Nông dân trồng ngũ cốc hoan nghênh quyết định hủy bỏ lệnh cấm cây trồng biến đổi gen (Genetically Modified – GM) trên toàn tiểu bang NSW. (ABC Riverina: Rosie King)

 

 

 

 

 

Vào đầu tháng 3/2021, Chính Quyền tiểu bang New South Wales đã có thông báo chính thức huỷ bỏ lệnh cấm sử dụng cây trồng biến đổi gen (Genetically Modified - GM) đã kéo dài trong suốt 18 năm qua. Quyết định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng Bảy tới.

 

 

 

Ông Adam Marshall,  Bộ trưởng Nông Nghiệp, cho biết, Chính quyền tiểu bang New South Wales đang tạo cơ hội cho các khu vực công nghiệp quan trọng của tiểu bang có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ khoa học, ứng dụng công nghệ biến đổi gen (GM) trong lĩnh vực nông nghiệp - với triển vọng sẽ mang về lợi nhuận lên tới hàng tỷ đô-la cho toàn tiểu bang.

 

 

Ông Marshall chia sẻ, những lợi ích tiềm năng về nông học và sức khoẻ con người mà cây trồng biến đổi gen (GM) trong tương lai sẽ đem lại rất đáng kể, từ khả năng chống chịu hạn hán và sâu bệnh tới việc giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng trong đất một cách hiệu quả hơn; làm tăng năng suất và kiểm soát cỏ dại tốt hơn.

 

 

Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ biến đổi gen (GM) dự báo sẽ mang lại tổng lợi nhuận lên tới 4,8 tỷ đô-la cho các ngành công nghiệp chính của bang New South Wales trong mười năm tới. Công nghệ biến đổi gen (GM) cũng sẽ hỗ trợ nông dân tiết kiệm tới 35% tổng chi phí canh tác và thúc đẩy sản lượng lên tới gần 10%. Những giá trị gia tăng này sẽ đóng góp quan trọng trong mục tiêu mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp đạt 19 tỷ đô-la vào năm 2023. Đây đồng thời cũng là một tin vui cho người tiêu dùng, bởi vì với việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ khuyến khích các công ty tiếp tục đầu tư vào công nghệ biến đổi gen (GM) nhằm loại bỏ các chất gây dị ứng như gluten trong thực phẩm, cải thiện hương vị và mang tới nguồn dinh dưỡng tốt hơn.

 

 

 

Ông Matthew Cossey - Giám đốc điều hành của CropLife Australia - cho biết, tiểu bang New South Wales đã luôn là tiểu bang đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Việc dỡ bỏ lệnh cấm là bước tiếp theo nhằm đảm bảo rằng New South Wales vẫn giữ vai trò đứng đầu trong công cuộc đổi mới ngành nông nghiệp.

 

 

 

Trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature Food vào tháng 2/2021 cũng đã chỉ ra rằng bắp biến đổi gen (GM) tạo ra năng suất cao hơn so với giống bắp lai truyền thống ở Nam Phi, đồng thời nhấn mạnh các tiềm năng của công nghệ này trong việc hỗ trợ an ninh lương thực, đặc biệt trước những thách thức về biến đổi khí hậu.

 

 

Kết quả nổi bật của nghiên cứu đã cho thấy sự gia tăng đáng kể về năng suất của bắp biến đổi gen (GM) được trồng trên vùng đất khô hạn, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi phần lớn nông nghiệp của châu Phi phụ thuộc vào lượng mưa tự nhiên hơn so với việc sử dụng công tác tưới tiêu. Năng suất bắp thu được từ các vùng trồng dùng nước tưới thường cao hơn 2 triệu tấn/ha so với bắp trồng ở các vùng khô hạn. Trong khi đó, bắp biến đổi gen giúp tăng năng suất ngô trung bình lên tới 8%, trong khi bắp trắng biến đổi gen đem lại năng suất tăng gấp đôi so với bắp vàng biến đổi gen.

 

 

Trước những hoài nghi xoay quanh vấn đề cây trồng biến đổi gen có thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thông qua việc tăng sản lượng cây trồng hay không, kết quả của nghiên cứu lần này đã giúp giải đáp thắc mắc này. Bắp trắng, nông sản chính ở Nam Phi, là một ví dụ cụ thể cho việc thử nghiệm tác động tiềm tàng của cây trồng biến đổi gen đối với nguồn cung lương thực cho con người.

 

 

 

Thông qua nghiên cứu này, bắp biến đổi gen (GM) cũng cho thấy khả năng cải thiện các chiến lược phù hợp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ công tác sản xuất ở cả vùng năng suất cao và thấp, đồng thời tăng cường an ninh lương thực liên quan đến việc tiêu thụ ngô trắng ở Nam Phi.