyền cho thấy 68% người Úc ủng hộ việc áp dụng thuế lợi nhuận trong khủng hoảng.
80% số người được khảo sát cũng cho biết việc cho phép các tập đoàn lớn lợi dụng các lỗ hổng thuế là không công bằng, trong khi 76% lo ngại về khoảng cách ngày càng tăng về của cải và thu nhập giữa hầu hết người Úc và nhóm người rất giàu.
SBS News đã liên lạc với chính phủ liên bang để xin bình luận.