Source: Nhân viên dịch vụ Cộng Đồng AWECC, Bhakti Mainali Dhamala, và Ganga Khanal một người thuộc cộng đồng Bhutan (SBS-Abby DInham)
AUSTRALIA - Một chương trình chủng ngừa đang được triển khai ở vùng biên giới Albury - Wodonga, giúp cho hàng ngàn người thuộc các cộng đồng sắc tộc vùng nông thôn được tiêm đủ hai liều vắc-xin.
Trung tâm cộng đồng ở Wodonga thuộc vùng biên giới NSW - Victoria đang triển khai một chương trình tiêm chủng vùng nông thôn không giống bất cứ đâu.
Được trang bị kỹ lưỡng trong các bộ đồ bảo hộ, các lãnh đạo cộng đồng đang nói chuyện với người dân bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Swahilli, Nepal, Hindi, tiếng Pháp, những thổ ngữ của nước Cộng hoà Congo và rất nhiều thứ tiếng khác, và dòng người xếp hàng đến tiêm chủng cứ thế kéo dài nhiều giờ.
Chương trình này là sự hợp tác giữa Hội đồng các Cộng đồng sắc tộc Albury -Wodonga và Trung tâm y tế Albury Wodonga, do chính phủ tiểu bang cấp ngân sách.
Sáng kiến này là bước đi then chốt giúp cho tỷ lệ chủng ngừa của cộng đồng nông thôn nơi đây nằm trong nhóm cao nhất cả nước.
Hơn 95% những người trên 15 tuổi ở hai thành phố này đã nhận được 2 liều vắc-xin.
Trong số những người đến tiêm là Dunia Husein, đến từ nước Cộng hoà Dân chủ Congo vào năm 2019, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
“Chúng tôi thấy có người nói tiếng Swahili trong cộng đồng, cho nên chúng tôi rất vui vì anh ấy có thể giúp chúng tôi biết thêm thông tin.”
Dunia và vợ đã được tiêm một mũi vắc-xin tại một trung tâm y tế chính mạch, nhưng họ có trải nghiệm khiến họ không chắc có muốn tiêm mũi thứ hai hay không, cho đến khi anh phát hiện ra chương trình tiêm chủng nói bằng ngôn ngữ của mình.
Roberta Baker đến từ Hội đồng các Cộng đồng săc tộc Albury - Wodonga nói rằng chương trình này cần phải được nhân bản lên cho cả nước để tiếp cận được những người trong các cộng đồng xa xôi, những người vẫn còn đang chần chừ trong chuyện tiêm chủng.
“Chương trình này thực sự cần phải trở thành một bản mẫu để các nơi khác trên toàn nước Úc áp dụng. Việc tiêm chủng không thể hoàn thành nếu chỉ đi theo con đường chính mạch, mà nó phải được thực hiện ở địa phương do người địa phương có kiến thức địa phương.”
Họ đã nhờ đến các lãnh đạo cộng đồng sắc tộc để lan toả thông điệp về tiêm chủng.
Ganga Khanal, một người Úc gốc Bhutan đến Úc được 9 năm, và là một người lớn tuổi được kính trọng trong cộng đồng có khoảng 3,000 người, ông cũng là một người ủng hộ vắc-xin ngừa COVID.
“Tôi có thể nói cho con cháu và gia đình và bạn bè bằng tiếng Nepal, khi tôi có thông tin tôi có thể nói cho mọi người trong cộng đồng và tôi rất tự tin là họ sẽ nhận được sự giúp đỡ.”
Ban đầu được cấp kinh phí lập hai phòng khám y tế nông thôn, Hội đồng các Cộng đồng sắc tộc Albury - Wodonga giờ đã có 17 phòng khám để phục vụ nhu cầu ngày một tăng cao.
Những lãnh đạo như ông Clement Birori người Congo đã rất hào hứng, ông đã thực hiện hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày, nói bằng 9 ngôn ngữ, để giải thích về những đồn thổi về vắc-xin cũng như cam kết trấn an mọi người.
“Họ tin chúng tôi, nếu bạn làm việc với cộng đồng mà nói cùng ngôn ngữ, có cùng văn hoá, hoặc họ biết bạn kiểu như hàng xóm, thì rất dễ để hiểu nhau và họ sẽ làm theo quy định của chính phủ.”
Chỉ trong vài tháng, ông Birori đã thực hiện tiêm chủng cho hơn 400 người tỵ nạn Congo đủ điều kiện trong vùng, trong khi trước đó có nhiều người từng rất e ngại với chương trình tiêm chủng chính mạch.
Tại cộng đồng người Bhutan, tỷ lệ tiêm chủng rất đáng kinh ngạc.
Hơn 98% người hiện đã được tiêm liều đôi, phần lớn nhờ vào những nỗ lực của các thành viên trong cộng đồng như bà Bhakti Mainali Dhamala
“Khi mới bắt đầu chúng tôi thường rất vất vả để buộc người dân đi tiêm chủng vì họ có rất nhiều nỗi lo lắng như liệu vắc-xin có an toàn không, nhưng giờ thì ngày càng có nhiều người đi tiêm chủng. Hầu như những người Bhutan đều đã hoàn thành hai mũi tiêm.”
Harka Bista là một gương mặt nổi tiếng trong cộng đồng Bhutan sống ở vùng biên giới này. Đến Úc năm 2010, anh hiện đang giúp đỡ những người dễ bị tổn thương và người khuyết tật trong cộng đồng bằng cách sắp xếp chuyện đi lại cho họ đến các trung tâm tiêm chủng.
“Người dân sẽ trở nên tự tin hơn vì tôi nói ngôn ngữ chung với họ, một số đồng nghiệp của tôi cũng nói chung ngôn ngữ khiến họ rất thoải mái giao tiếp và chia sẻ cảm xúc cũng như quan điểm, và họ rất có động lực để đến phòng khám.”
Cô Narayani Siwakoti, từ Bhutan đến Úc năm 2020 thời điểm trước khi biên giới đóng cửa.
Cô đã nhận được hai liều vắc-xin và cô nói rằng cô làm chuyện này vì 3 đứa con của cô, cộng đồng và quê hương mới.
“Chúng tôi đều là những người cần phải tiêm vắc-xin, điều này rất tốt cho chúng tôi để có cuộc sống dài lâu. Họ giúp chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn và họ đem lại cho chúng tôi sự tự tin để tiêm vắc-xin.”
Dân biểu liên bang khu vực bầu cử Indi, Helen Haines nói rằng mọi người đều nhận ra có khoảng cách trong chuyện tiêm chủng và đang được giải quyết nhờ những người đang làm việc trong các cộng đồng săc tộc.
“Những cộng đồng này đang làm việc cùng nhau rất ăn ý để phát hiện ra ai còn đang bị bỏ lại, những ai còn đang cần giúp đỡ, tôi nghĩ là cách làm này của Hội đồng các Cộng đồng sắc tộc Albury - Wodonga đã minh chứng rằng việc nhận ra ai bị bỏ lại thực sự rất quan trọng để có được cách đối phó cần thiết.”
Vùng biên giới Albury - Wodonga đang phục hồi sau đợt bùng phát COVID nặng nề vào tháng 10 và 11. Các ca nhiễm ở hai thành phố này đã tăng khoảng 1,200 ca.
Bà Jenny Keogh thuộc Y tế cộng đồng Albury Wodonga nói rằng tầm quan trọng của chương trình này không thể bị bỏ qua.
“COVID-19 là con virus cực kỳ lây nhiễm, và việc tiêm chủng cho những người trong cộng đồng đã cứu được rất nhiều người là điều không nghi ngờ gì.”
Đợt bùng phát vừa rồi đã buộc rất nhiều gia đình người di dân và tỵ nạn ở vùng biên giới này phải cách ly, rất nhiều người không có gia đình nào để nhờ giúp đỡ về vấn đề lương thực.
Ông Peter Matthews đến từ tổ chức FoodShare cho biết, yêu cầu khẩn cấp về thực phẩm đã tăng từ 65 mỗi tuần lên 65 mỗi ngày.
“Ngay lập tức họ phát hiện có virus trong nhà, thế là họ không được phép ra khỏi nhà từ lúc đó và họ bất chợt bị nhốt, và không kịp đi mua sắm thực phẩm.”
Nhưng khi tỷ lệ chích ngừa tăng, các ca nhiễm bắt đầu giảm và giải toả bớt áp lực cho các tổ chức.
Bà Jessica Amy từ Trung tâm Y tế công cộng Albury - Wodonga nói mục tiêu hiện giờ của dịch vụ y tế địa phương là phải tiếp cận đến những người vẫn chưa được tiêm đang sống ở vùng biên giới.
“Công việc vẫn chưa hoàn thành. CHúng tôi biết là tỷ lệ chủng ngưa cao những nhìn sâu vào các số liệu thì vẫn còn những vùng chưa đạt mục tiêu và chúng tôi phải đến đó.”