Hình ảnh trong một cảnh cò quăm đuổi mòng biển để dành thức ăn trong một thùng rác ở thành phố Sydney. Ảnh: AAP

 

SYDNEY - Một người đàn ông bị cáo buộc đã bắt một con chim ibis, hay còn gọi là cò quăm, trong công viên ở Sydney, với ý định làm thịt.

 

Theo hãng tin AAP, ông Tom Quách, 60 tuổi, đã nhét con chim vào ba lô và lái một chiếc xe đạp ăn cắp đến căn nhà của ông ở vùng ngoại ô phía đông Sydney, trước khi chặt đầu con chim vào hôm thứ Ba.

 

Luật sư của ông nói rằng ông không biết luật pháp NSW cấm ăn cò quăm.

 

Ông Quách bị buộc tội ngược đãi động vật và trộm cắp tài sản, và được cho tại ngoại hầu tra vào sáng thứ Tư với những điều kiện nghiêm ngặt.

Thẩm phán Ross Hudson nói với ông Quách tại Tòa án Địa phương Waverley hôm thứ Tư rằng “Không được phép bắt, giết hoặc ăn cò quăm,”

“Việc đụng vào bất kỳ con chim nào hoặc cố gắng bắt bất kỳ con chim nào là vi phạm luật, ông đã rõ chưa?”

 

 

Một người đàn ông ở Sydney đã bị buộc tội ngược đãi động vật và ăn cắp hàng hóa sau khi bắt và cố gắng nấu một con cò quăm. Ảnh: Duncan Usher / ardea.com/ MARY EVANS

 

 

Đây là lần thứ hai ông Quách bị buộc tội tấn công loài chim này trong vòng ba tháng.

 

Vào ngày 31/3, ông được cho là đã buộc một sợi dây quanh chân và cổ của một con cò quăm bên ngoài ga xe lửa Eastwood.

 

Người dân xung quanh đã can thiệp trước khi ông có thể rời đi với con chim.

 

Ông Quách được chẩn đoán mắc chứng PTSD và rối loạn lưỡng cực. Ông đã ở trong bệnh viện tâm thần nhiều tuần sau vụ việc hồi tháng Ba và xuất viện vài ngày trước khi tái phạm.

 

Giới hữu trách đã ra lệnh cho ông tránh xa tất cả các loài chim ở Úc và phải trình báo với cảnh sát hai tuần một lần. Ông sẽ hầu toà trở lại vào ngày 8/6.

 

Bên ngoài toà án, ông nói rằng ông sẽ tránh xa những con chim bản địa, nhưng luật pháp ở NSW khiến ông cảm thấy khó hiểu.

Ông nói “Ở Queensland, tôi có thể ăn chúng.”

 

Chim ibis, hay còn gọi là cò quăm, là loài được bảo vệ theo Đạo luật Công viên Quốc gia và Động vật hoang dã NSW năm 1974. Bất kỳ ai làm hại loài chim này là vi phạm Đạo luật bảo tồn đa dạng sinh học 2016.