Tuyến xe lửa mới sẽ nối Sân bay Melbourne với khu CBD. Ảnh: Supplied (SBS)
VICTORIA - Sau nhiều năm tranh luận và hứa hẹn, dự án phát triển được quảng bá là nối liền một trong những phi trường bận rộn nhất nước Úc với trung tâm thành phố đã tiến một bước gần hơn với thực tế. Chính quyền tiểu bang Victoria đã bật đèn xanh cho việc xây dựng tuyến đường sắt trị giá hàng tỷ đô-la nối sân bay Melbourne với trung tâm thành phố Melbourne. Đây là một động thái được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra hàng nghìn việc làm.
Khi khai trương vào năm 1970, sân bay hiện đại của Melbourne đã là điểm thu hút du lịch quốc tế.
Nhưng những du khách thường xuyên đến Tullamarine đều biết rất rõ thách thức của việc di chuyển, với rất ít lựa chọn cho hành trình dài hơn 20 km đến trung tâm thành phố.
Giờ đây, một quyết định được chờ đợi từ lâu của chính quyền Victoria, bật đèn xanh cho việc xây dựng tuyến xe lửa chạy thẳng tới thành phố có thể sớm chứng kiến sự thay đổi đó.
Quyết định này hứa hẹn sẽ bảo đảm việc di chuyển dễ dàng cho gần 100.000 hành khách đến sân bay mỗi ngày.
Dự án cũng sẽ hỗ trợ 51.000 việc làm và tạo ra thêm 5,9 tỷ đô-la cho nền kinh tế tiểu bang mỗi năm sau khi hoàn thành đường băng thứ ba, hiện đang chờ chính phủ liên bang phê duyệt.
Lorie Argus, giám đốc điều hành phi trường, cho biết họ đã từ bỏ yêu cầu xây dựng nhà ga dưới lòng đất.
"Chúng tôi tin rằng ga tàu điện ngầm làm tốt hơn việc bảo đảm tương lai cho một nhà ga ở giữa cảng hàng không, nhưng thực tế là mất một hoặc hai năm nữa mới có đường ray nếu thực hiện điều này. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi là có đường sắt trên mặt đất tốt hơn là không có đường sắt và phương tiện giao thông công cộng nào cả để đến sân bay, điều này thực sự quan trọng với cộng đồng và nhân viên của chúng tôi."
Tuy nhiên, thỏa hiệp này là một điều không dễ dàng, sau nhiều năm trì hoãn và bế tắc.
Bộ trưởng ngân khố Tim Pallas đe dọa sẽ xem xét xây dựng tuyến đường sắt đến cửa ngõ sầm uất thứ hai của Victoria – Sân bay Avalon của Geelong.
Tháng trước, chuyên viên tư vấn do chính phủ liên bang chỉ định, Neil Scale, đã khuyến nghị không nên xây dựng ga tàu điện ngầm, trừ khi phi trường đưa ra một dự án "toàn diện".
Thủ hiến Victoria Jacinta Allan cho biết phi trường vừa đảo ngược lập trường một ngày trước thông báo vào thứ Hai 8 tháng 7.
"Quan điểm của họ thay đổi trong 24 giờ qua, điều đó không xóa bỏ được bốn năm trì hoãn. Trước đó họ khăng khăng rằng đây là một ga tàu điện ngầm tốn kém thời gian và tiền bạc."
Lorie Argus cho biết sự thỏa hiệp có thể dẫn đến tuyến xe lửa kết nối được hoàn thành sớm hơn dự báo hiện tại của chính quyền tiểu bang là vào năm 2033.
"Một trong những vấn đề là sự thỏa hiệp. Bây giờ chúng tôi sẵn sàng thực hiện nó, chúng tôi hy vọng có thể đưa dự án trở lại đúng hướng. Chúng tôi chắc chắn đã nghe từ chính quyền tiểu bang rằng họ ưu tiên ga xe lửa trên mặt đất vì nó nhanh hơn và có thể hoàn thành sớm hơn.”
“Bây giờ chúng tôi có thể bắt tay vào thực hiện dự án, chúng tôi rất muốn thấy đường ray kịp thời chạy ra mắt vào năm 2030 hoặc ngay sau đó.”
Nhưng Thủ hiến đã bị mắc kẹt trong lịch trình bị đẩy lùi với dự án trị giá 10 tỷ đô-la.
"Tiến trình xây dựng mà chúng tôi vạch ra vào năm 2019 là rất tích cực, để chúng tôi có thể cung cấp phần cơ sở hạ tầng nhanh nhất có thể. Và ngày hoàn thành khi đó là năm 2029. Chúng ta đang ở năm 2024 với nhiều năm trì hoãn. Chúng ta không thể ước lấy lại bốn năm đã trôi qua được."
Điều này khiến Melbourne bị tụt hậu rất xa so với các thành phố thủ đô lớn của Úc.
Việc xây dựng tuyến đường sắt đến phi trường Sydney bắt đầu vào năm 1995 và hoàn thành kịp thời cho Thế vận hội 2000.
Tuyến đường sắt đến sân bay Brisbane chỉ mất hai năm để xây dựng từ năm 1999 đến năm 2001.
Trong khi đó, số liệu hành khách mới nhất của Tullamarine nêu bật nhu cầu cấp thiết về kết nối, số lượng sử dụng sân bay mỗi năm dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 76 triệu đô-la, vào năm 2042.