Sinh viên Đại học Curtin ở Perth trong buổi chụp ảnh tốt nghiệp. Nguồn: AAP/AAP

 

AUSTRALIA - Các trường đại học và doanh nghiệp đang vận động hành lang chống lại luật gây tranh cãi nhằm hạn chế số lượng sinh viên quốc tế từ năm sau. Họ nói rằng luật này là "một chính sách vội vàng và là bình phong chính trị". Nhưng chính phủ cho biết cần phải có những thay đổi để ngăn chặn mọi người lợi dụng visa sinh viên làm cửa sau để vào Úc.

 

Nhiều chuyên gia cảnh báo việc giới hạn số lượng sinh viên quốc tế vào Úc có thể khiến hàng nghìn việc làm gặp rủi ro và kìm hãm các nỗ lực nghiên cứu của trường đại học.

 

Một dự thảo luật do Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare công bố vào tháng 5 sẽ trao cho ông quyền đặt ra số lượng tối đa sinh viên quốc tế mới đăng ký các khóa học và tổ chức cung cấp giáo dục.

 

Gần như ngay lập tức, các chuyên gia chính sách hàng đầu đã mô tả đề xuất này là 'công thức cho sự hỗn loạn'.

 

‘Ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và bóc lột lao động’

Tara Cavanagh là Trưởng nhóm Chính sách Di trú tại Bộ Nội vụ.

 

Bà cho biết các luật được đưa ra trong dự luật là cần thiết để quản lý tốt hơn hệ thống di trú, nơi một số người đang lợi dụng visa sinh viên để vào Úc.

“Có bằng chứng về việc bóc lột sinh viên nước ngoài. Những người trong ngành tìm cách phá hoại hệ thống di cư và giáo dục của Úc để cho phép mọi người nhập cảnh vào Úc vì mục đích khác ngoài việc học tập.”

“Việc lợi dụng hệ thống bao gồm cung cấp các sản phẩm giáo dục kém chất lượng, học phí cao và những lời hứa sai sự thật về con đường định cư vĩnh viễn.”

“Vấn đề này mở rộng đến các trường hợp nghiêm trọng về buôn bán tình dục, lao động cưỡng bức và các điều kiện giống như nô lệ với những người nhập cảnh vào Úc bằng thị thực sinh viên. Hoạt động và nguồn tài trợ như vậy đang hỗ trợ các mạng lưới tội phạm trong và ngoài nước Úc."

 

 

Các trường đại học phản đối

Phát biểu trước ủy ban quốc hội đang xem xét dự luật, giám đốc điều hành của Universities Australia, Luke Sheehy cho biết dự luật này có động cơ chính trị.

"Dự luật về ‘Tính liêm chính trong Chất lượng Dịch vụ Giáo dục dành cho Sinh viên Nước ngoài’ là các chính sách vội vã.”

“Các trường Đại học Úc ủng hộ ý định của Chính phủ trong việc duy trì sự chính trực và bền vững của ngành giáo dục quốc tế, nhưng chúng tôi tin rằng dự luật được soạn thảo giống như một bức bình phong chính trị hơn là một chính sách tốt, vì chính phủ muốn giành thế thượng phong trong cuộc chiến di cư trước cuộc bầu cử tiếp theo.”

“Vấn đề chính của chúng tôi nằm ở các sửa đổi nhằm kiểm soát số lượng sinh viên quốc tế mà các trường đại học và các khóa học có thể tuyển sinh."

 

Kể từ năm 2023, chính phủ đã đưa ra chín thay đổi chính sách di cư lớn ảnh hưởng đến sinh viên quốc tế tương lai và trước đây.

 

Đến cuối năm 2023, số lượng sinh viên quốc tế tại Úc đã phục hồi sau nhiều năm suy thoái do đại dịch.

 

Trùng hợp với giá thuê nhà tăng và tình trạng thiếu chỗ ở, chính phủ đã vào cuộc để kiềm chế và thậm chí có khả năng đảo ngược sự gia tăng của sinh viên quốc tế.

 

Luke Sheehy cho biết không có đủ dữ liệu để chứng minh mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng nhà ở của Úc và sự gia tăng của sinh viên quốc tế.

"Cả hai đảng lớn đều liên hệ sự trở lại sau đại dịch của sinh viên quốc tế, những người mà họ khuyến khích quay trở lại, với tình trạng thiếu nhà ở của Úc. Các dữ liệu không ủng hộ lập luận này. Dữ liệu nhà ở cho thấy tỷ lệ nhà cho thuê bỏ trống ở các vùng ngoại ô xung quanh khuôn viên trường đại học nội thành cao hơn mức trung bình của các thành phố lớn.”

“Hơn nữa, Hội đồng Nhà ở Sinh viên đã chỉ ra rằng sinh viên quốc tế chỉ chiếm bốn phần trăm tổng thị trường cho thuê tư nhân."

 

Dự luật sẽ cho phép các trường đại học vượt qua mức giới hạn tuyển sinh nếu họ xây thêm nhà ở cho sinh viên nhằm giải phóng áp lực lên thị trường cho thuê.

 

Nhóm G8 bao gồm các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu của Úc.

 

Nhóm này cho biết mức giới hạn sẽ làm suy yếu ngành xuất cảng giáo dục lớn nhất và thành công nhất của Úc.

 

Vicki Thomson, Giám đốc điều hành Nhóm G8, cho biết dự luật này rất hà khắc.

“Dự luật vội vã và không được xây dựng tốt này là một ví dụ điển hình về việc điều chỉnh chính sách để phù hợp với động cơ chính trị đáng ngờ.”

 

Lý do để hạn chế sinh viên quốc tế: hoặc là do khủng hoảng nhà ở, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả tiền thuê nhà, tình trạng cho thuê, phân bổ lại sinh viên đến các vùng ngoại ô hoặc là loại bỏ những kẻ gian, kẻ lừa đảo và tổ chức cung cấp dịch vụ gian dối.

 

Điều mà tất cả chúng ta đều đồng ý là một hệ thống giáo dục quốc tế, dựa trên chất lượng và tính chính trực. Chúng tôi hoàn toàn cam kết thảo luận về việc tăng trưởng được quản lý. Nhưng rõ rằng, những kẻ gian và kẻ lừa đảo không đại diện cho lĩnh vực đại học."

 

Trong số nhiều mối quan tâm mà các trường đại học và các tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục khác nêu ra là tác động của dự luật đối với nguồn tài chính của trường đại học.

 

Sinh viên quốc tế đóng học phí đầy đủ tại các trường đại học ở Úc và là nguồn thu nhập lớn nhất của nhiều trường đại học, không bao gồm các khoản trợ cấp của chính phủ.

 

Các trường đại học cho biết họ đã bị ảnh hưởng từ tỷ lệ từ chối cấp thị thực du học do Chỉ thị Bộ trưởng 107, đặc biệt là ở vùng ngoại ô Úc, nơi các trường đại học chứng kiến sự sụt giảm lớn về doanh thu từ sinh viên quốc tế kể từ khi đại dịch xảy ra.

 

Họ cho biết những hậu quả không mong muốn có thể tác động nhiều nhất đến khu vực Úc.

 

Luke Sheehy cho biết việc áp dụng mức giới hạn sẽ làm giảm số lượng tuyển sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

"Tác động của việc giảm đi 60.000 sinh viên quốc tế đến đất nước chúng ta là rất đáng kể. Điều này sẽ gây thiệt hại 4,3 tỷ đô la cho nền kinh tế và riêng trường đại học sẽ mất hơn 14.000 việc làm. Chưa kể đến hiệu ứng lan tỏa với các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc nhiều vào sinh viên quốc tế."