Giống chuối Cavendish biến đổi gen (tên khoa học: QCAV-4) được các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland (QUT) của Úc tạo ra. Nó là một bước quan trọng để bảo vệ ngành công nghiệp chuối trị giá 20 tỷ USD đang bị dịch bệnh Panama đe dọa nghiêm trọng. (Pexels)
AUSTRALIA - Các chuyên gia nghiên cứu Úc đã phát triển giống chuối biến đổi gen đầu tiên trên thế giới và hiện đang chờ sự chấp thuận chính thức từ cơ quan thực phẩm để sản xuất và bán chuối trên quy mô lớn.
Giống chuối Cavendish biến đổi gen (tên khoa học: QCAV-4) được các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland (QUT) của Úc tạo ra. Nó là một bước quan trọng để bảo vệ ngành công nghiệp chuối trị giá 20 tỷ USD đang bị dịch bệnh Panama đe dọa nghiêm trọng.
Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Úc và New Zealand (FSANZ), cùng Văn phòng Quản lý Công nghệ Gen (OGTR) đã bắt đầu đánh giá chất lượng của chuối biến đổi gen, nhằm xem liệu chúng có an toàn để trồng và tiêu thụ hay không.
Trong tuyên bố của mình, giám đốc điều hành của FSANZ, bà Sandra Cuthbert cho biết: “Đây là loại trái cây biến đổi gen đầu tiên được FSANZ đánh giá. Nếu được thông qua, thì đây cũng sẽ là sự chấp thuận đầu tiên trên thế giới đối với chuối biến đổi gen”.
'Giống như bản gốc'
Theo các chuyên gia nghiên cứu của QUT, dịch bệnh Panama đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất chuối Cavendish trên khắp châu Á. Nó bắt đầu xuất hiện ở Nam Mỹ và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành sản xuất chuối của Úc. Hiện tại, dịch bệnh Panama cũng đã lan rộng ở lãnh thổ phía Bắc nước này.
Để cải thiện khả năng kháng bệnh của chuối, các nhà khoa học đã kết hợp chuối Cavendish với một gen duy nhất - RGA2 - được lấy từ một loại chuối hoang dã ở Đông Nam Á gọi là “Musa acuminata ssp malaccensis”, vốn có khả năng kháng bệnh hoàn toàn.
Trong một thử nghiệm ở phía Bắc nước Úc, chuối biến đổi gen đã cho thấy sức đề kháng mạnh mẽ, hoàn toàn không có bệnh tật.
Giáo sư James Dale, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland, cho biết chuối QCAV-4 có cùng thời hạn sử dụng và giống Cavendish cả về mùi vị lẫn hình dáng.
Giáo sư Dale cho biết: “So với chuối Cavendish thông thường, chúng có thành phần giống hệt nhau. Chúng tôi không mong đợi loại chuối này có bất kỳ hương vị nào khác biệt. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thiết lập các bảng thị hiếu độc lập trong tương lai gần. Chúng tôi chỉ thay đổi một gen, và những gì chúng tôi thấy trên thực địa cho đến nay là chúng trưởng thành giống hệt như tất cả các loài Cavendish khác”.
Dịch bệnh Panama được các chuyên gia khoa học gọi là chủng bệnh héo Fusarium thuộc chủng Tropical Race 4 (TR4). Tên gọi của nó bắt nguồn nơi được chẩn đoán, là những đồn điền trồng chuối ở các quốc gia Trung Mỹ, mặc dù Đài Loan mới là nơi mà loại bệnh này xuất hiện lần đầu.
Đây là bệnh do nấm gây ra trong đất với các triệu chứng :
- Lá vàng hoặc nâu;
- Lá chết rụng;
- Những lá non còn xanh và mọc thẳng đứng, tạo cho cây vẻ ngoài có gai;
- Sự tách thân đôi khi xảy ra ở gốc cây.
Hiện tại, không có phương pháp điều trị nào được biết đến cho căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh Panama lây lan qua những công nhân sau khi làm việc ở những cánh đồng chuối bị ô nhiễm.
Vì vậy, các nhà khoa học đã cố gắng phát triển các giống chuối kháng bệnh để chống lại đợt bùng phát mới nhất.
Quá trình đánh giá của FSANZ dự kiến sẽ mất khoảng 9 tháng, bao gồm cả việc tham vấn cộng đồng. Sau khi được phê duyệt, các bộ trưởng thực phẩm của Úc và New Zealand sẽ có 60 ngày để xem xét quyết định của FSANZ và tư vấn xem chuối có thể được bán hợp pháp hay không.
(Theo Jessie Zhang từ The Epoch Times)
(ntdvn.net, Bảo Vy biên dịch)