Các nhà khoa học của Đại học Queensland đang bận rộn trong phòng thí nghiệm,  một phần của sự hợp tác quốc tế để phát triển một loại vắc-xin coronavirus. Nguồn: Đại học Queensland cung cấp

(Theo SBS Việt ngữ).

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Queensland (UQ) cho biết chỉ vài ngày nữa họ có thể thử nghiệm một loại vaccine mới cho coronavirus, hay COVID-19, trên động vật.

Tiến sĩ Paul Young, người đứng đầu Trường Khoa học Hóa học và Sinh học Phân tử của trường đại học UQ cho biết một nhóm gồm 20 nhà khoa học UQ đã làm việc suốt ngày đêm để tăng tốc quá trình xây dựng vắc xin kể từ khi virus bùng phát.

Các nhà nghiên cứu từ UQ đã được một tổ chức quốc tế có tên Coalition of Epidemic Preparedness Innovation (CEPI), Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Dịch tễ học, tài trợ, để sử dụng công nghệ phát triển y tế nhanh chóng mới để giúp tạo ra vắc xin cho chủng virus mới.

Điểm chú ý:

-Các nhà nghiên cứu ở Đại học Queensland sẽ thử nghiệm vắc xin chống coronavirus trên động vật tuần này.

-Sau đó vắc xin sẽ được thử nghiệm ở CSIRO Victoria – hy vọng sẽ thử nghiệm trên người vào giữa năm nay.

-Đây là một phần trong những nỗ lực ghi nhận ở các phòng thí nghiệm khắp thế giới mong tìm ra vắc xin chống lại dịch bệnh toàn cầu.

Sự kiện này theo sau bước đột phá của các nhà khoa học Úc trong việc phát triển một phiên bản phòng thí nghiệm của dịch bệnh này.

Nhóm các nhà nghiên cứu UQ là một trong các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới trong cuộc đua tìm kiếm và phát triển vắc-xin cho chủng coronavirus mới.

“Bắt đầu từ cuối tháng Một khi Trung Quốc công bố trình tự cấu tạo của virus. Điều đó đã cho chúng tôi bộ gen virus mà chúng tôi cần phải lấy và thử nghiệm,” Tiến sĩ Young nói với ABC News.

“Một cột mốc quan trọng thực sự là tạo ra vắc-xin trước khi đưa nó vào nghiên cứu trên động vật.”

“Chúng tôi sẽ bắt đầu nghiên cứu vắc xin trên động vật, lần đầu tiên của chúng tôi tại Đại học Queensland trong tuần này, và rất nhanh sau đó sẽ được theo dõi tại các phòng thí nghiệm Thú y Úc tại CSIRO ở Geelong.”

Phó hiệu trưởng UQ và Chủ tịch Giáo sư Peter Høj AC cho biết các nhà khoa học tại UQ đã cho thấy những bước tiến đáng kể phù hợp với khung thời gian tăng tốc cao của chương trình phản ứng nhanh, và nỗ lực làm việc miệt mài thời gian dài trong phòng thí nghiệm đã được đền đáp với thành quả này.

Giáo sư Høj cho biết, vẫn còn nhiều thử nghiệm để chắc chắn rằng ứng viên vắc xin này an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả, nhưng công nghệ và sự cống hiến của các nhà nghiên cứu tại UQ có nghĩa là rào cản đầu tiên đã được vượt qua.

Tiến sĩ Young cho biết trong khi công việc của UQ là đột phá, thật khó để nói liệu đây có phải là vắc xin đầu tiên trên thế giới được phát triển cho coronavirus hay không.

Ông cho biết có nhiều phiên bản vắc xin và nhiều cách tiếp cận khác nhau có thể hiệu quả như nhau.

Tiến sĩ Young chia sẻ với phóng viên ABC News “Điều tốt nhất có thể xảy ra hiện đang xảy ra – đó là, có rất nhiều nhóm làm việc theo hướng tiếp cận vắc xin, và thật lòng mà nói, nhóm đầu tiên làm được điều đó sẽ rất tuyệt,”

“Đây không phải là cuộc đua giữa các nhà sản xuất vắc xin, đây là cuộc đua chống lại loại virus đặc biệt này.”

“Đó là một miền đất mới cho việc xây dựng vắc xin. Vắc xin phải mất nhiều năm để phát triển từ ý tưởng đến giấy phép và sử dụng trong cộng đồng.

“Những gì chúng tôi đang hướng tới là ở đâu đó trong khoảng từ 12 đến 18 tháng, đã là nhanh chóng đáng kể.”

 

Tiến sĩ Young cho biết nhóm UQ đã phát triển 100 phiên bản protein khác nhau để tìm ra loại virus nào có hiệu quả nhất chống lại virus.

Ông cho biết hiện họ đã lên kế hoạch tiến hành các thử nghiệm tiền lâm sàng (bao gồm cả thử nghiệm trên động vật) và hy vọng sẽ thực hiện thử nghiệm trên người vào giữa năm nay.

Ông nói. “Những thử nghiệm đó đang kiểm tra xem vắc xin có thực sự gây ra phản ứng miễn dịch mà chúng tôi dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất ở mức đủ cao và ở trạng thái đủ tinh khiết để chúng tôi có thể đưa chúng vào cơ thể người,”

“Chuyện này thách thức nhiều hơn đáng kể so với chúng tôi nghĩ”

Tiến sĩ Young cho biết nhóm nghiên cứu đã làm việc như một phản ứng nhanh chóng trước sự bùng phát dịch bệnh toàn cầu.

Sau khi hoàn thành các nghiên cứu trên động vật, ông nói rằng họ sẽ gửi vắc xin đến CSIRO để thử nghiệm thêm.

Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu ban đầu đã diễn ra ‘như mong đợi’ và những gì được tạo ra có các đặc tính cho phép nhóm nghiên cứu tiến hành phát triển vắc xin.

Nhóm tiếp tục làm việc với một thời gian biểu tăng tốc để tiếp tục theo dõi thử nghiệm lâm sàng sẽ diễn ra vào giữa năm nay.

UQ là một trong ba chương trình duy nhất trên toàn cầu và là chương trình duy nhất ở Úc, do Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Dịch tễ học (CEPI) khởi xướng, tận dụng các nền tảng phản ứng nhanh chóng để đối phó với sự bùng phát coronavirus mới.