Ảnh: News Corp Australia

 

 

AUSTRALIA - Một cuộc điều tra đã cho thấy các siêu thị đang thu về lợi nhuận quá mức bằng thủ thuật giảm giá bán nhiều sản phẩm trong cửa hàng, và khi đó, cũng cùng mặt hàng này, siêu thị đưa ra giá mua sản phẩm của nông dân thấp xuống.

 

Các nhóm vận động hành lang của nông dân và những người trồng rau phát biểu trong một phiên điều trần ở thành phố Melbourne vào hôm thứ Tư (ngày 13/03) rằng các gã khổng lỗ bán lẻ đang sử dụng sức mạnh thị trường vượt trội của họ để thiết lập các hành vị ấn định giá cả không công bằng, gây bất lợi cho những người cung cấp thực phẩm.

 

Tình huống này diễn ra theo sau sự việc, vào hôm thứ Ba (ngày 12/03), một nông dân trồng táo ở NSW nói với cuộc điều tra rằng ông đã không nhận được sự tăng giá từ một công ty bán lẻ lớn trong hơn một thập niên, mặc dù chi phí lao động của ông đã tăng hơn 50%.

 

Charlotte Wundersitz,  phát ngôn nhân của Liên đoàn Nông dân Quốc gia (Nationals Farmer Federation), cho biết: “Những gì chúng tôi đang thấy là những lần thay đổi giá trong các siêu thị không được phản ánh qua giá cả mà người trồng được cho các các siêu thị, hoặc các công ty trung gian bán buôn mua vào”.

“Ở một mức độ nào đó, siêu thị là doanh nghiệp; họ định ra mức giá bán mà người tiêu dùng phải trả.”

“Khi việc này trở thành vấn đề, là, khi các siêu thị chỉ ra giá bán trong cửa hàng để làm lời biện minh cho lý do tại sao người trồng trọt sẽ  nhận được mức giá thấp hơn.”

 

Coles đã công bố lợi nhuận cả năm 1,1 tỷ đô-la theo kết quả cả năm gần đây nhất, trong khi Woolworths nâng lợi nhuận hàng năm lên 1,6 tỷ đô-la. NCA NewsWire / Gaye Gerard. Ảnh: News Corp Australia

 

 

 

Trước đó, đã từng xảy ra tình huống rằng lượng rau tươi trị giá hàng triệu đô-la đang bị lãng phí hàng năm do các thỏa thuận cung cấp hàng hóa không ràng buộc “tinh vi” cho phép các nhà bán lẻ từ chối nhận hàng dựa trên các tiêu chuẩn phân loại hàng hóa tùy tiện.

 

Theo cơ quan đại diện cho người trồng trọt – AUSVEG - điều này đã khiến nông dân thiệt hại tới 30 triệu đô-la mỗi năm.

 

Bill Bulmer, Chủ tịch của tổ chức này, cho biết người trồng trọt đang ở “điểm bùng phát” sau hai năm hạn hán, cháy rừng, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và Covid-19.

 

Ông nói “Các doanh nghiệp kinh doanh rau quả phải được trả giá công bằng và bền vững cho sản phẩm họ làm ra. Vậy mà, nhiều người trồng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các siêu thị trong việc chấp nhận mức giá ngày càng thấp hơn, trong đó nhiều người trồng trọt nhận được mức giá tương tự như cách đây 5, 10 năm hoặc thậm chí cách đây hơn 10 năm”.

“Cần có sự thay đổi tích cực để ngăn chặn ngày càng nhiều người trồng trọt rời khỏi ngành này, điều này sẽ chỉ khiến người tiêu dùng phải mua hàng với giá tăng nhiều hơn”.

 

Lãng phí thực phẩm là một vấn đề lớn ở Úc. NCA NewsWire / Kelly Barnes. Ảnh: News Corp Australia

 

 

 

Ông Bulmer cảnh báo rằng nước Úc có nguy cơ trở thành quốc gia nhập cảng hàng hóa tươi sống, chỉ ra dữ liệu khảo sát từ tháng Một cho thấy có tới 37% nông dân đang cân nhắc việc rời bỏ ngành này.

 

Ông nói: “Nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường mà chúng ta đang đi, chúng ta sẽ không giữ chân hoặc lôi kéo bất kỳ nông dân trẻ nào trong ngành này”.

 

Trong báo cáo của mình, cơ quan này cho biết khoảng 20% người trồng trọt với quy mô lớn đang mất hơn 30% sản lượng do hành vi từ chối hàng hóa của siêu thị.

 

Báo cáo cho biết: “1/5 số nông dân báo cáo rằng sản phẩm bị từ chối sẽ được cung cấp miễn phí cho siêu thị, và ¼ số nông dân nói rằng các siêu thị luôn mong đợi những lô sản phẩm không hoàn hảo sẽ được cung cấp cho họ miễn phí”.

“Do đó, việc từ chối sản phẩm cũng có thể là một phương pháp để các nhà bán lẻ thao túng nông dân bán sản phẩm giá rẻ cho họ, hoặc là miễn phí, trong khi những nhà bán lẻ này vẫn đặt giá bán lẻ cao trong siêu thị”.

 

 

 

Nông dân sản xuất ra nông sản tươi cho biết các siêu thị đang lôi kéo họ chấp nhận giá cả bán ra thấp hơn cho hàng hóa của họ. NCA NewsWire/Tertius Pickard. Ảnh: News Corp Australia

 

 

Báo cáo của AUSVEG có đoạn viết: “Các nhà bán lẻ chủ động theo dõi giá trên thị trường bán buôn và mua hàng từ các đại lý trên thị trường, sau đó khuyến cáo với người trồng trọt rằng giá bán buôn hiện đang thấp, và, do đó gây áp lực buộc người trồng phải chấp nhận giá bán ra thấp hơn”.

“Có phải các nhà bán lẻ đang cố tình thao túng thị trường và gây ra tình trạng dư nguồn cung thông qua các hợp đồng mua bán với số lượng hàng hóa quá mức cần có?”

 

AUSVEG cho biết tình hình tài chính quá “nghiêm trọng” đến mức khoảng 34% người trồng trọt đang cân nhắc việc rời khỏi lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp.

 

(Danviet, Le Huy)

(Theo Perthnow)