Công chúng được xét nghiệm tại một điểm xét nghiệm lưu động Covid-19 ở Phi Trường Quốc Tế Sydney. Nguồn: AAP

 

 

 

 

Chuyên gia dịch tễ học, Mary-Louise McLaws, nói rằng “bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra” giữa lần xét nghiệm đầu tiên của du khách và khi họ hạ cánh tại Úc. Bà muốn những du khách quốc tế đến Úc phải được xét nghiệm COVID-19 một lần nữa trước khi họ rời khỏi sân bay.

 

 

Những du khách đến Úc hiện bắt buộc phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành, nhưng nhà dịch tễ học Mary-Louise McLaws đến từ Đại học NSW cho rằng điều đó là chưa đủ.

 

Hôm thứ Tư, bà nói với đài số 9 rằng “Du khách thường làm xét nghiệm nhiều ngày trước khi lên máy bay.”

 

“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong khoảng thời gian ba ngày kể từ khi làm xét nghiệm PCR.”

“Sau đó họ cũng có thể phải quá cảnh. Tất nhiên, họ có thể vô tình bị nhiễm virus. Xét nghiệm khi đến Úc chỉ là một bước phòng ngừa bổ sung.”

 

 

Úc đang trên đà đạt được tỷ lệ chủng ngừa đầy đủ đối với 80 phần trăm dân số từ 16 tuổi trở lên. Số liệu mới nhất từ chính phủ liên bang cho thấy 88 phần trăm đã chích mũi một, và 78 phần trăm đã chích mũi hai.

 

 

Trong khi đó, nhà sản xuất Novavax của Mỹ đã kêu gọi Cơ quan Quản lý Dược phẩm TGA phê duyệt vắc-xin của họ. Nếu được chấp thuận, Novavax sẽ là vắc-xin COVID-19 thứ tư được sử dụng tại Úc.

 

 

Chính phủ liên bang đã mua hơn 50 triệu liều vắc-xin cho đợt chủng ngừa bổ sung, bắt đầu với người cao niên và người khuyết tật.

 

 

 

Một tấm bảng đặt ở sảnh nhà ga đến ở Phi Trường Sydney hôm ngày 15 tháng Mười. Ảnh: Getty

 

 

 

 

Sau khi biên giới quốc tế mở cửa trở lại, một số chuyên gia hiện kêu gọi ngành du lịch chuyển sang hướng bền vững hơn trong thời kỳ hậu COVID.

 

Tiến sĩ Emma Whittlesea đến từ Đại học Griffith nói với đài ABC “Có một cơ hội tuyệt vời để làm du lịch theo cách khác.”

 

Bà nói rằng đây là cơ hội để “suy nghĩ lại về cách du lịch có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng, môi trường và văn hóa cũng như nền kinh tế”.

 

 

Trước đại dịch, một số địa điểm du lịch đã bị đóng cửa hoàn toàn do ảnh hưởng của du lịch đối với môi trường địa phương, chẳng hạn như vịnh Maya ở Thái Lan. Cư dân của các điểm đến nổi tiếng như Venice và Barcelona cũng đã phản đối về tác động tiêu cực của du lịch đối với cuộc sống của họ.

 

 

“Có một cơ hội để giải quyết những thách thức về tính bền vững, cho dù đó là vấn đề về chất thải, khí thải hay tác động đến các cộng đồng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi số lượng khách du lịch.”

 

 

 

Tại Fiji, nơi sẽ mở cửa đón chào du khách từ ngày 1/11, số lượng đặt phòng đã vượt quá sự mong đợi, theo ông Brent Hill, giám đốc điều hành Tourism Fiji.

 

 

Ngành du lịch chiếm khoảng 40 phần trăm GDP của quần đảo này. Thế nhưng biến đổi khí hậu đang là một mối đe doạ lớn, với 70 phần trăm dân số Fiji sống trong vòng 5 km tính từ bờ biển.

 

 

Các tổ chức địa phương đang tổ chức các chương trình nuôi trồng san hô và bảo tồn sinh vật biển mà du khách quốc tế có thể tham gia, nhằm bảo vệ môi trường.

 

 

Tiến sĩ Whittlesea nói rằng đã có rất nhiều thông tin về cách làm du lịch bền vững và nhiều ví dụ điển hình về du lịch bền vững.

 

Bà nói “Tôi nghĩ rằng có một cơ hội thực sự lớn để ngành du lịch thực sự nắm bắt một số thách thức mới nổi và những thách thức hiện có khác – chẳng hạn như khí hậu – và đưa chúng vào các kế hoạch và chính sách, và tối đa hóa lợi ích của du lịch.”

 

 

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của chính phủ sẽ rất cần thiết để có sự thay đổi lâu dài.