Người Úc bản địa có chiến lược đốt đất theo cách được gọi là đốt mát. Nguồn: Matthew Abbott/EPA
AUSTRALIA - Lần đầu tiên kiến thức bản địa sẽ trở thành trọng tâm của việc môn khoa học quốc gia do Chính phủ Liên bang đề xuất. Các Ưu tiên Khoa học và Nghiên cứu Quốc gia sẽ hướng dẫn các nỗ lực khoa học và nghiên cứu của Úc trong thập kỷ tới, thay thế khuôn khổ hiện tại, được công bố vào năm 2015.
Kado Muir có trụ sở tại Leonora là người sáng lập Dilji Labs.
Kado hy vọng rằng công nghệ của họ có thể được sử dụng để kết nối kiến thức truyền thống của Thổ dân với nghiên cứu phương Tây.
"Tại phòng thí nghiệm Dilji, chúng tôi thực hiện đổi mới và công nghệ, đưa truyền thuyết Dreamtime vào khoa học để sử dụng ngày nay. Dòng sản phẩm chính của chúng tôi hiện tại là các sản phẩm giáo dục."
Ông cho biết các ứng dụng của công ty được thiết kế để giúp giáo viên và học sinh nâng cao kiến thức về văn hóa Bản địa và đưa khoa học của các Quốc gia Đầu tiên vào lớp học.
"Hệ thống giáo dục có rất ít các bài học dựa trên kiến thức của Thổ dân. Do đó, mục đích của việc kết hợp truyền thuyết Dreamtime với bài học khoa học là nhằm giữ trẻ em ở trường, thu hút trẻ, ngữ cảnh hóa trải nghiệm học tập của chúng."
Ngữ cảnh hóa trải nghiệm học tập của trẻ - contextualise their learning experience - là đặt quá trình học tập của các em vào một ngữ cảnh cụ thể hoặc làm cho nội dung học tập trở nên liên quan và dễ hiểu hơn, thông qua việc liên kết với các tình huống thực tế, kinh nghiệm cá nhân, hoặc môi trường mà các em đang sống và học hành.
Sự kết hợp đó hiện là một phần của chiến lược khoa học mới do chính phủ liên bang công bố.
Lần đầu tiên trong chính sách này, người Thổ dân và người dân đảo Torres Strait sẽ được ưu tiên trong lĩnh vực này, với kiến thức của người Thổ dân được đưa vào các công nghệ mới - đặc biệt là kỹ thuật số và dữ liệu - đồng thời bảo vệ tài sản văn hóa và trí tuệ của họ.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoa học Ed Husic đã công bố khuôn khổ Ưu tiên Khoa học và Nghiên cứu Quốc gia mới.
"Lần cuối cùng các ưu tiên nghiên cứu và khoa học quốc gia của chúng ta thực sự cập nhật là dưới thời Tony Abbott, vì vậy, xét đến mọi thứ chúng ta đã trải qua, những thách thức hiển nhiên là đã lớn hơn rất nhiều do biến đổi khí hậu và đại dịch toàn cầu, chúng ta cần phải xem xét và thiết lập lại các ưu tiên mới."
Năm ưu tiên mới bao gồm chuyển đổi sang tương lai không phát thải - net zero, hỗ trợ giúp các cộng đồng khỏe mạnh và thịnh vượng, nâng cao hệ thống kiến thức của người Thổ dân và người dân đảo Torres Strait, bảo vệ phục hồi môi trường, và xây dựng một quốc gia an toàn và kiên cường.
Năm mục tiêu đã được xây dựng sau khi tham vấn rộng rãi với các cộng đồng và chuyên gia nghiên cứu trên khắp cả nước.
Nhóm nghiên cứu do khoa học gia trưởng, Cathy Foley, đứng đầu.
"Quá trình thảo luận toàn quốc đã thu hút mọi người tham gia, từ học sinh trong trường, sinh viên đại học, các học giả hàng đầu, và chúng tôi cũng đã nói chuyện với người trong ngành, những ông bố và bà mẹ trên đường phố, chúng tôi nói chuyện với bất kỳ ai mà chúng tôi có thể lắng nghe. Và điều thú vị là, ngoài sự đồng thuận về năm ưu tiên đó, chúng tôi nghe thấy cộng đồng nghiên cứu thực sự nhiệt tình ủng hộ điều này và mong muốn có thể tham gia và đóng góp vì họ có một mong muốn thực sự là trở thành một phần của những gì cần thiết trong mười năm tới, và có thể tận dụng tối đa cơ hội tuyệt vời này."
Chính sách khoa học mới kêu gọi nghiên cứu để giải quyết cách tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu hỗ trợ các cộng đồng khu vực và vùng xa xôi hẻo lánh.
Và cũng theo khuôn khổ này, nghiên cứu ảnh hưởng đến người Thổ dân và người dân đảo Torres Strait sẽ được chính họ hướng dẫn, đó là những nhân vật lãnh đạo cộng đồng, người nắm giữ kiến thức truyền thống hay chuyên gia nghiên cứu Bản địa.
Bradley Moggridge là Phó Giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney cho biết ưu tiên nghiên cứu mới là hành động đúng đắn.
"Chúng ta đã làm khoa học trong 65.000 năm và tôi nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời để đưa kiến thức đó song hành cùng khoa học phương Tây, để cùng nhau làm việc. Các hệ thống kiến thức Bản địa có kinh nghiệm, kết nối, quan sát và cũng có tác động mà môi trường Úc đã mang lại cho người bản địa trong suốt những năm qua. Chúng ta đã sống sót sau biến đổi khí hậu, chúng ta đã chứng kiến hoạt động núi lửa, chúng ta đã thấy thiên thạch và rõ ràng là chúng ta đã chứng kiến lũ lụt và hạn hán chưa từng có, vì vậy, cơ hội đưa kiến thức Bản địa song hành cùng khoa học phương Tây, như một đối tác ngang hàng, tôi nghĩ là cơ hội tuyệt vời để chúng ta thấy hai hệ thống kiến thức này có thể cùng nhau làm việc như thế nào."