(Ảnh: SBS)

 

AUSTRALIA - Victoria đã trở thành tiểu bang đầu tiên ở Úc chính thức cấm sử dụng biểu tượng của Đức Quốc xã còn được gọi là Hakenkreuz trả lại sự sự tôn nghiêm cho chữ Vạn (Swastika) của biểu tượng tôn giáo. Luật nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy những hoạt động của Đức Quốc xã mới cũng như chủ nghĩa da trắng thượng tôn trong những năm gần đây tại Úc. Các tiểu bang khác cũng có những hình phạt tương tự.

 

Việc trưng bày công khai chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã hiện là một hành vi phạm tội ở Victoria và những người vi phạm sẽ phải đối mặt với các khoản tiền phạt lớn và thậm chí là ngồi tù.

 

Biểu tượng - được gọi là Hakenkreuz được Đảng Quốc xã của Adolf Hitler ở Đức sử dụng vào đầu thế kỷ 20.

 

Giờ đây, nó được phần lớn các nơi xem là biểu tượng của chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa da trắng thượng tôn và sự thù hằn.

 

Khi thông qua luật cấm biểu tượng, Bộ trưởng Tư pháp của Victoria Jaclyn Symes nói với quốc hội tiểu bang rằng nó không có chỗ đứng trong xã hội Úc.

"Với dự luật này, chúng tôi gửi một thông điệp rõ ràng về sự đùm bọc và dung hòa. Chúng tôi vô cùng tự hào về đạo luật mang tính bước ngoặt làm nên lịch sử ở Úc khi cấm biểu tượng căm thù của Đức Quốc xã, Hakenkreuz [[hah-ken-kroyts]]. Chúng tôi biết rằng đây là biểu tượng của chủ nghĩa bài Do Thái, của thù hận và chia rẽ. Thông điệp mà nó gửi đi vô cùng nguy hại và gây thương tổn cho toàn thể cộng đồng của chúng ta, và đặc biệt là cộng đồng Do Thái của chúng ta. Loại tác hại này là hoàn toàn không thể chấp nhận được trong một xã hội tự hào là dân chủ, đa văn hóa đa sắc tộc và đa tín ngưỡng."

 

Các luật mới được đưa ra nhằm phản ứng lại sự gia tăng hoạt động cực đoan của tân Quốc xã và cực hữu trong những năm gần đây.

 

Victoria là tiểu bang đầu tiên ở Úc cấm biểu tượng này, nhưng New South Wales đã thực hiện xử phạt vi phạm tương tự, trong khi luật cũng đang được đưa vào áp dụng cho Tasmania, Queensland và Nam Úc.

 

Bản tóm tắt của Victoria về Dự Luật có sửa đổi 2022 Cấm biểu tượng Đức quốc xã, quy định mọi người cố tình hiển thị biểu tượng Đức quốc xã hoặc không tuân thủ chỉ thị của cảnh sát để xóa bỏ biểu tượng của Đức quốc xã thì sẽ bị phạt.

 

Bộ trưởng Tư pháp Jaclyn Symes cho biết những ai vi phạm luật này sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 22.000 đô la hoặc 12 tháng tù giam, hoặc cả hai.

"Về chi tiết của hành vi phạm tội, nó khá đơn giản. Trong hành vi phạm nói rõ cấm một người cố ý hiển thị biểu tượng Đức Quốc xã trong không gian công cộng nếu người đó biết hoặc có cơ sở hợp lý để biết rằng biểu tượng của Đức Quốc xã là một biểu tượng gắn liền với hệ tư tưởng của Đức Quốc xã. Cụ thể là chữ thập ngoặc Hakenkreuz sẽ bị cấm hoặc một biểu tượng mô phỏng nó cũng không được."

 

Chính phủ Victoria đã ban hành luật vào tháng 5, nhưng đã rút ngắn quá trình đưa ra để biểu quyết thông sớm qua sau khi các nhóm Do Thái bị nhắm mục tiêu đã loan báo trước luật mới này và lệnh cấm đi kèm.

 

Dvir Abramovich là chủ tịch của Ủy ban Chống phỉ báng, một tổ chức chuyên chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, chống lại những ai cố chấp phủ nhận nạn diệt chủng Do Thái.

 

Trong suốt 5 năm qua, tổ chức của ông đã vận động cho luật này ra đời và ông đã có mặt trong Quốc hội Victoria khi luật được thông qua.

"Chúng tôi đã đưa ra một trường hợp rất hoàn chỉnh, hấp dẫn và thuyết phục đối với chính phủ, rằng một nền dân chủ không chỉ về các quyền chúng ta có, mà còn về những gì chúng ta có thể chấp nhận trong xã hội của minh. Và quyết định này đã tôn vinh và tưởng nhớ sáu triệu người Do Thái và hàng triệu người khác đã bị Đức quốc xã sát hại, cũng đã có những người sống sót sau cuộc tàn sát Holocaust để trở về và họ ở đây, và tất nhiên, những người lính những Diggers, những người đã hy sinh mạng sống của mình để đánh bại Đế chế thứ ba. Vì vậy, tôi hoan nghênh chính phủ và phe đối lập và mọi thành viên của quốc hội, những người đã đứng về phía đạo đức cao cả để bỏ phiếu cho dự luật này. "

 

Melbourne là nơi có số lượng những người sống sót sau thảm họa Holocaust bên ngoài Israel lớn nhất.

 

Các nhóm Do Thái ở Úc cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng trong việc sử dụng các biểu tượng của Đức Quốc xã bởi những người theo chủ nghĩa da trắng thượng tôn và các nhóm cực đoan khác, đặc biệt là kể từ sau đại dịch COVID-19.

 

Dvir Abramovich nói rằng biểu tượng này có thể gây ra tổn thương và tổn hại sâu sắc cho người Do Thái.

"Trước hết, nó đại diện cho hành động giết chết sáu triệu người Do Thái trong phòng hơi ngạt ở những cánh đồng trống. Nó đại diện cho mong muốn của Đệ tam Đế chế là loại bỏ mọi người Do Thái trên trái đất ... Không có biểu tượng nào ác độc hơn chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã. Và đối với một người Do Thái, cho dù đó là một người sống sót sau thảm họa Holocaust, hoặc con cái của họ, đối mặt với biểu tượng của độc ác tuyệt đối này, cũng bị đe dọa như đối mặt với một khẩu súng."

 

Luật của Victoria và các tiểu bang khác sẽ miễn cho một số người, bao gồm các cộng đồng người theo đạo Hindu, đạo Phật và đạo Jain là một nhóm thiểu số ở Ấn độ vẫn được tiếp tục sử dụng biểu tượng chữ vạn Swastika.

 

Surinder Jain, Phó Chủ tịch Quốc gia của Hội đồng Ấn Độ giáo tại Úc đã hoan nghênh việc miễn trừ, nói rằng nó trả lại tính nguyên bản của biểu tượng tôn giáo thiêng liêng có từ ngàn xưa gắn liền với nhiều cộng đồng.

"Chữ Vạn swastika của chúng tôi đã bị cầm tù ở trong nhà. Bởi vì khi chúng tôi trưng bày nó, mọi người hiểu nhầm nó là biểu tượng chữ thập ngoặc Hakenkreuz [[hah-ken-kroyts]] xấu xa ác độc của Đức Quốc xã. Dự luật này phân biệt rõ ràng hai chữ hoàn toàn khác nhau này. Luật này đã làm điều đúng đắn là cấm biểu tượng căm thù và miễn trừ các biểu tượng thiêng liêng được sử dụng bởi những người theo đạo Hindu, đạo Phật và đạo Jain."

Luật của Victoria cũng bao gồm các điều khoản để giáo dục cộng đồng về nền tảng tôn giáo và văn hóa của chữ Vạn.

 

Đức Quốc xã đã chiếm đoạt chữ Vạn bằng cách lật ngược và đặt nghiên nó để lấy làm biểu tượng cho mình và họ gọi nó là Hakenkreuz mà mọi người quen gọi là chữ thập ngoặc. Chữ thập ngoặc Hakenkreuz là chữ vạn lật ngược và đặt nghiêng về bên phải một góc 45 độ. Biểu tượng chữ thập ngoặc được sử dụng trong suốt thời gian tồn tại của đảng Nazi do Hitler thành lập ở Đức từ 24/2/1920 đến 23/5/1945. Trong khi đó chữ Vạn trong tôn giáo (Swastika) ra đời cách nay 2553 năm, phổ biến ở một số cộng đồng châu Á như một biểu tượng cổ xưa của sự thịnh vượng, hòa bình và may mắn.

Surinder Jain cho biết anh hy vọng luật mới ra sẽ giúp giáo dục cho mọi người nhận ra sự khác biệt giữa chữ Vạn truyền thống của người Hindu của Phật giáo và chữ vạn lộn ngược hay chữ thập ngoặc Hakenkreuz của Đức Quốc xã.

 

Ông nói rằng việc Đức Quốc xã chiếm đoạt biểu tượng tôn giáo là điều khó khăn đối với cộng đồng của ông.

"Thật kinh khủng ... Biểu tượng này đã bị chiếm đoạt và các thế lực tà ác đã tìm cách sở hữu nó. Và đó là lý do tại sao biểu tượng này của tôn giáo đã phải đặt ở trong nhà quá lâu. Với luật này, và kèm theo sự giáo dục, mọi người sẽ có thể nhìn thấy sự khác biệt rằng biểu tượng chữ vạn đại diện cho con người và sự thịnh vượng và không phải là một điểm tập hợp cho sự căm ghét."

 

Luật cũng miễn trừ việc sử dụng cho các mục đích giáo dục, khoa học và lịch sử, chẳng hạn như trong lớp học và bảo tàng.

 

Bảo tàng Holocaust ở Melbourne là một trong những tổ chức có nhiều ví dụ về chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã được trưng bày, bao gồm cả trong các bản sao của Mein Kampf, trên tem bưu chính và các tài liệu chính thức của chế độ Đức Quốc xã.

 

Anna Hirsh, Giám đốc Bộ sưu tập và Nghiên cứu của bảo tàng cho biết luật mới là cơ hội tốt để đưa nhiều kỷ vật của Đức Quốc xã ra khỏi dòng lưu chuyển.

"Nếu mọi người có những vật phẩm lịch sử có liên quan đến chủ nghĩa Quốc xã và Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng tôi rất muốn thấy rằng chúng bị loại bỏ khỏi lưu thông thương mại và các nhà sưu tập tư nhân mà thay vào đó đưa một bảo tàng công cộng như Bảo tàng Holocaust ở Melbourne. Bằng cách này, những vật phẩm này có thể được trình bày phù hợp trong bối cảnh lịch sử của chúng và được sử dụng cho mục đích giáo dục."

 

Luật của tiểu bang Victoria sẽ có hiệu lực sau vài tháng nữa.