Một công nhân lau dọn đang đi qu khu chợ Spitalfields Market, nguồn: EMPICS Entertainment

 

 

 

 

Đã có những lo ngại rằng công việc lau dọn thiết yếu tại nơi làm việc và nơi công cộng không được chú trọng đúng mức. Một cuộc khảo sát được thực hiện trong đại dịch chỉ ra rằng những người làm công việc lau dọn cảm thấy họ không được cung cấp đủ thời gian, thiếu đào tạo hoặc thiếu thiết bị phù hợp để làm việc.

 

 

Saddam Hussain làm việc ở tuyến phòng thủ đại dịch của Melbourne. Chàng sinh viên quốc tế đến từ Nepal này đang học chuyên ngành kế toán. Anh đã làm công việc bán thời gian là lau dọn ở một trường học trong một năm qua.

 

"Những người lau dọn như chúng tôi đang nỗ lực làm tốt công việc của mình, chúng tôi đang đối mặt với nhiều rủi ro hơn, trong khi phải cố gắng làm sạch mọi thứ."

 

Sau khi Saddam chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến tại nhà, ca làm việc của anh bị cắt giảm. Nhưng anh không đủ điều kiện tiếp cận bất kỳ sự hỗ trợ nào của chính phủ, vì thế cuộc sống của anh trở nên khó khăn hơn.

 

Nhiều người trong lực lượng lao động cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, khi mà công việc của họ phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng người di cư.

 

Một số người đã mất việc khi các nhà tuyển dụng lớn như các trường đại học và các văn phòng ở CBD gần như không có người lui tới.

 

Bà Carla Wilshire từ Hội đồng Di trú Úc nói rằng đó là một nhóm người chịu nhiều tác động của đại dịch.

 

"Đối với những người lao động tạm thời không đủ điều kiện cho Centrelink và không có quyền truy cập vào các khoản thanh toán jobseeker hoặc là jobkeeper, thì việc mất thu nhập có tác động rất lớn, và có thể gây ra hậu quả trực tiếp không chỉ cho bản thân họ mà còn cho cả gia đình họ."

 

Tuy nhiên, những người lau dọn thuộc một ngành bị ảnh hưởng theo những cách khác nhau. Nhiều công nhân đang bận rộn hơn bao giờ hết, vì đại dịch COVID-19 nhắc nhở việc tăng cường khử trùng ở nơi làm việc và nơi công cộng. Nhiều người lau dọn đang làm hết sức mình để bảo đảm những nơi này không trở thành những ổ lây nhiễm và hiện nay họ đang trong tình trạng quá tải.

 

Georgia Potter Butler từ Nghiệp đoàn Công nhân Úc nói rằng, đối với những người giữ được việc làm, mối quan tâm đang gia tăng là công việc của họ không đạt chất lượng cao.

 

"Điều quan trọng để đưa nền kinh tế mở cửa trở lại là mọi người cảm thấy an toàn trong không gian công cộng. Nếu mọi người biết rằng mọi thứ xung quanh họ sạch sẽ, được lau dọn sạch, thì họ sẽ cảm thấy an toàn. Ở  thời điểm hiện tại thì họ không nhất thiết phải cảm thấy như vậy, bởi vì mọi người đang thực hiện giãn cách xã hội, và những gì mà người lau dọn có thể làm là thực hiện đúng theo hợp đồng lao động."

 

Bà nói rằng chi phí cho việc lau dọn phần lớn được xem là một chi phí cần thiết chứ không phải là một khoản đầu tư.

 

"Đã có nhiều lời khen ngợi cho những người lau dọn, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc làm sạch quan trọng như thế nào. Thế nhưng điều đó thực sự chưa biến thành hành động bảo vệ và chăm sóc người lau dọn, cũng như cho phép họ làm công việc mà tất cả chúng ta đều muốn họ làm.”

 

Một cuộc khảo sát quốc gia đối với hơn 500 người làm công việc lau dọn, do Nghiệp đoàn Công nhân Úc thực hiện trong đại dịch, cho thấy 91% phải gấp rút thực hiện công việc vệ sinh vì họ không có đủ thời gian, và có đến 8 trên 10 người không được trang bị đủ thiết bị làm sạch.

 

Hơn ba phần tư số người được hỏi nói rằng họ không được cung cấp đủ thiết bị bảo vệ cá nhân để thực hiện công việc của họ một cách an toàn và 70% không được đào tạo trực tiếp.

77% số người khảo sát sợ mất việc, vào 86% nói rằng họ không được trả lương tương xứng.

 

Nghiệp đoàn nói rằng đó là một vấn đề cần khắc phục. Những người lau dọn cần được đào tạo, cần được giao đủ thời gian để thực hiện công việc, được trang bị đủ dụng cụ làm việc cần thiết cũng như các thiết bị bảo vệ cá nhân.   

 

Hiện đã có một số tin tức tích cực cho ngành lau dọn, khi Quỹ tiền tệ quốc tế dự đoán việc làm trong ngành này sẽ tăng lên gấp ba lần vào năm tới, khi thế giới tiếp tục vật lộn với COVID-19 cho đến khi có vắc-xin.