Các ngân hàng lớn có lợi nhuận khi có sự tăng mạnh các khoản cho vay mua nhà. Ảnh: TND

 

 

 

 

 

 

Các khoản vay mua nhà đang được chấp thuận nhanh hơn, nhưng, lãi suất cho các khoản thế chấp có lãi suất cố định dài hạn đang tăng lên do các ngân hàng chuẩn bị cho việc mức chi phí tăng lên.

 

 

Đó là tin tức chúng ta đã đọc được trong tuần đầu tháng này khi các nhân viên ngân hàng của Úc công bố báo cáo lợi nhuận tăng vọt giữa lúc các hộ gia đình và doanh nghiệp thoát khỏi cơn khát vay tiền.

 

 

Bốn ngân hàng lớn - Commonwealth, ANZ, Westpac và NAB - đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế gộp lại là 13,4 tỷ đô-la trong sáu tháng tính đến tháng Ba, tăng hơn 50% so với năm ngoái.

 

 

Lợi nhuận hấp dẫn đã đập tan kỳ vọng của thị trường và được thúc đẩy bởi mức cam kết cho vay mua nhà ở mức kỷ lục, tăng 55 phần trăm trong năm tính đến tháng Ba, làm tăng giá nhà ở.

 

 

Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn mong đợi cũng làm giảm chi phí tổn thất tín dụng - khoản tiền mà các ngân hàng dành ra một bên để bù đắp cho các khoản cho vay khó đòi - giảm 102 phần trăm xuống chỉ còn 110 triệu đô-la.

 

 

Nhưng đó không phải là những điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng của chúng ta.

 

 

Lãi suất thấp, cạnh tranh gia tăng từ các tổ chức cho vay phi ngân hàng, và nhu cầu thế chấp lãi suất cố định mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn lên tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng trên.

 

 

 

Việc phê duyệt khoản vay đang được làm nhanh hơn

 

Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn mang lại tin tốt cho nhiều người.

 

 

Ngoài ra, điều này đã buộc các ngân hàng phải đẩy nhanh thời gian phê duyệt khoản vay mua nhà của họ để giành được khách hàng mới, giúp người mua dễ dàng nắm bắt các bất động sản mới xuất hiện trên thị trường.

 

 

Ví dụ, ngân hàng NAB đã giảm 51 phần trăm thời gian phê duyệt trong vòng sáu tháng tính đến tháng Ba, và thậm chí điều đó cũng không xoay chuyển được thị phần đang giảm của họ.

 

 

Tim Dring, nhà lãnh đạo ngân hàng và thị trường vốn tại EY Oceania, cho biết các ngân hàng lớn đang đầu tư rất nhiều vào việc cải thiện các dịch vụ cho vay của họ đến nỗi họ đang rút lại các chiến dịch quảng cáo của mình.

 

 

Ông Dring nói với báo The New Daily rằng: “Người mua muốn chắc chắn rằng các ngân hàng sẽ tìm cho họ một hạn mức tín dụng nếu họ mua được tài sản, vì vậy, các ngân hàng có cơ hội thực sự tốt để lấy được lòng khách hàng”.

 

 

Trong khi đó, Sam Garland, lãnh đạo ngân hàng và thị trường vốn tại hãng tư vấn tài chính PwC, cho biết các ngân hàng tập trung vào dịch vụ gia tăng lợi nhuận trong thời kỳ bùng nổ sau đại dịch.

 

 

Ông nói trong một tuyên bố vào đầu tháng Năm rằng: “Đây là thời điểm chuyển giao giữa kỷ nguyên hậu khủng hoảng tài chánh toàn cầu (post-GFC) sắp kết thúc và một kỷ nguyên mới bắt đầu rõ rệt,”

 

“Người Úc đang tìm kiếm các tổ chức của họ để đáp ứng và giải quyết một số thách thức sâu sắc và dài hạn nhất của chúng tôi.”

 

 

 

Các khoản vay có kỳ hạn cố định tăng vọt.

 

Một đặc điểm của kỷ nguyên mới này trong lĩnh vực ngân hàng là mức cho vay mua nhà lãi suất cố định cao hơn nhiều, đã tăng lên 41 phần trăm nguồn tài chính dành cho nhà ở mới vào tháng Ba.

 

 

Sự phổ biến của các khoản thế chấp lãi suất cố định đang được thúc đẩy bởi giá tiền tệ/lãi tiền vay (cost of money): Lãi suất đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và Ngân Hàng Trữ Kim Úc Đại Lợi (RBA) đã nhiều lần cho biết việc tăng lãi suất khó có thể xảy ra cho đến ít nhất là năm 2024.

 

 

Các khoản cho vay lãi suất cố định kết thúc trước năm 2024 đã bùng nổ nhờ sự chắc chắn về mức lãi vay tiền đó, với số lượng hợp đồng hai năm dưới 2% tăng hơn gấp đôi lên đến 71 kể từ đầu năm.

 

 

 

 

Nhưng các khoản vay lãi suất cố định dài hơn đang trở nên đắt hơn, do các ngân hàng chuẩn bị cho việc tăng chi phí khi nguồn vốn từ Ngân hàng Trữ kim cạn kiệt và lãi suất sau cùng sẽ tăng lên.

 

 

RBA đã viện trợ hàng trăm tỷ đô la tài trợ với lãi suất thấp cho các ngân hàng lớn trong khuôn khổ Quỹ cấp Vốn có Kỳ hạn (Term Funding Facility - TFF) trong thời kỳ đại dịch, nhưng các hạn mức tín dụng đó gần như không còn và sẽ hết hạn hoàn toàn vào tháng Sáu.

 

 

Theo trang web so sánh tiêu dùng RateCity, khi chúng ta tiến gần đến thời hạn đó, các khoản vay kỳ hạn 4-năm để mua nhà được quảng cáo dưới 2% sẽ biến mất, giảm từ 32 vào đầu năm xuống chỉ còn 6 vào tháng Tư.

 

 

Ông Dring cho biết các ngân hàng đang tiếp cận "bờ vực lãi suất" (“cost cliff”), nơi họ sẽ ngày càng cần sử dụng thị trường tư nhân để cấp vốn thay vì Ngân Hàng Trữ Kim Úc (RBA).

 

 

Điều đó sẽ khiến việc cho vay trở nên đắt đỏ hơn, làm tăng lãi suất cho vay mua nhà đối với khách hàng.

 

 

Ông nói: “Các ngân hàng đang chuẩn bị cho sự gia tăng tiềm năng của chi phí cấp vốn và đang cố gắng chốt lại những lợi nhuận đó vào lúc này.”

 

 

Điều đó có nghĩa là nếu bạn đang tìm cách tái cấp vốn cho khoản vay mua nhà của mình, bạn có thể phải nhanh chân lên.

 

 

 

 

Các nhà đầu tư đã trở lại.

 

Lãi suất cho vay kỳ hạn 4-năm tăng nhẹ khi giá bất động sản tiếp tục tăng cao, gây thêm áp lực lên những người mua nhà lần đầu đang cố gắng muốn mua một căn nhà.

 

 

Giá nhà trên toàn quốc tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1988 trong tháng Ba (2,8%), và sau đó tăng thêm 1,8% trong tháng Tư.

 

 

Giá hiện cao hơn 7,7% so với giá cuối năm ngoái.

 

 

Mặc dù tăng trưởng giá có thể sẽ ở mức vừa phải trong những tháng tới, nhưng điều đó chủ yếu là do những người mua căn nhà đầu tiên đang ngày càng bị đẩy ra khỏi thị trường nhà cửa.

 

 

Và các nhà đầu tư đã nhận ra rằng có rất nhiều tiền để kiếm được và quay trở lại thị trường.

 

 

Họ đã vay nhiều hơn 12,7% trong tháng Ba so với tháng Hai, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2003, theo dữ liệu của Nha Thống Kê Úc Đại Lợi (ABS) công bố hôm đầu tháng Năm.

 

 

Trong khi đó, các khoản cho vay mới cho người mua nhà lần đầu giảm 3,1% trong tháng Ba.

(Theo thenewdaily.com.au)