Vụ giựt hụi tại Queensland gây căm phẫn trong cộng đồng người Việt. Credit: SBS Vietnamese

 

Các nạn nhân tại Úc có thể cùng đứng tên tập thể để báo với cảnh sát, với sự giúp đỡ của một luật sư để tìm hiểu xem người chủ hụi có những dấu hiệu lừa đảo nào hay không, như chuyển tiền ra nước ngoài, yêu cầu trả lệ phí tham gia một cách bất hợp pháp...

 

Chơi hụi ở Úc

Chơi hụi rất phổ biến trong cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi, kể cả ở Úc.

 

Đây là một hình thức góp vốn cho vay để lấy lời. Chơi hụi phổ biến trong cộng đồng người Việt vì trong nhóm này có nhiều người gặp khó khăn trong việc vay tiền với một tổ chức tín dụng chính thức, mà không đòi hỏi tài sản thế chấp hay công ăn việc làm hay bảo đảm về khả năng chi trả.

 

Người Việt thường tìm đến những nguồn cho vay không chính thức này.

 

Tại Úc, các tổ chức tài chính hay ngân hàng chỉ cho vay nếu có thu nhập ổn định hoặc tài sản thế chấp.

 

Trên thị trường tài chính có một lỗ hổng về nhu cầu cho vay mà không đòi hỏi bằng chứng về việc chi trả. Những người chơi hụi thường là những người không thoải mái về mặt tài chính.

 

Luật pháp Úc có bảo vệ nạn nhân?

Chính phủ liên bang và tiểu bang Úc nhận thức rõ ràng về các hoạt động cho vay không chính thức trong cộng đồng sắc tộc, nhưng chưa có đạo luật nào để điều phối hay kiểm soát, hạn chế các hoạt động trong đường dây chơi hụi này.

 

Sở dĩ chưa có đạo luật nào vì đa số đường dây chơi hụi xảy ra trong nhóm nhỏ gồm thân nhân, bạn bè, bà con, thân thiết ngồi lại với nhau dựa trên tin tưởng và tự nguyện, không ai bắt buộc đưa tiền cho người chủ hụi.

 

Đứng về mặt pháp luật, chính phủ nhìn nhận việc này không hẳn là bất hợp pháp, nhưng không chính thức hóa.

 

Luật sư Đức Minh nói “Chính phủ liên bang và tiểu bang Úc nhận thức rõ ràng về các hoạt động cho vay không chính thức trong cộng đồng sắc tộc, nhưng chưa có đạo luật nào để điều phối hay kiểm soát, hạn chế các hoạt động trong đường dây chơi hụi này.”

 

Nếu chỉ là góp vốn cho vay trong nhóm bạn bè, người quen với nhau thì không sao, nhưng nếu có lợi tức và chia chác thì liên quan đến sở thuế ATO.

 

Đây là vấn đề sở thuế rất quan tâm, đặc biệt là tiền lời. Người tham gia có khai báo về lợi tức mà họ có được từ hoạt động chơi hụi hay không? Thường thì những người chơi hụi thường giấu khoản lợi tức này. Đây là điều trái pháp luật, liên quan đến thuế.

 

Đó là điều khiến người chơi hụi không bao giờ muốn thông báo ra ngoài nhóm của họ. Nếu mất số tiền nhỏ, họ sẽ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

 

Nạn nhân, nhóm người tham gia đường dây chơi hụi nên đứng lại với nhau, trình báo với cảnh sát địa phương, đứng tên tập thể.

 

Luật sư Đức Minh nói “Nếu người tham gia có bằng chứng cho thấy chủ hụi lừa đảo như chuyển tiền hụi từ Úc ra nước ngoài, dùng tiền hụi mua tài sản cá nhân, chủ hụi coi mình là ngân hàng, yêu cầu trả phí tham gia… thì đó là hành vi lừa đảo có thể cáo buộc.”

 

Cảnh sát sẽ yêu cầu nạn nhân tìm một luật sư mở hồ sơ lừa đảo nếu người chủ hụi có dấu hiệu lừa đảo

 

Cụ thể, nếu người tham gia có bằng chứng cho thấy chủ hụi lừa đảo như chuyển tiền hụi từ Úc ra nước ngoài, dùng tiền hụi mua tài sản cá nhân, chủ hụi coi mình là ngân hàng, yêu cầu trả phí tham gia… thì đó là hành vi lừa đảo có thể cáo buộc.

 

Cũng có thể đơn thuần đây là việc buôn bán thất bại, thua lỗ… Việc này tùy thuộc vào quá trình thu thập lời khai và bằng chứng.