Chính quyền Nam Úc đang xem xét lệnh cấm trương mục (tài khoản) mạng xã hội đối với trẻ em dưới 14 tuổi. (Unsplash: Julian Christ)
NAM ÚC - Một chuyên gia truyền thông cho biết, luật buộc các công ty công nghệ lớn phải chịu trách nhiệm sẽ tốt hơn là thúc đẩy việc ngăn chặn trẻ em sở hữu trương mục (tài khoản) mạng xã hội.
Chính quyền tiểu bang Nam Úc đã công bố những gì họ cho là bước đầu tiên “đầy tham vọng” nhằm bảo vệ trẻ em khỏi mạng xã hội và những tác động có hại của nó (mạng xã hội) đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Cựu Chánh án Tòa án Tối cao, Robert French, đã được bổ nhiệm, không tiêu tốn bằng tiền của nhà nước, để xem xét các con đường pháp lý để chính quyền Nam Úc áp đặt lệnh cấm trẻ em dưới 14 tuổi.
Theo kiến nghị, trẻ em từ 14 đến 15 tuổi sẽ cần có sự đồng ý của cha mẹ để truy cập vào trương mục (tài khoản) mạng xã hội.
Catherine Page Jeffery, giảng viên về thông tin và truyền thông tại Đại học Sydney, cho biết lệnh cấm bao trùm như vậy không phải là một ý tưởng hay.
Tiến sĩ Page Jeffery nói: “Lệnh cấm như vậy có vẻ là câu trả lời dễ dàng, tôi nghĩ hiếm khi như vậy”.
“Có lẽ chúng ta cần phải có luật pháp, để đưa một số nền tảng có thế lực mạnh mẽ này đạt tiêu chuẩn tốt hơn – và đó dường như là một phương thức giải quyết tốt hơn là việc đưa ra luật để từ chối quyền tham gia trực tuyến của giới trẻ trong thực tế.”
Catherine Page Jeffery cho biết việc ban hành lệnh cấm toàn diện trên mạng xã hội đối với trẻ em dưới 14 tuổi không phải là một ý tưởng hay. (Ảnh: acb.net.au; được cung cấp)
Tiến sĩ Page Jeffery cho rằng các bậc cha mẹ nên đặt ra các quy tắc sử dụng mạng xã hội vì con cái họ đang ở độ tuổi thiếu niên và đã có điện thoại di động riêng.
Bà nói: “Thay vì đưa ra những hướng dẫn hoặc hạn chế chung chung này, cha mẹ nên đưa ra những quyết định dựa trên sự trưởng thành, mức độ chấp nhận rủi ro hoặc cá tính chung của con cái họ”.
“Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng cần nhớ là quản lý rủi ro và phát triển năng lực đề kháng là những kỹ năng thực sự quan trọng để người trẻ phát triển, và họ sẽ bỏ lỡ điều đó nếu chúng ta cấm hoàn toàn mạng xã hội.”
Nếu chính quyền tiểu bang thành công trong việc đưa ra lệnh cấm, đây sẽ là lần đầu tiên ở Úc, cùng với các khu vực pháp lý khác như nước Tây Ban Nha và tiểu bang Florida của Hoa Kỳ, nơi luật tương tự đã được thông qua.
Thủ hiến Nam Úc, Peter Malinauskas, cho biết nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội là không tốt cho trẻ em.
Ông Malinauskas nói: “Đã có nhiều cuộc kiểm tra và bằng chứng thuyết phục cho thấy các thuật toán gây nghiện đang được sử dụng để lôi kéo giới trẻ, theo cách mà tâm trí đang phát triển của chúng không thể giải quyết được”.
"Sự phổ biến của mạng xã hội không chỉ là mối lo ngại về việc tiếp cận những nội dung không lành mạnh, mà ngay cả việc sử dụng quá mức mạng xã hội cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.”
“Con cái chúng ta hiện đang bị tổn hại và không còn thời gian để lãng phí nữa. Tôi không muốn ngồi đợi người khác. Hãy cất bước.”
Peter Malinauskas muốn Nam Úc đi đầu với lệnh cấm này. (ABC News: Carl Saville)
Ông Malinauskas cho biết "đã đến lúc các chính phủ trên toàn cầu phải bắt kịp thực tế là các bậc cha mẹ đang tìm kiếm sự hỗ trợ và tìm kiếm sự can thiệp để hạn chế việc sử dụng mạng xã hội" từ các công ty công nghệ.
Ông nói “Tôi có một thông điệp rõ ràng gửi tới các chủ sở hữu Facebook, Instagram, X, TikTok và mọi nền tảng khác: nếu anh là một gã khổng lồ về truyền thông xã hội và anh đang kiếm tiền từ việc làm cho con cái chúng tôi không khỏe mạnh, chúng tôi sẽ không đứng yên khoanh tay.”
"Các anh có quyền lựa chọn – các anh có thể hợp tác với chúng tôi để xem sự thay đổi này có hiệu quả và thiết thực hay không, hoặc chống lại chúng tôi và đối mặt với làn sóng lo ngại từ cộng đồng mà cuối cùng các chính phủ sẽ phản ứng."
Ngài Thủ hiến cho biết cuộc điều tra của ông French, không có thời hạn áp đặt, cũng sẽ xem xét cách thực thi lệnh cấm.
Ông Malinauskas nói: “Hiến pháp quy định rõ rằng, nói chung truyền thông là trách nhiệm của chính phủ liên bang nhưng các vấn đề sức khỏe tâm thần thường là trách nhiệm của các tiểu bang”.
“Nếu thực sự lời khuyên đến với ông French rằng điều này rất khó để chính quyền các bang có thể điều chỉnh, thì tôi nghĩ nó sẽ để lại một cơ hội rộng mở cho nghị viện liên bang hành động.”
Tháng trước, phe đối lập liên bang đã kêu gọi chính phủ thử nghiệm việc xác minh độ tuổi để ngăn chặn trẻ em truy cập vào các nền tảng truyền thông xã hội.
Liz Durdin, phát ngôn nhân của tổ chức Carly Ryan Foundation, hoan nghênh sáng kiến buộc các gã khổng lồ công nghệ phải chịu trách nhiệm, đồng thời cho biết trẻ em đang phải đối mặt với những nội dung không phù hợp với lứa tuổi và bị hăm dọa tình dục.
Bà Durdin nói: “Bất chấp những khuyến cáo dành cho độ tuổi từ 13 trở lên trên hầu hết các ứng dụng mạng xã hội, trẻ em vẫn có thể giả mạo ngày sinh của mình khá dễ dàng”.
“Chúng tôi tận mắt nghe thấy những loại tổn hại mà trẻ em và thanh thiếu niên của chúng ta đang phải đối mặt và điều đó xảy ra với trẻ nhỏ tuổi hơn mỗi ngày.”
"Chúng tôi đã nghe nói về những đứa trẻ mới 7 tuổi gặp gỡ những người buôn bán thuốc lá điện tử bất hợp pháp mà chúng đã gặp qua ứng dụng Snapchat."
Liz Durdin hoan nghênh động thái của chính quyền Nam Úc nhằm bảo vệ trẻ em khỏi mạng xã hội. (ABC News)
Tổ chức này do mẹ của Carly Ryan thành lập, sau khi cô bé 15 tuổi này bị dụ dỗ trên mạng và bị sát hại, đã dẫn đầu những nỗ lực ở Úc nhằm giáo dục trẻ em và cha mẹ về an toàn trực tuyến.
Bà Durdin cho biết luật pháp và việc áp dụng các khoản tiền phạt hy vọng sẽ khiến các công ty lớn phải giải trình và bảo vệ những người trẻ tuổi.
Bà nói: “Cuối cùng, tự do ngôn luận có ý nghĩa quan trọng và điều quan trọng là điều chúng ta đang nói đến là lập pháp để bảo vệ trẻ em”.
Bà cho biết các bậc cha mẹ được khuyến khích trò chuyện cởi mở với con cái về sự an toàn trực tuyến.