Các chuyên gia nghiên cứu thu thập các mẫu vật trong các tuyến đường thủy ở tiểu bang Nam Úc và phân tích chúng để tìm nhựa. (Ảnh: Flinders University)

 

 

 

NAM ÚC - Nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ hơn về nơi vi hạt nhựa đang tích tụ trong các tuyến đường thủy ở Nam Úc – và nơi nhựa gây ô nhiễm xuất phát từ đâu.

 

Các chuyên gia nghiên cứu đã tìm thấy nhiều loại nhựa đang xâm nhập vào sông, lạch, và đại dương từ chỉ sợi quần áo bằng vật liệu tổng hợp và các hạt nhựa từ vỏ bánh xe.

 

Các khoa học gia ở Đại học Flinders và Học Viện Nghiên cứu và Phát triển Nam Úc (South Australian Research and Development Institute  - SARDI) đã sử dụng mô hình dòng hải lưu để dự đoán nơi các hạt nhựa được kết tụ nhằm nỗ lực hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 

Kyle Mitchell, sinh viên ở Đại học Flinders, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy một vùng có thể là nơi tích tụ các vi hạt nhựa ở  ngoài khơi Myponga… có lẽ cách bờ biển khoảng 12 đến 15 cây số, nơi nhựa đã tích tụ theo dự đoán mô hình của chúng tôi từ các dòng nước của con sông Onkaparinga và Torrens”.

 

Các chuyên gia nghiên cứu đã áp dụng hải dương học để dự đoán dòng hải lưu và đặt các vi hạt nhựa giả lập vào hệ thống mô hình hóa để theo dõi đường đi của chúng.

 

Họ cũng lấy mẫu nước thực tế từ sông Torrens và Onkaparinga, và mẫu nước ở Gulf St Vincent, để xác định số lượng vi hạt.

 

Charles James, là huyên gia hải dương học ở học viện SARDI cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa 100 vị trí vào mô hình và sau đó dòng hải lưu sẽ di chuyển 100 vị trí đó theo dòng nước. Một ngày sau, chúng tôi đặt thêm 100 vị trí nữa và cuối cùng chúng tôi xây dựng được một mô hình và chúng tôi theo dõi các điểm vị trí đó trong 12 tháng”.

 

 

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Elise Tuuri, của Đại học Flinders, hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp định hình chính sách trong tương lai. (Ảnh: Flinders University)

 

 

Nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Flinders, Elise Tuuri, cho biết nghiên cứu này sẽ giúp đưa ra các giải pháp cho tương lai.

 

Cô Tuuri nói: “Thông tin mà chúng tôi tìm thấy thực sự có lợi vì chúng tôi hiểu được cách thực hành những sự thay đổi rút ra từ kết quả của mình”.

“Chứ không chỉ là việc dọn dẹp những gì đang bị thải ra môi trường.”

“Ngăn chặn những gì đang xâm nhập vào hệ sinh thái của chúng ta – đó là một nhiệm vụ mang lại ý nghĩa hơn nhiều.”

 

Nhựa từ vỏ bánh xe và quần áo

Một số vi hạt nhựa mà các chuyên gia nghiên cứu tìm thấy là xuất phát từ các hạt vị của vỏ bánh xe trôi vào nước mưa, trong khi một số khác xuất phát từ rác thải thông thường bị phân tán vào trong môi trường.

 

 

Cô Tuuri cho biết miếng lọc gắn trong máy giặt quần áo là một trong những giải pháp đơn giản nhất. (ABC News: Simon Goodes)

 

Nhưng các  khoa học gia cho biết phần lớn các vi hạt nhựa bị thải ra môi trường là từ sợi quần áo tổng hợp.

 

Cô Tuuri nói: “Trung bình, chúng chiếm khoảng 72 phần trăm những gì chúng tôi tìm thấy”.

"Một cách dễ dàng để giảm thiểu những vi hạt nhựa từ quần áo là sử dụng một miếng lọc gắn trong máy giặt quần áo, vì khi chúng ta giặt quần áo, các vi hạt nhựa đó sẽ không theo nước thải chảy ra ngoài.”

"Chúng tôi biết có bao nhiêu vi hạt nhựa xâm nhập vào dòng nước ngọt của chúng ta từ việc sử dụng đất, điều đó có nghĩa là chúng ta thực sự có thể bắt đầu nhắm mục tiêu vào chính sách, hoặc nỗ lực ngăn chặn lượng hạt nhựa đó bị thải vào hệ thống nước ngọt của chúng ta."

 

 

Một toán chuyên gia ở Đại học Flinders và Học Viện Nghiên cứu và Phát triển Nam Úc đang tiến hành việc giám sát nước. (ABC News: Simon Goodes)

 

 

Cô Tuuri cho biết việc phòng ngừa sẽ tốt hơn việc ra  sức dọn dẹp môi trường vì trong quá trình lấy các vi hạt nhựa ra khỏi dòng nước, thì các sinh khối quan trọng như động vật phù du và thực vật phù du cũng bị loại bỏ ra khỏi hệ sinh thái.

 

Cô nói: “Đó thực sự là việc thực hiện các chính sách nhằm cải thiện những gì chúng ta thải ra môi trường và cùng với việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng”.

"Nhưng quan trọng là có sự hợp tác giữa ngành công nghiệp và các chuyên gia nghiên cứu để chúng ta có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho tương lai."

 

 

Một vấn đề toàn cầu với những kết quả lan rộng

Cô Tuuri cho biết các chuyên gia khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu toàn bộ tác động của vi hat nhựa đối với hệ sinh thái.

 

Cô nói: “Các chuyên gia khoa học đang tìm ra những hậu quả khá nghiêm trọng - vì vi hạt nhựa cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cá và các sinh vật biển khác”.

“Về mặt sức khỏe con người, chúng tôi vẫn đang thực sự cố gắng tìm hiểu ảnh hưởng của vi hạt nhựa, chúng tôi chưa hiểu rõ cơ thể con người có thể tiêu thụ bao nhiêu hạt vi nhựa trước khi nó trở thành mối nguy hiểm cho sức khỏe con người.”

 

Charles James, chuyên gia hải dương học của học viện SARDI, cùng với Kyle Mitchell và Elise Tuuri của Đại học Flinders. (ABC News: Simon Goodes)

 

 

Ông Mitchell cho biết khó có thể có giải pháp ngay trong lúc này.

 

Ông nói: “Sự thôi nhiễm của vi hạt nhựa được dự đoán sẽ tăng mạnh trong những năm tới và chúng ta sẽ chứng kiến lượng nhựa tích tụ nhiều hơn trong môi trường”.

 

 

Nghiên cứu cung cấp thông tin cho việc lập chính sách

Nghiên cứu này hiện đã được cung cấp cho chính phủ.

 

Bộ trưởng Môi sinh Tiểu bang Nam Úc, Susan Close, cho biết: “Chúng tôi thực sự muốn nghe về vấn đề này và sau đó cùng nhau hợp tác để tìm ra những gì chúng ta có thể làm để khiến mọi việc tốt hơn”.

 

 

Bộ trưởng Môi sinh, Susan Close, hoan nghênh nghiên cứu này. (ABC News: Che Chorley)

 

 

Bà Close cho biết chính quyền tiểu bang đang tìm cách giảm lượng nhựa bị thôi nhiễm vào hệ thống dòng nước.

 

Bà nói: “Trong vài năm tới, bạn sẽ chưa thể có được một chiếc ly uống cà phê  có thể phân hủy sinh học, hiện tại bạn không thể có được một cái chén hoặc đĩa có thể vứt bỏ ra môi trường.”

“Chúng tôi đang loại bỏ ý tưởng sử dụng đồ nhựa dùng một lần, điều này sẽ giúp giảm gánh nặng cho môi sinh.”

 

 

Sau khi thu thập mẫu nước, các chuyên gia nghiên cứu sẽ kiểm tra chúng trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Flinders University)

 

 

Cô cho biết cô tin tưởng rằng các chuyên gia nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề ô nhiễm môi sinh do nhựa. Cô nói “Các vấn đề thực sự rất lớn, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tìm giải pháp khắc phục… con cái chúng ta cần trái đất này sạch hơn và bền vững hơn nhiều so với hiện tại, và điều đó sẽ đòi hỏi mọi người chúng ta phải nổ lực.”