Một ngôi nhà gạch phía trước dự án phát triển khu nhà hai tầng ở Westmead phía tây Sydney ở Sydney, Thứ Hai, ngày 19 tháng 6 năm 2023. Bộ trưởng Bộ Gia cư Tiểu bang NSW, Rose Jackson, cho biết dự án này là một ví dụ tuyệt vời về những gì tiểu bang cần giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở. (Hình ảnh AAP/Luke Costin), Ảnh: AAP / LUKE COSTIN/AAPIMAGE
AUSTRALIA - Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục về phúc trình đề nghị xây dựng quỹ nhà ở trị giá 10 tỷ đô-la của chính phủ liên bang, vốn đã bị đình trệ. Đảng Xanh và Liên đảng đã ngăn chặn dự luật này vào tuần trước, cho biết mỗi đảng đều thấy có vấn đề riêng từ góc nhìn của họ đối với quỹ này. Tuy nhiên các chuyên gia trong ngành và các nhà kinh tế cũng bị chia rẽ về kế hoạch này.
Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục về quỹ nhà ở trị giá 10 tỷ đô la do chính phủ liên bang đề nghị.
Đảng Xanh và Liên đảng đã ngăn chặn thành công Quỹ Tương lai Nhà ở Úc, không để cho dự luật này được thông qua quốc hội vào tuần trước, cả hai đảng đều viện dẫn các vấn đề của riêng họ với quỹ này.
Đối với Đảng Xanh, quỹ Tương lai Nhà ở Úc không cung cấp đủ biện pháp bảo vệ cho người thuê nhà, trong khi đó Liên đảng cho rằng kế hoạch này sẽ chỉ làm lạm phát trầm trọng hơn.
Ngoài ra còn có sự chia rẽ giữa các nhà kinh tế và trong ngành nhà ở về việc liệu quỹ này sẽ cải thiện hay làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhà ở của Úc.
Hiệp hội Kỹ nghệ Nhà ở, cùng nhiều tổ chức nhà ở cộng đồng, mặt khác lại ủng hộ kế hoạch của chính phủ.
Jocelyn Martin là Phó Giám đốc Điều hành Kỹ nghệ và Chính sách tại Hiệp hội Kỹ nghệ Nhà ở.
“Chúng tôi đang tìm kiếm bất kỳ điều gì có thể thực sự cải thiện nguồn cung về nhà ở. Chúng ta không xây đủ nhà, cho dù đó là nhà giá rẻ hay là nhà để đáp ứng nhu cầu của di dân. Vì vậy, trừ khi bạn thực sự có một số chính sách can thiệp và một số cơ chế nhằm cải thiện nguồn cung, nếu không thì bạn sẽ thấy giá cả tiếp tục tăng và nhà ở tiếp tục đắt đỏ."
Những người khác sợ rằng sự can thiệp của quỹ này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn cho thị trường.
Peyman Khezr là giảng viên cao cấp và Giám đốc Phòng thí nghiệm Kinh doanh Hành vi thuộc trường đại học RMIT.
Ông nói ông ủng hộ quỹ này, nhưng cho rằng nó cần được áp dụng cẩn thận để bảo đảm thị trường không bị gián đoạn.
"Mục đích của dự luật là rất tốt và về mặt giảm bớt sự bất bình đẳng, theo một số cách nào đó thì nó hữu ích. Nhưng mối quan tâm của tôi với tư cách là một nhà kinh tế, đó là 10 tỷ đô la này sẽ được bơm vào thị trường như thế nào, và nếu nó không được đưa vào đúng cách, nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn nữa trên thị trường, sẽ đòi hỏi nhiều dự luật hơn trong tương lai và nhiều chi phí trợ cấp hơn để giải quyết các vấn đề mà quỹ này gây ra."
Nhưng những vấn đề mà quỹ này khi can thiệp vào thị trường có thể gây ra là gì?
Ông Khezr cho biết một ví dụ đã nảy sinh sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khi những người sở hữu tài sản trị giá hàng triệu đô la có quyền nhận trợ cấp của chính phủ để cải tạo nhà cửa, điều đó đã làm tăng thêm nhu cầu về vật liệu và do đó, càng tăng thêm khoảng cách về khả năng chi trả nhà ở tại Úc.
"Bơm tiền mặt vào thị trường hoặc cải thiện đột ngột khả năng mà người dân có thể chi trả một cái gì đó vào thời điểm nào đó, thì sẽ dẫn đến nguồn cung không thể điều chỉnh theo sự thay đổi của nhu cầu trong thời gian ngắn, vì vậy giá cả tăng lên, và sau đó bất kỳ sự hỗ trợ nào mà chính phủ có thể dành cho người dân đều sẽ bị dừng lại, vì vậy những người tiếp theo phải đối mặt với giá cao hơn và khả năng chi trả thấp hơn."
Nhưng bà Martin nói quỹ này không nhằm mục đích kích thích thị trường, mà là hỗ trợ việc cung cấp nhà ở xã hội và nhà ở có giá cả phải chăng.
Quỹ cũng có kế hoạch thành lập một Hội đồng Nguồn cung cấp và Khả năng chi trả Nhà ở để xem xét một số rào cản đối với nguồn cung trên toàn quốc, và dữ liệu về thiếu đất đai cũng như các địa điểm có sẵn để xây dựng.
Bà Martin giải thích.
"Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì trong Quỹ Tương lai Nhà ở Úc có thể thực sự kích thích ngành kỹ nghệ đến mức nó sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Nhưng ý tôi là, điều chủ yếu đang ảnh hưởng đến giá cả đó là việc thiếu nguồn cung. Vì vậy, trừ khi chúng ta giải quyết vấn đề đó, nếu không đó sẽ là điều chủ yếu ảnh hưởng đến giá nhà ở."
Thủ tướng Anthony Albanese lên tiếng bảo vệ Quỹ Tương lai Nhà ở Úc, sau khi Đảng Xanh và Liên đảng ngăn chặn dự luật.
Ông nói với Đài ABC rằng nguồn cung là vấn đề phải được giải quyết khẩn cấp.
"Tôi cảm thấy thất vọng khi mọi người nói rằng họ tiến bộ, và sau đó bỏ phiếu cho Pauline Hanson và Đảng Tự do, những người chưa bao giờ ủng hộ nhà ở xã hội, về căn bản họ chế nhạo những người sống trong nhà chính phủ. Và bạn có Đảng Xanh bỏ phiếu cùng họ, với lập luận ngớ ngẩn, mà chúng tôi đã đưa ra rất rõ ràng, rằng nguồn cung không thành vấn đề, bạn chỉ có thể đóng băng tiền thuê, điều đó không hiệu quả. Chúng tôi không có quyền làm điều đó ngay cả khi chúng tôi muốn, và không có tiểu bang hay vùng lãnh thổ nào chính phủ sắp làm điều đó."
Còn đối với nhiều người thuê nhà, quỹ nhà ở chỉ là một phần của giải pháp.
Giám đốc điều hành của Hiệp hội người thuê nhà NSW, Tenants Union New South Wales, Leo Patterson Ross, nói chính phủ liên bang cần nhìn xa hơn và tài trợ cho các biện pháp can thiệp dài hạn hơn.
"Vì vậy, tôi nghĩ rằng quỹ tương lai nhà ở Úc là một phần hợp lệ của chiến lược, nhưng nó không phải là điều duy nhất, và chắc chắn nó sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề. Vì vậy, chúng ta không nên đặt nó trên bệ đỡ, và phụ thuộc quá nhiều vào nó, để đạt được những điều đó. Và tôi nghĩ một phần của vấn đề trong cuộc tranh luận là mọi người đang coi các chính sách khác nhau như một viên đạn bạc có thể giải quyết ngay lập tức, trong khi đó chúng ta biết rằng nhà ở là một vấn đề phức tạp và cần nhiều cơ chế hoạt động."
Ông Patterson Ross nói chính phủ liên bang cần can thiệp và làm việc với các tiểu bang và vùng lãnh thổ, nhằm cải cách các chính sách và quy trình cho thuê.
Ông Patterson Ross nói cần có các biện pháp khuyến khích của liên bang để hỗ trợ các quy định về giá như Đảng Xanh đề xuất.
Nhưng ông khẳng định nó cũng không nên được coi là một giải pháp chung.
"Quy định về giá có hiệu quả với những gì nó đang cố gắng đạt được, và sau đó bạn cần các chiến lược khác để bổ sung cho nó, để làm cho toàn bộ hệ thống hoạt động. Cố gắng nói rằng một điều gì đó sẽ tốt hơn hoặc tệ hơn, hoặc có tác động tốt hơn hoặc tệ hơn, là một cách tiếp cận khá thiển cận. Và đó không phải là cách tiếp cận mà một xã hội hiện đại phức tạp như Úc nên áp dụng."
Ông Khezr đồng ý rằng thị trường cần có nhiều quy định khác nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, đặc biệt là xung quanh việc tích lũy bất động sản đầu tư.
Nhưng ông nói nên thận trọng khi tìm cách tăng nguồn cung nhà ở.
“Bạn không thể đợi 10 năm rồi đột ngột xây nhà xã hội trong 10 năm, bởi vì một lần nữa thị trường là cố định. Số lượng vật liệu xây nhà là cố định. Nếu bạn đột nhiên bơm 10 tỷ đô la vào thị trường này, và tăng nhu cầu về vật liệu xây nhà, thì theo một nghĩa nào đó, bạn sẽ lại phá vỡ thị trường thêm nữa. Vì vậy, những việc này cần được thực hiện liên tục theo thời gian, chứ không phải chỉ làm một lần trong một dự luật cụ thể."
Khi nói đến các giải pháp dài hạn, ông Patterson Ross nói chính phủ liên bang có vai trò hàng đầu trong việc bảo đảm an ninh nhà ở.
"Vì vậy, không giống như các dịch vụ thiết yếu khác như cung cấp nước, điện, thực phẩm, ở đây không có tiêu chuẩn nào trong lĩnh vực nhà ở mà người tiêu dùng có thể dựa vào một cơ quan chính phủ để tìm cách bảo đảm rằng các vấn đề đều được nâng cấp. Vì vậy, cần có suy nghĩ tốt hơn về cách chúng ta điều hành hoạt động cho thuê nhà ở Úc nói chung. Và chính phủ liên bang đang ở một vị trí thực sự tốt để dẫn dắt cuộc thảo luận này, nhằm mang các tiểu bang và vùng lãnh thổ lại với nhau, để họ có thể thông qua các đạo luật cần thiết, và vì vậy họ có thể cải thiện hệ thống và cấu trúc của họ khi cần."
Bà Martin đồng ý rằng các cải cách khác phải tồn tại song song với quỹ nhà ở.
Hiệp hội Kỹ nghệ Nhà ở đang kêu gọi các chính sách nhà ở công bằng hơn, đặc biệt là đối với những người mua nhà lần đầu tiên.
"Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét vị trí của ngân hàng trong vấn đề này, chúng ta cần xem xét cách chúng ta có thể làm việc với các ngân hàng, để làm thế nào giảm bớt một số hạn chế đối với những người mua nhà lần đầu tiên, và khả năng tiếp cận của họ đối với tài chính. Có lẽ chúng ta đang bóp nghẹt một phần thị trường để đạt được điều đó."