Raymond Leung đang sửa soạn các món quà cho dịp Năm Mới Âm Lịch. Nguồn: SBS

 

 

AUSTRALIA - Nền kinh tế phục hồi chậm chạp sau đại dịch, người tiêu dùng chi tiêu ít hơn tạo ra thách thức đối với nhiều doanh nghiệp trên thế giới, bao gồm cả những doanh nghiệp ở Úc đang tìm cách tái gia nhập thị trường khi quan hệ ngoại giao với Trung Quốc tan băng. Trong lúc nhiều cộng đồng Châu Á ở Úc chào mừng Tết Nguyên đán, nhiều người Trung Quốc hy vọng rằng năm Rồng sẽ thổi sức sống vào hoạt động kinh doanh của họ.

 

Đón Tết Nguyên đán, ông Alex Xu hy vọng Rồng sẽ thổi sức sống vào hoạt động kinh doanh xuất khẩu rượu vang Úc của ông - Royal Star Wine.
“Rồng có thể khiến công việc kinh doanh thăng hoa, và mang lại vận may cho tất cả mọi người.”

 

Ông Xu nằm trong số hàng trăm nhà điều hành Úc đã cơ cấu hoạt động kinh doanh của mình theo sở thích của người Trung Quốc đối với rượu vang Úc.

 

Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 2020 khi căng thẳng ngoại giao gần như đã đẩy các nhà sản xuất địa phương ra khỏi thị trường.

 

Tại Trung Quốc, doanh số bán rượu vang sản xuất trong nước đã giảm 26% từ năm 2020 đến năm 2022, trong khi lượng rượu vang Úc bán ở đó giảm 78% so với cùng kỳ.

 

Trung Quốc áp thuế lên tới 218% đối với hàng nhập khẩu đóng chai của Úc.

 

Kim ngạch xuất khẩu trị giá 1,2 tỷ USD giảm xuống chỉ còn 8 triệu USD.

 

Những người trồng nho trong khu vực vẫn cảm nhận được tác động với giá nho thấp kỷ lục do tình trạng dư thừa toàn cầu.

 

Nhưng với việc Trung Quốc chuẩn bị xem xét lại các hạn chế thương mại của mình, các nhà sản xuất Úc đang hướng tới tương lai.

 

Nhà máy rượu thuộc sở hữu của gia đình Bec Hardy Wines mang tên nhà sản xuất đầu tiên xuất khẩu rượu vang từ Nam Úc.

 

Thế hệ những người làm rượu này hy vọng sẽ là một trong những người đầu tiên quay trở lại thị trường Trung Quốc.

 

Ông Richard Dolan, Giám đốc bán hàng và tiếp thị của Bec Hardy Wines, cho biết.
“Chúng tôi sẽ có một số nguồn cung ban đầu tốt để đáp ứng nhu cầu ban đầu mà chúng tôi nghĩ có thể đến từ Trung Quốc, nhưng chúng tôi chắc chắn chưa lên kế hoạch khối lượng sản xuất ở Trung Quốc giống như năm 2019 và trước đó."

 

 

Tuy nhiên, những rắc rối kinh tế ở Trung Quốc có thể sẽ đặt ra những thách thức mới, theo Nhà kinh tế trưởng của ANZ tại Trung Quốc, ông Raymond Yeung, nói “Nỗi lo lắng lớn nhất mà chúng tôi gặp phải trên cơ sở vĩ mô là câu chuyện giảm phát. Đây có thể là lần đầu tiên Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP thực tế.”

 

Tiêu thụ giảm mạnh và nhu cầu ngày càng tăng đối với rượu vang địa phương cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất.
 

Giá cả hiện đang được xem như động lực chính cho quyết định mua hàng.
 

Ông Raymond Yeung giải thích:
“Nếu rượu vang đỏ hoặc rượu vang trắng nhập khẩu từ Úc hoặc phần còn lại của thế giới được xem là loại rượu có giá cả phải chăng thì suy thoái kinh tế có thể không gây ảnh hưởng lớn đến vậy."

 

 

Tuy nhiên, ông Richard Dolan vẫn bày tỏ sự lạc quan về thị trường rượu vang.

"Chúng ta sẽ thật ngu ngốc khi nghĩ rằng sẽ có nhiều cơ hội như trước đại dịch. Nhưng nhìn xa trông rộng thì tôi nghĩ rằng vẫn có cơ hội cho những thương hiệu phù hợp trên thị trường với mức giá phù hợp, tỷ lệ với chất lượng.”
 

 

Trong lúc đó, Trung Quốc có thời hạn đến cuối tháng 3 để xem xét lại mức thuế.