Cảnh rót bia tại một xưởng nấu bia, Nguồn: AAP

 

 

Viện Y tế và Phúc lợi cho biết nhiều người Úc đang cần điều trị cai rượu hơn so với các chất gây nghiện khác. Nhưng báo cáo của Viện cũng cho thấy trong mười năm qua số người Úc được điều trị cai nghiện các chất như ma túy đá hoặc thuốc kích thích đã tăng lên gần gấp sáu lần.

 

Nhiều người Úc đang tìm kiếm sự giúp đỡ để cai rượu và ma túy hơn so với thời điểm năm năm trước, trong đó, điều trị cai nghiện rượu là dịch vụ được yêu cầu nhiều nhất.

Báo cáo của Viện Y tế và Phúc lợi Úc cho thấy yêu cầu được tư vấn cai rượu và ma túy là phổ biến nhất.



Tiến sĩ Gabrielle Phillips là phát ngôn nhân của Viện Y tế và Phúc lợi Úc:

"Giúp đỡ cai rượu vẫn là yêu cầu được người Úc tìm kiếm nhiều nhất. Cai rượu chiếm một phần ba số lượng yêu cầu điều trị. Và rượu bia cũng là một chất gây nghiện bổ sung được quan tâm trong 12% các đợt điều trị cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, tỷ lệ các yêu cầu điều trị cai rượu đã giảm từ 48% xuống còn 36%. Điều này là do số đợt điều trị cai nghiện ma túy đã tăng lên."

 

Khoảng 137.000 người Úc từ 10 tuổi trở lên đã tìm kiếm sự điều trị cai nghiện ma túy hoặc rượu trong năm 2018-2019. Số lượng này tăng 19% so với giai đoạn 2014-2015.

 

Điều trị cai nghiện cho nhóm ma túy tổng hợp dạng amphetamine có sự gia tăng lớn nhất, từ 10.000 lên 58.200 đợt điều trị trong vòng 10 năm. Trong số đó, ma túy đá chiếm hai phần ba số đợt điều trị trong 2018-2019.

 

Tiến sĩ Tina Lam từ Trung tâm Nghiên cứu Nghiện của Đại học Monash cho biết các phương pháp điều trị hiện nay không theo kịp nhu cầu.

 

"Hiện nay chúng tôi chỉ có một nửa số cơ sở điều trị có sẵn so với nhu cầu. Vì vậy, có thể nói là nhu cầu điều trị cai nghiện ma túy ở Úc cao gấp đôi so với khả năng của chúng tôi. Vì thế, đây thực sự là một lĩnh vực phục vụ kém vào lúc này. Khi nhu cầu tăng lên, chúng tôi cũng cần phải tăng số cơ sở điều trị."

 

“Hơn một nửa số người tìm kiếm điều trị cai nghiện ma túy và rượu ở độ tuổi từ 20 đến 39. Người Úc từ 40 tuổi trở lên chiếm 35% các trường hợp điều trị - chủ yếu là cai nghiện rượu - trong khi những người trẻ tuổi hơn thì tìm kiếm việc điều trị cai nghiện cần sa. Gần hai phần ba số người điều trị cai nghiện cần sa có độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi. Trong đó số người thổ dân chiếm một phần sáu. Nam giới cũng chiếm tỷ lệ cao hơn phụ nữ”.

Tiến sĩ Lam cho biết việc lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opioid cũng đang gia tăng ở Úc và là một hạng mục cần nhiều lựa chọn điều trị hơn.



"Số lượng thuốc giảm đau nhóm opioid được kê đơn từ đầu những năm 1990 đến nay nhiều gấp khoảng 4 lần so với giai đoạn mười năm trước. Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều cái chết liên quan đến dược phẩm chứa opioid và giờ đây chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng số ca tử vong do heroin. Đó là các loại thuốc mà chúng tôi thực sự quan tâm, vì chúng đã gây ra những cái chết không chủ ý."

 

Tiến sĩ Chris Moy là một bác sĩ gia đình và Chủ tịch Hiệp hội Y khoa tại Nam Úc. Ông cho biết, đối với những người tìm kiếm sự điều trị thì thời gian chờ đợi lâu là một vấn đề lớn.

 

"Trong những tình huống như vậy, nếu họ đột nhiên dừng điều trị thì sẽ rất nguy hiểm. Họ thực sự cần được giúp đỡ để loại bỏ các loại thuốc này một cách an toàn, nếu không họ có thể gặp phải các phản ứng nghiêm trọng khiến họ không thể bỏ thuốc. Hoặc trong thực tế những thứ như rượu hoặc thuốc an thần cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng nếu điều trị không đúng cách."

 

Tiến sĩ Moy nói rằng việc thiếu cơ sở điều trị có thể khiến cánh cửa cơ hội khép lại. Sự chờ đợi có thể khiến nhiều người từ bỏ việc điều trị.

 

"Điều đó không chỉ gây đau khổ cho cá nhân, mà còn cho toàn bộ gia đình của họ. Đó là tình huống rất khó khăn, và đó là lý do tại sao Hiệp hội Y khoa Úc từ lâu đã nêu lên thực tế rằng điều trị cai nghiện ma túy và rượu dường như không được ưu tiên hơn so với những thứ như phẫu thuật tự chọn. Nhưng có thể nói là mức độ nghiêm trọng của vấn đề cũng tương tự, nếu như không nói là tệ hơn, và thậm chí còn có tác động lớn hơn không chỉ đối với cá nhân mà còn đối với cả cộng đồng mà họ đang sống."

Quý vị có thể gọi Đường dây nóng về cai rượu và ma túy để được tư vấn miễn phí và bảo mật thông tin theo số 1800 250 015.