Barat Ali Batoor. Ảnh: SBS

 

 

 

Các hội đồng trên khắp nước Úc đã phát động một chiến dịch để nêu bật hoàn cảnh của những người xin tị nạn đang chờ được xử lý các yêu cầu của họ. Ước tính có khoảng 100,000 người đang sống trong tình trạng lấp lửng, có người đã chờ đợi mỏi mòn hơn mười năm.

 

Người tị nạn Afghanistan Barat Ali Batoor cho biết ông cảm thấy may mắn khi được định cư tại Úc theo chương trình tị nạn quốc tế. Nhưng ông biết rằng may mắn này không phải ai cũng có được.

"Nhưng rất nhiều người bạn cùng thuyền với tôi lại không được may mắn như vậy."

 

 

Ông nói rằng họ đã được cấp visa bảo vệ tạm thời sau gần mười năm không nhận được nhiều hỗ trợ cơ bản.

"Đó là một hành trình rất dài và khó khăn đối với nhiều người và chẳng có gì lạ khi nhiều thành viên trong cộng đồng của tôi trong vài năm qua đã tự kết liễu đời mình."

 

Mới đây, Bản phúc trình năm 2022 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng cách đối xử của Úc với những người xin tị nạn là vấn đề nhân quyền được đặc biệt quan ngại.

 

Elaine Pearson là giám đốc người Úc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết:

"Cách đối xử của Úc đối với người tị nạn và người xin tị nạn đang gây ra thiệt hại lâu dài cho danh tiếng toàn cầu của Úc. Ý tôi là, hàng ngàn người đã được chuyển ra nước ngoài tới Papua New Guinea và Nauru, và thậm chí ngày nay, tám năm sau, vẫn còn hàng trăm người những người bị giam giữ, trong khách sạn, trong các cơ sở giam giữ người nhập cư trên đất liền, và cũng có hàng trăm người đang mòn mỏi chờ đợi ở Nauru và Papua New Guinea.”

 

 

Hơn 40 hội đồng từ tất cả các tiểu bang của Úc đã cùng nhau đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ cho khoảng 100,000 người xin tị nạn đang chờ lời thỉnh nguyện của họ được lắng nghe.

 

Người dẫn đầu chiến dịch là Rhonda Garad, ủy viên hội đồng của Thành phố Greater Dandenong ở vùng ngoại ô phía đông nam của Melbourne.

"Trong thời điểm đó họ hoàn toàn không được sự hỗ trợ nào, vì vậy họsống rất cơ cực. Họ không được hỗ trợ tài chính. Đó là mười năm trong đời mà bạn không bao giờ lấy lại được. Đó là một khoảng thời gian dài và bạn không thể nhìn thấy hồi kết của nó. Không có mốc thời gian nào cho biết khi nào giấy tờ của họ sẽ được xử lý. Điều  đó giốngnhư kéo dài việc sống trong tình trạng lấp lửng và nó vô cùng căng thẳng."

 

 

Khởi động chiến dịch "Back Your Neighbor" (Ủng hộ Láng giềng của bạn), Ủy viên Hội đồng Garad muốn đưa vấn đề này trở thành tâm điểm trước cuộc bầu cử liên bang năm nay.

"Các hội đồng địa phương gần gũi nhất với cộng đồng hiểu được mức độ lớn của vấn đề này và hiểu được mức độ ảnh hưởng của nó với sức khỏe tâm thần của những người đáng được hỗ trợ."

 

“Trong khi các hội đồng tìm kiếm nhiều sự hỗ trợ hơn cho những người xin tị nạn trong tình trạng lấp lửng, Chính phủ Victoria đã mở rộng các chương trình đào tạo kỹ năng được trợ cấp cho những người  tị nạn tìm việc làm.”

 

 

Aziz Aziz là người chạy trốn khỏi cuộc đàn áp người dân tộc thiểu số Rohingya ở Myanmar cách đây 9 năm.

 

Ông đã dành sáu tháng để hoàn thành khóa học chăm sóc và hiện đang làm việc trong một viện dưỡng lão ở ngoại ô Melbourne.

"Đó là một chương trình rất tuyệt vời. Nếu không có việc làm thì rất khó để sống được. Giờ đây tôi đã có việc làm và tôi có thể xoay sở mọi thứ."

 

 

Việc đào tạo và sắp xếp việc làm cho người tị nạn và người tầm trú được sắp xếp thông qua tổ chức định cư dành cho di dân AMES Australia.

 

Giám đốc điều hành Cath Scarth cho biết một số người có thể có nhiều kinh nghiệm làm việc ở quê hương của họ, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng kết hợp kinh nghiệm đó với việc làm ở Úc.

 

"Chúng tôi cố gắng hướng họ vào các khóa học mà chúng tôi biết từ đó họ sẽ có cơ hội tốt để kiếm được việc làm."

 

Tất cả những điều đó nhằm tạo niềm tin vô giá cho người tị nạn và tầm trú trên con đường tái định cư ở Úc.