Nhiều người trẻ tuổi đang chi tiền cho trải nghiệm cuộc sống hơn là tiết kiệm để mua nhà. (SBS)

 

 

AUSTRALIA - Không ít người trẻ tuổi đã từ bỏ 'Giấc mơ Úc' về việc sở hữu một ngôi nhà, dành thời gian và tiền tiết kiệm cho mục đích khác.

 

Kate (tên của nhân vật đã được thay đổi) 30 tuổi, làm trợ lý pháp lý tại một công ty luật bất động sản ở Sydney.

 

Tuy kiếm được 85.000 đô-la một năm, cô cảm thấy bản thân khó mua nổi một căn nhà.

 

Cô nói với The Feed “Đại dịch khiến tôi suy nghĩ rằng mình nên tận hưởng mọi thứ khi có cơ hội, thay vì tập trung vào mục tiêu không bao giờ thành hiện thực này.”

 

 

Kate đang ưu tiên cho những trải nghiệm ẩm thực cao cấp và những cuốn sách ấn bản đặc biệt hơn là tiết kiệm để mua nhà. Ảnh: AAP / DIEGO FEDELE/AAPIMAGE

 

 

 

“Tôi đã từng thực sự dành dụm để có thể gửi một số tiền vào khoản tiết kiệm mỗi tuần và không động đến số tiền đó, nhưng bây giờ tôi sẵn sàng dùng số tiền đó cho thứ mình thích.”

 

Thay vì tiết kiệm để đặt cọc mua nhà, Kate cho biết cô thích chi tiền vào những bữa ăn ngon. Cô chi từ 300 - 500 đô la cho việc trải nghiệm ẩm thực cao cấp và uống rượu vang vài tháng một lần.

“Một khoản chi phí khá phù phiếm khác của tôi là đặt mua những cuốn sách ấn bản đặc biệt. Việc đó cũng có thể tốn của tôi vài trăm đô la một tháng.”

“Trước đây tôi nghĩ rằng ‘Không, mình nên để dành số tiền đó’, nhưng bây giờ tôi thà có thứ đẹp đẽ trên tủ sách của mình để ngắm nhìn hàng ngày hơn là nghĩ về những gì tôi có thể sở hữu trong 10 năm tới”.

 

 

Kate nói rằng cô sẽ không bao giờ muốn mua một căn hộ. Làm việc liên quan đến luật tài sản, cô đã thấy rất nhiều “câu chuyện kinh khủng” với phí quản lý.

 

Cô nói rằng một căn nhà ở phía tây Sydney, nơi cô đang sống, có giá khoảng 1.5 triệu đô-la.

Cô nói “Nếu tôi tiết kiệm 20,000 đô-la một năm, tôi sẽ mất 8 năm mới để dành được khoản tiền đặt cọc 10%,”

“Điều đó thậm chí còn chưa tính đến các chi phí khác như thuế trước bạ và bảo hiểm thế chấp.”

“Người ta nói rằng nên dự trù tới 20% giá trị tài sản. Vì vậy, tôi sẽ phải dành dụm trong 16 năm với thu nhập hiện tại của mình.”

 

 

Quyền sở hữu nhà đang trở nên ít được ưu tiên hơn
 

Theo một báo cáo do công ty dịch vụ tài chính Insignia Financial công bố, ý tưởng sở hữu nhà là một phần của 'giấc mơ Úc' đang bị thu hẹp lại theo từng thế hệ.

 

 

 

 


Những người thuộc thế hệ bùng nổ tin nhiều hơn so với Thế hệ Z rằng sở hữu tài sản là một phần của giấc mơ Úc. (SBS)

 

 

57% thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) coi quyền sở hữu nhà là một phần trong giấc mơ của người Úc, so với 58% thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ 1981 đến 1996), 69% thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến 1980), 79% thế hệ bùng nổ (sinh từ năm 1946 đến 1964).

 

Điều này được phản ánh trong dữ liệu về quyền sở hữu nhà từ Điều tra dân số năm 2021.

 

Chỉ hơn một nửa (55%) thế hệ thiên niên kỷ, 25–39 tuổi, được ghi nhận là chủ nhà so với 62% của thế hệ X (những người trong độ tuổi 43-57) và 66% của những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (những người từ 57 - 76 tuổi) khi họ ở cùng độ tuổi.

 

 

Thế hệ bùng nổ tiết kiệm tiền mặt hơn gấp 10 lần so với thế hệ Z. (SBS)

 

 

Khi nói đến khoản tiết kiệm, thế hệ thiên niên kỷ có trung bình 16.072 đô-la một năm. Những người thuộc thế hệ bùng nổ có số tiền nhiều hơn gấp ba lần với mức tiết kiệm trung bình là 54.196 đô-la, theo dữ liệu từ trang web so sánh tài chính Finder.

 

Thế hệ Z tiết kiệm trung bình 9.490 đô-la và thế hệ X là 43.956 đô-la.

 

Quan niệm của giới trẻ thay đổi
 

Adrian Camilleri, là giáo sư về Tiếp thị tại Đại học Công nghệ Sydney. Nghiên cứu của ông tập trung vào tâm lý đằng sau hành vi tài chính.
 

 

Ông nói với The Feed rằng một vài thế hệ trước, việc mua nhà và lập gia đình ở độ tuổi 20 được coi là bình thường. Bây giờ mọi người có những ưu tiên khác nhau.

Ông nói “Mọi người hiện đang hướng tới một cuộc sống phong phú về mặt tâm lý, với nhiều trải nghiệm thú vị và quan điểm thay đổi”.

 

 

 

Adrian Camilleri, là giáo sư về Tiếp thị tại Đại học Công nghệ Sydney. Nghiên cứu của ông tập trung vào tâm lý đằng sau hành vi tài chính. Ảnh: SHANE LO

 

Giáo sư Camilleri cũng cho biết xu hướng hoãn học đại học để đi du lịch đang ảnh hưởng đến thời gian họ đạt được các mốc quan trọng nhất định trong cuộc đời.

 

Ông nói “Nhiều người dành nhiều năm để đi học hơn, điều này khiến việc kết hôn và lập gia đình bị trì hoãn. Mua nhà có xu hướng gắn liền với việc lập gia đình,"

“Hơn nữa, việc học đại học có xu hướng mở rộng tầm nhìn đối với các cơ hội và hành trình khám phá ở nước ngoài. Kết hợp lại thành một khoảng thời gian “tìm hiểu bản thân” kéo dài từ đầu đến giữa những năm 20 tuổi.”

 

Sinh viên ngành tiểu học Clare Took, 30 tuổi, cho biết việc đi du lịch luôn là ưu tiên hàng đầu của cô, chứ không phải là mua nhà.

 

“Tôi đã đi du lịch Đông Nam Á, Mỹ, Châu Âu một vài lần, tôi cũng đã tới New Zealand và sống ở Canada trong hai năm”.

 

 

Xu hướng hoãn học đại học để đi du lịch đang ảnh hưởng đến thời gian giới trẻ đạt được các mốc quan trọng nhất định trong đời, theo Giáo sư Camilleri. (SBS)

 

 

Claire nói rằng cô thích thuê nhà ở phía tây Sydney, nơi cô đã sống mười năm, hơn là chuyển ra khỏi thành phố để đến một vùng ngoại ô nơi có giá cả phải chăng hơn.

“Tôi sẽ không rời khỏi thành phố trong 5 năm tới. Ngay cả sau khi tôi kiếm được một công việc dạy học thì mức lương đó cũng không đủ để mua một căn nhà ở khu vực này.”

 

Claire cho biết cô thích chi tiền vào việc giải trí hơn.

“Tôi dùng tiền để đi xem nhạc sống. Tôi thích đi xem hát, đi ăn bên ngoài và tham gia các sự kiện xã hội.”

“Tôi thích làm móng tay và thậm chí cắt tóc sáu tháng một lần, mỗi lần tốn khoảng 180 đô-la.”

 

Ruby Harvey, 26 tuổi, ở Brunswick, Melbourne. (SBS)

 

 

Ruby Harvey, một nhân viên xã hội 26 tuổi ở Melbourne, kiếm được “khoảng 80.000 đô la” một năm. Cô nói với The Feed rằng trong vài năm qua, cô nhận ra việc sở hữu một căn nhà là ngoài tầm với của mình.

“Càng lớn tuổi, tôi thấy chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và tôi nhận ra rằng nhà cửa đắt một cách buồn cười.”

 

Harvey nói rằng quan điểm của cô đối với việc tiết kiệm để mua nhà đã thay đổi đáng kể trong thời kỳ đại dịch.

“Bây giờ tôi cảm thấy chúng ta không biết tương lai sẽ như thế nào, và tôi muốn tận hưởng cuộc sống của mình hiện tại.”