Ảnh: Getty Images
AUSTRALIA - Chương trình dạy tiếng Anh cho người nhập cư là một dịch vụ thiết yếu giúp cung cấp kỹ năng ngôn ngữ cho hàng chục ngàn người nhập cư mới vào Úc, giúp họ có thêm cơ hội tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên, một kế hoạch thay đổi vào năm tới, nhằm chi trả các khoản thanh toán gắn với kết quả học tập, đã dấy lên lo ngại.
Đối với Sahar Nazari, cơ hội hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh đã mở ra cho cô cánh cửa cho một ước mơ khác.
"Tôi rất vui, tôi muốn học ngành y tá. Tôi không chắc mình có thể làm được không, nhưng tôi đã quyết định sẽ trở thành một y tá.”
Cô Nazari bắt đầu học khóa tiếng Anh, sau khi đến Úc từ Afghanistan vào năm 2013.
Thế nhưng 510 giờ được phân bổ trong Chương trình tiếng Anh miễn phí dành cho người lớn - gọi tắt là AMEP - đã không đủ để cô có thể nắm bắt được ngôn ngữ mới này.
"Tôi không thể hoàn thành chứng chỉ của mình, tôi không hài lòng. Chúng tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Ở nhà rất buồn tẻ."
“Chúng tôi không thể giao tiếp, chúng tôi không thể tìm được một công việc tốt. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần thêm giờ học.”
Cô là một trong số 14,000 học viên trên khắp nước Úc quay trở lại lớp học, theo sau những thay đổi luật định hồi năm ngoái.
Thời hạn 5 năm cho việc ghi danh đã được bãi bỏ, và giới hạn 510 giờ đối với chương trình học miễn phí cũng được xóa bỏ.
Học viên hiện có lượng thời gian không giới hạn để hoàn thành chương trình.
Quản lý chương trình tại TAFE S-A, Peter Begg, nói rằng, những thay đổi là rất tích cực.
"Điều đó thực sự quan trọng đối với những người đến đây với trình độ tiếng Anh thấp, và không thể đạt được khả năng giao tiếp tiếng Anh thông dụng trong vòng 510 giờ học. 510 giờ là đủ cho những người đến quốc gia này với trình độ tiếng Anh tương đối tốt, nhưng không đủ cho những người có trình độ thấp. "
Đặc biệt phụ nữ là những người được hưởng lợi từ sự thay đổi này.
Trước đây, việc chăm sóc con cái và các công việc trong gia đình khiến nhiều phụ nữ không thể tới trường trong năm năm đầu định cư ở Úc.
TAFE S-A đã liên lạc với 10,000 học viên cũ để thông báo cho họ biết rằng họ có thể quay trở lại lớp học.
Ramilla đến từ một ngôi làng nông thôn hẻo lánh ở Rajasthan, Ấn Độ, và ở đó cô không có cơ hội đến trường.
Khi mới tới lớp học, cô không biết cách cầm bút.
Khi thời gian học 510 giờ tại TAFE kết thúc, cô cho biết, cô rất buồn rầu vì không thể học thêm nữa.
Tuy nhiên, sau khi quy định thay đổi, cô vô cùng hạnh phúc khi biết rằng mình có thể quay lại lớp học.
“Không có giới hạn giờ học, và tôi rất vui. Trong tương lai tôi sẽ rất giỏi tiếng Anh. Và bây giờ tiếng Anh của tôi, tôi nói được một chút và viết một chút.”
Theo kế hoạch của Liên đảng để tái cơ cấu nguồn tài trợ, các khoản thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ phải được liên kết với kết quả học tập, chẳng hạn như việc hoàn thành môn học và đánh giá cuối kỳ.
Kế hoạch này bao gồm một khoản tiền thưởng 20% cho những học viên hoàn thành xuất sắc các bài học.
Helen Moore là Phó Chủ tịch Hội đồng Úc về Giảng dạy Tiếng Anh cho Người nói các Ngôn ngữ Khác.
Bà nói rằng các giáo viên sẽ bị áp lực phải cho học viên đạt điểm qua môn mặc dù họ chưa đạt tiêu chuẩn.
"Nó làm cho việc hoàn thành khóa học trở nên vô nghĩa".
“Bởi vì nếu bạn sẽ mất 20% thu nhập của mình vì học viên không vượt qua được các môn thi, thì tất nhiên bạn sẽ bị khuyến khích cho họ đỗ và qua môn mặc dù họ chưa đạt đủ tiêu chuẩn.”
Phát ngôn viên của Đảng Lao động về các vấn đề đa văn hóa, Andrew Giles, hiện đang hứa hẹn chi thêm 20 triệu đô la cho chương trình.
"Cam kết này là về việc thúc đẩy điều đó, và khôi phục trọng tâm về định cư, của chương trình quan trọng nhưng bị đánh giá thấp này."
Tuy nhiên Đảng Lao động nói rằng họ sẽ xem xét bản báo cáo trước khi đưa ra quyết định về mô hình viện trợ dựa trên kết quả học tập.
Trong lớp học dành cho người mới bắt đầu này, có nhiều học sinh chưa bao giờ học đọc hoặc viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Và một số đã phải trải qua chấn thương tinh thần, điều khiến việc học tập trở nên khó khăn hơn nữa.
Giáo viên của họ, Julianne Warner, đã vượt qua thách thức bằng cách nhờ đến sự giúp đỡ của các thông dịch viên tình nguyện.
Có đến năm phiên dịch viên đến hỗ trợ lớp học mỗi ngày.
"Nếu bạn không có thông dịch viên, họ sẽ không đến trường, bởi vì họ quá e ngại. Điều họ cần là những lời động viên bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Và họ cần được hướng dẫn rõ ràng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình."
Cô nói rằng, thêm kinh phí hỗ trợ cho thông dịch viên sẽ giúp học sinh học nhanh hơn, và sớm sẵn sàng cho lực lượng lao động.
“Đến một lớp học hoàn toàn xa lạ và lạnh lẽo đối với họ, sau đó có một người giáo viên không nói được ngôn ngữ của họ, và vì vậy tất cả những gì họ nghe thấy là 'ra ra ra ra ra' đối với họ, điều đó chỉ khiến họ căng thẳng thêm nữa. Vì vậy, các thông dịch viên rất quan trọng, trong việc biến điều này thành hiện thực, để họ có thể nghe được bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình."
Hội đồng Tị nạn của Úc cho biết họ hoan nghênh những thay đổi này.
Tuy nhiên, họ cho hay vẫn còn khoảng 100,000 người, đang trong quá trình nộp đơn xin tị nạn, không đủ điều kiện để học tiếng Anh.