Trung bình cứ 9 ngày lại có một phụ nữ ở Úc chết dưới tay của người bạn đời hiện tại hoặc người bạn đời cũ của họ.Ảnh: Getty Images

 

AUSTRALIA - Một phúc trình được gần 500 chuyên gia đóng góp tham vấn về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vừa được công bố, sau gần sáu tháng giao cho chính phủ, dự kiến sẽ nằm trong Kế hoạch Quốc gia tiếp theo của Úc nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

 

Trung bình cứ 9 ngày lại có một phụ nữ ở Úc chết dưới tay của người bạn đời hiện tại hoặc người bạn đời cũ của họ.

 

Và nay, một phúc trình vừa được công bố sau thời gian dài chờ đợi với hy vọng sẽ thay đổi vấn nạn đó.

 

Phúc trình của Đại học Monash đã được hoàn thiện vào tháng Một, kêu gọi các giải pháp có mục tiêu và do cộng đồng lãnh đạo dành cho các nhóm yếu thế.

 

Điều tra viên chính, Phó giáo sư Kate Fitz-Gibbon đã nói với SBS rằng phúc trình sẽ giúp định hướng cho Kế hoạch quốc gia 10 năm tiếp theo về sự an toàn của phụ nữ.

 

“Phúc trình này cho thấy phạm vi của cam kết cần thiết, và quan trọng là, những hành động để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Úc.”

 

Các Bộ trưởng An toàn của Phụ nữ của liên bang và tiểu bang sẽ họp vào thứ Sáu tới (ngày 22 tháng 7), với hy vọng hoàn thiện Kế hoạch Quốc gia tiếp theo.

 

Kế hoạch quốc gia lần cuối cùng do Thủ tướng Julia Gillard khi đó thực hiện, đã hết hạn vào cuối tháng trước.

 

Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Amanda Rishworth đã nói với ABC rằng bà muốn bảo đảm có một “quy trình minh bạch” trong việc phát triển kế hoạch quốc gia.

 

Bà đồng thời cũng cáo buộc chính phủ cũ đã đình trệ.

“Chúng tôi muốn bảo đảm rằng các chính phủ phải có trách nhiệm giải trình. Điều này đã bị chính phủ cũ chống lại. Họ không có ý định công bố nó.”

 

Giáo sư Fitz-Gibbon nói rằng bà hi vọng có thể đạt được những tiến bộ, nhưng sẽ cần rất nhiều tiền cho việc này.

“Chúng tôi chưa bao giờ thấy cam kết tài trợ tương xứng với quy mô của vấn đề, nên tiền bạc là chuyện hoàn toàn quan trọng. Chúng ta đã từng thấy sự công nhận, hoặc ít nhất tôi đã thấy một số chú ý về bạo lực gia đình đối với trẻ em và phụ nữ tại một vài thời điểm ở cấp tiểu bang và cấp quốc gia. Nhưng những gì chúng tôi cần là kinh phí phù hợp với một cuộc khủng hoảng quốc gia như hiện nay.”

 

Chính phủ tiền nhiệm đã công bố dự thảo báo cáo Kế hoạch Quốc gia vào đầu năm nay, nhưng từ chối lời kêu gọi công khai báo cáo tham vấn.

 

Phó giáo sư Fitz-Gibbon nói rằng sự chậm trễ này là "điều thất vọng”.

“Đây là chuyện đáng thất vọng; chúng tôi đã ủng hộ rất mạnh mẽ cho việc công bố phúc trình. Chúng tôi vô cùng biết ơn các bên liên quan trên khắp nước Úc đã nói chuyện với chúng tôi vào năm ngoái và chúng tôi rất mong muốn được chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn và quan điểm của họ.”

 

Phúc trình dự thảo đã nêu lên một vấn đề lan rộng và phức tạp, nhưng đã bị chỉ trích vì thiếu các mục tiêu cụ thể có thể đo lường được.

 

Tuy nhiên, chính phủ mới vẫn chưa cho biết những mục tiêu nào sẽ được đưa vào kế hoạch mới.

 

Chuyên gia tư vấn Liana Papoutsis đã nói với SBS rằng đó là một vấn đề phải được giải quyết chứ không chỉ liên quan đến tiền bạc.

“Đây không chỉ là việc đổ thêm tiền vào vì đây một vấn đề khá nan giải và có lẽ cũng không thể giải quyết được, nhưng chúng ta biết là có thể ngăn ngừa được. Những gì chúng ta cần làm không chỉ là có một kế hoạch, mà phải có những hành động bền vững thực sự.”

 

Với kinh nghiệm sống về bạo lực gia đình, bà Liana Papoutsis đã ủng hộ hành động mạnh mẽ về vấn đề này, và hy vọng chính phủ mới sẽ tiến hành nhanh hơn chính phủ trước đây.

“Tôi hy vọng rằng Chính phủ Albanese và Bộ trưởng Rishworth về căn bản sẽ phải xắn tay áo lên và bắt đầu thực hiện kế hoạch này.”

 

Phúc trình cũng chỉ ra sự cần thiết của các phương pháp tiếp cận có mục tiêu và chuyên biệt hơn đối với các cộng đồng bị thiệt thòi.

 

Các cộng đồng này bao gồm phụ nữ và trẻ em người Thổ dân, cộng đồng LGBTQI +, phụ nữ di dân và tị nạn, người khuyết tật, phụ nữ vùng nông thôn.

 

Catherine Scarth là Giám đốc điều hành của dịch vụ hỗ trợ di dân AMES

 

Bà nói rằng điều đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ và trẻ em di dân là phải có các giải pháp do chính cộng đồng dẫn dắt.

“Phúc trình xác định rằng chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn nữa đối với di dân và người tị nạn. Và đó là điều mà chúng tôi đã nhiều lần nhắc tới, rằng các phương pháp tiếp cận và dịch vụ chính thống không thực sự giúp ích, mà chúng cần được nhắm mục tiêu nhiều hơn.”

 

Tổ chức của bà đã và đang làm việc để trao thêm quyền cho người di dân và người tị nạn, để họ tự giáo dục những người khác trong cộng đồng về những dấu hiệu của bạo lực gia đình.

“Chúng tôi đã cung cấp chương trình lãnh đạo cho cộng đồng, và một phần kế hoạch là để họ tự thiết kế một chương trình và sau đó phân phối chương trình đó cho cộng đồng của chính họ.”

 

Phúc trình cũng đề cập đến nhu cầu về các kế hoạch do cộng đồng lãnh đạo cho các cộng đồng Thổ dân và Cư dân trên eo biển Torres, trong đó khuyến nghị kế hoạch bao gồm quyền được nói sự thật, chữa bệnh và tự quyết định.

 

Giáo sư Kate Fitz-Gibbon nói: “Điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi phải lắng nghe các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ người Thổ dân, đồng thời cung cấp cho họ các nguồn lực và sau đó chúng tôi trao cho họ quyền hạn để phát triển các giải pháp mà các cộng đồng Thổ dân cần.”