Túi nhựa, ống hút và dao muỗng nĩa sẽ nằm trong kế hoạch của chính quyền tiểu bang NSW nhằm loại bỏ thêm đồ thải nhựa.

 

 

Các tổ chức bảo vệ môi sinh đã hoan nghênh động thái được chờ đợi từ lâu, nhưng, nói rằng chính phủ không nên đợi ba năm để xem xét lại việc sử dụng các loại nhựa khác, bao gồm túi mua sắm hàng tạp hóa nặng, và đĩa và cốc dùng một lần.

 

 

Túi nhựa nhẹ sẽ bị loại bỏ trong vòng sáu tháng sau khi luật mới được quốc hội thông qua, dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.

 

 

Trong vòng 12 tháng, ống hút nhựa, dao kéo và máy khuấy cũng sẽ nằm trong danh sách cấm cùng với cốc, đĩa và hộp đựng bằng xốp, bông mút có cuống bằng nhựa và hạt microbead trong các sản phẩm như nước rửa tay và đồ trang điểm.

 

 

Hôm Chủ nhật vừa qua, Bộ trưởng Môi Sinh, Matt Kean, cũng cho biết "thùng rác xanh lá cây" dùng để vứt thực phẩm và rác thải hữu cơ sẽ được đặt cho mọi nhà trên toàn tiểu bang.

 

 

Ông Kean nói trong một tuyên bố: “Các vật dụng sử dụng một lần mà chúng tôi đang loại bỏ sẽ ngăn chặn khoảng 2,7 tỷ vật bằng nhữa thải ra môi trường, và đường thủy của chúng ta, trong vòng 20 năm tới.”

 

"Chúng ta không thể tiếp tục vứt phế liệu của mình ra các các bãi rác để làm tình hình thêm tồi tệ trong khi có rất nhiều phương cách khác tốt hơn”.

 

 

Chính quyền tiểu bang NSW đã cam kết không vứt rác hữu cơ vào bãi chôn lấp vào năm 2030, và cũng muốn khai thác nhiều khí sinh học hơn từ rác thải.

 

 

Tiểu bang NSW đặt mục tiêu cắt giảm 10% tổng lượng rác thải trên một người, giảm 60% rác thải, và tăng gấp 3 lần tỷ lệ tái chế nhựa vào năm 2030.

 

 

Ông Kean cho biết các quy định sẽ được miễn trừ đối với những người phải cần sử dụng nhựa sử dụng một lần vì nhu cầu sức khỏe hoặc khuyết tật.

 

 

Tổ Chức Bảo Tồn Thiên Nhiên Úc Đại Lợi - WWF Australia - cho biết hành động loại bỏ một số loại nhựa gây ra nhiều vấn đề nhất ra khỏi đại dương và bãi chôn lấp rác rất đáng hoan nghênh.

 

 

Hội đồng Thực phẩm và Tạp hóa Úc - Australian Food and Grocery Council (AFGC) - cho biết trong một tuyên bố rằng họ hoan nghênh kế hoạch này. Họ cho biết các nhà sản xuất thực phẩm và hàng tạp hóa đã nhận thức được tác hại môi trường do nhựa tạo ra, và hướng tới việc giảm sử dụng nhựa.

 

 

Tanya Barden, Giám đốc điều hành của AFGC nói: "Cân bằng nhu cầu lưu trữ thực phẩm, giảm lãng phí thực phẩm và bảo đảm sức khỏe và an toàn của cộng đồng bằng cách sản xuất các sản phẩm thực phẩm và hàng tạp hóa phẩm chất cao, đồng thời tăng hàm lượng tái chế và cải thiện quản lý dòng đời của bao bì sản phẩm là một nhiệm vụ phức tạp"

 

"Lĩnh vực hàng thực phẩm và tạp hóa ủng hộ kế hoạch hành động về giảm thiểu nhựa, nhằm tạo ra sự cân bằng cho tất cả các lĩnh vực hợp tác và phát triển một nền kinh tế xoay quanh việc sản xuất và tái chế nhựa."

 

 

Ông Kean nói rằng cứ theo quỹ đạo hiện tại, sẽ có nhiều rác nhựa hơn cá trong các đại dương trên thế giới vào năm 2050.