Đức có kế hoạch cùng với Úc đưa quân tham gia cuộc tuần tra tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

 

 

Sau khi Đại sứ Đức tại Úc tuyên bố về việc muốn tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Annegret Kramp Karrenbauer,  cho biết, Đức có kế hoạch cùng với Úc đưa quân tham gia cuộc tuần tra tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

 

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp Karrenbauer. Nguồn AP

 

 

 

Tờ The Sydney Morning Heral hôm qua, ngày 2/11, dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Annegret Kramp Karrenbauer cho biết, bà hy vọng vào năm 2021, Đức có thể triển khai quân để cùng tham gia các cuộc tuần tra ở Ấn Độ-Thái Bình Dương với Úc.

 

 

Bộ trưởng Karrenbauer cho hay, sự hiện diện của Đức ở Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ giúp bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Đức không đề cập khả năng Đức tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đưa ra yêu sách lãnh thổ mà bị các nước từ Châu Á đến Châu Âu, Úc và Mỹ phản đối.

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karrenbauer khẳng định “với những thách thức an ninh ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, mục tiêu của chúng tôi là tăng cường hợp tác song phương và đa phương. Điều đó có thể bao gồm cả việc sỹ quan quân đội Đức tham gia vào các đơn vị hải quân Úc trong một dự án đang được chúng tôi đàm phán”.

 

 

Bộ trưởng Karrenbauer cũng cho hay, hiện Đức cũng đang làm việc với NATO để mở rộng quan hệ với các quốc gia có cùng chí hướng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương như Úc. Bà Karrenbauer khẳng định “chúng tôi chia sẻ các giá trị, nguyên tắc và lợi ích giống nhau vì vậy chúng tôi cùng đoàn kết để chống lại những kẻ thách thức chúng tôi”. Bộ trưởng Kerrenbauer cũng nhấn mạnh “các tranh chấp lãnh thổ, vi phạm luật pháp quốc tế và tham vọng của Trung Quốc đối với thế giới chỉ có thể được tiếp cận đa phương”.

 

 

Đức và Trung Quốc có quan hệ kinh tế-thương mại chặt chẽ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Tuy vậy Bộ trưởng Karrenbauer khẳng định không vì điều này mà Đức “nhắm mắt làm ngơ trước các điều kiện đầu tư không công bằng, chiếm đoạt tài sản trí tuệ một cách hung hãn, bóp méo cạnh tranh do trợ cấp của nhà nước hoặc cố gắng gây ảnh hưởng bằng các khoản vay và đầu tư”.

 

 

Vào đầu tháng 9/2020, Đức trở thành quốc gia Châu Âu thứ hai, sau Pháp, công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm xây dựng khung chiến lược cho khu vực và hình thành các điểm kết nối cho việc tăng cường hợp tác nhiều mặt trong đó bao gồm cả anh ninh với các đối tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tiếp đó, Đức cùng với Pháp và Anh đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

(Theo vov)