Một xưởng tái chế rác ở phía bắc thành phố Adelaide, đây là một trong nhiều cơ sở tác chế rác của tiểu bang Nam Úc.(ABC Radio Adelaide: Spence Denny)

 

 

 

 

 

"Nền kinh tế tái tạo" của tiểu bang Nam Úc về xử lý và tái chế rác thải sẽ nhận được khoản đầu tư 45 triệu đô-la vào cơ sở hạ tầng sau một thông báo chung của Chính phủ Liên bang và Tiểu bang trong hôm thứ Tư.

 

 

Bộ trưởng Môi Sinh Tiểu bang Nam Úc, David Speirs, cho biết cả chính phủ liên bang và chính quyền tiểu bang mỗi nơi sẽ đóng góp 15 triệu đô-la để mở rộng cơ sở hạ tầng tái chế rác của tiểu bang, trong khi ngành công nghiệp dự kiến ​​sẽ cung cấp thêm 15 triệu đô-la.

 

 

Ông cho biết những công ty tham gia chương trình có thể sử dụng số tiền tài trợ để mở rộng công ty hiện có hoặc thành lập các công ty mới, với hy vọng số tiền này sẽ nằm trong tay "các nhà phát triển" vào dịp Lễ Phục sinh.

 

 

Ông Speirs cho biết: “Chúng tôi có cơ hội này để nói với khu vực tư nhân - và thường là các hội đồng thành lập các tập đoàn liên quan đến việc tái chế và quản lý rác thải - hãy cho chúng tôi biết ý tưởng của bạn.”

 

"Chúng ta có thể có được công nghệ tốt, có được sự đổi mới tại chỗ, tạo việc làm ở địa phương và thiết lập các ngành công nghiệp tái chế."

 

 

Khoản đóng góp của Liên bang được rút từ Quỹ Hiện Đại Hóa Tái Chế (Recycling Modernisation Fund - RMF) trị giá 190 triệu đô-la, được công bố vào giữa năm 2020.

 

 

Với mục đích tăng cường năng lực tái chế và xử lý rác thải của đất nước, Quỹ Hiện Đại Hóa Tái Chế đã làm theo những gì được giới công nghiệp mô tả là hồi chuông cảnh tỉnh vào năm 2017 khi Trung Quốc công bố lệnh cấm nhập khẩu rác của thế giới.

 

 

Điều đó có nghĩa nước Úc, vào thời điểm đó, phải tìm các điểm đến thay thế cho khoảng 619,000 tấn vật chất có thể tái chế mỗi năm, trị giá khoảng 523 triệu đô-la.

 

 

Sử dụng ít năng lượng hơn.

 

Bộ trưởng Môi Sinh Liên bang, Sussan Ley, hôm nay, đã ca ngợi lịch sử tái chế lâu đời của tiểu bang Nam Úc, chẳng hạn như chương trình đổi chai hộp lấy tiền (container deposit scheme), đã được áp dụng từ năm 1977.

 

 

Bà cho biết Quỹ Hiện Đại Hóa Tái Chế sẽ thúc đẩy "sự chuyển đổi trị giá 1 tỷ đô la Úc trong việc xử lý và tái chế rác thải", đặc biệt tập trung vào việc tạo ra các quy trình bền vững không tiêu tốn nhiều năng lượng để tái chế rác.

 

 

Bà Ley nói với đài ABC Radio Adelaide: “Mọi người thường nghĩ việc biến nhựa thải thành nhựa mới phải cần rất nhiều năng lượng.”

 

"Thực ra có một quá trình cơ học, không phát sinh nhiệt lượng - nói một cách dễ hiểu - sử dụng ít năng lượng hơn rất nhiều."

 

 

Bà cho biết mức tăng về khối lượng đầu vào cũng sẽ khiến các khoản đầu tư trở nên đáng giá.

 

Các tổ chức công nghiệp, chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ đang bày tỏ sự quan tâm vào lãnh vực này, nhưng họ sẽ phải cam kết đầu từ ít nhất một phần ba chi phí của dự án.

 

 

Theo Chính quyền tiểu bang Nam Úc, tiểu bang hiện chuyển đổi 83,8 phần trăm rác thải từ bãi chôn lấp và hơn 4,800 người được thuê để làm việc trong lĩnh vực này.

 

 

Ông Speirs nói: “Khoảng một năm rưỡi trước, Thủ tướng Scott Morrison đã đưa ra thông báo rằng ông ấy muốn cấm việc chở rác  thải ra nước ngoài.”

 

"Dù sao thì tiểu bang Nam Úc cũng chưa bao giờ làm điều đó.”

 

"Chúng tôi có ngành tái chế khá tiên tiến – rác thải không bị chất hàng đống, hàng núi ở tiểu bang Nam Úc – và  chúng tôi luôn có thể làm tốt hơn."

 

 

Từ ngày 1 tháng Ba, lệnh cấm đồ nhựa sử dụng một lần ở tiểu bang Nam Úc cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực, với ống hút và dao kéo bằng nhựa sẽ bị cấm trước tiên, tiếp theo là vào đầu năm 2022 là cốc, bát, đĩa và hộp đựng dạng đáy dính liền nắp (dạng vỏ sò) bằng polystyrene sẽ bị cấm.

 

(Theo abc.net.au)