Các bé trai nô đùa trong làn nước ngập vì nước triều dâng cao gần phi trường của quốc đảo Tuvalu. Nguồn: Getty

 

 

AUSTRALIA - Tân Thủ Tướng Úc, Anthony Albanese đã báo hiệu một hướng đi mới cho các chính sách khí hậu của nước này. Đó là một sự thay đổi được hoan nghênh rộng rãi ở nước ngoài.

 

“Nước Úc nay tham gia liên minh, khi thực hiện hành động thực sự về biển đổi khí hậu theo chương trình của cuộc họp Bộ Tứ Kim Cương và tôi cũng nghĩ rằng Tổng Thống Biden, Hoa Kỳ và chính phủ Mỹ sẽ hài lòng nhiều nhất về việc này”.

Đó là lời của Tiến sĩ Wesley Morgan, một chuyên gia về khí hậu và thành viên nghiên cứu tại Viện Griffith Châu Á, phản ứng trước những tham vọng của tân Thủ tướng Anthony Albanese đối với các chính sách mới về biến đổi khí hậu.

 

Được biết Thủ tướng đang tham dự Đối thoại An ninh Tứ giác, hay Quad tại Nhật Bản, nơi ông cùng các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản tham dự.

 

Ông Albanese nói rằng, điều quan trọng là ông phải tham dự mặc dù việc kiểm phiếu trong cuộc bầu cử Liên bang vẫn chưa hoàn tất, bởi vì nó báo hiệu sự thay đổi trong hướng đi.

Ông nói “Cuộc họp của Bộ Tứ Kim Cương thuộc ưu tiên cao nhất dành cho nước Úc, nó giúp chúng tôi gởi một thông điệp cho thế giới rằng, Úc có sự thay đổi chính phủ, sẽ có một chính sách được thay đổi đặc biệt liên quan đến biển đổi khí hậu và những cam kết của chúng tôi với thế giới”.

 

Được biết các nước trong Bộ Tứ đã thành lập một nhóm hành động về khí hậu, để cắt giảm lượng khí thải ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương và giúp các nước trong khu vực, ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.

 

Đối với những quốc gia như Tuvalu một nhóm các đảo san hô nhỏ nằm giữa Hawaii và Úc, vấn đề về biến đổi khí hậu không còn là lý thuyết nữa.

 

Hai trong số chín hòn đảo của Tuvalu đã và đang trên bờ vực bị nuốt chửng bởi mực nước biển dâng cao và xói mòn bờ biển.

 

Hầu hết các hòn đảo, chỉ nằm trên mực nước biển có ba mét.

 

Cựu Thủ tướng của Tuvalu và lãnh đạo hiện tại của phe đối lập Enele Sopoaga cho biết “Những quốc gia như Tuvalu hoàn toàn bằng phẳng và thật là tệ hại, tình hình thật hết sức tồi tệ”.

 

Ông cho SBS News biết, ông hy vọng sự thay đổi chính phủ ở Úc sẽ mang lại những tin tức tốt cho nước ông và các quốc gia hải đảo Thái Bình Dương.

 

“Tôi hy vọng Úc và chính phủ Anthony Albanese, với sự lãnh đạo của bà Penny Wong mà tôi quen biết, sẽ lắng nghe tiếng nói của các đảo quốc Thái Bình Dương tốt hơn”, Enele Sopoaga.

 

Ông này không đơn độc trong niềm hy vọng thay đổi chiều hướng của nước Úc.

 

Trong một thông cáo, ông Anote Tong, cựu Tổng Thống Kiribati chúc mừng chiến thắng của ông Anthony Albanese, thế nhưng kêu gọi trực tiếp về những thay đổi.

 

Ông nói “Rõ ràng là chúng tôi bất mãn với thái độ của chính phủ Úc trước đây, đối với Thái Bình Dương trên một số lãnh vực, trong đó có biển đổi khí hậu".

"Tôi hy vọng sẽ thấy được các hành động khẩn cấp hơn nữa từ chính phủ Úc sắp tới, bao gồm một mục tiêu đầy tham vọng giảm khí thải, nhanh chóng giúp đỡ các cộng đồng ở Thái Bình Dương dễ bị tổn thương vì khí hậu và quan trọng nhất là một cam kết không có dự án mới nào sử dụng than đá và khí đốt tại Úc”.

 

Còn Thủ Tướng Fiji, Frank Bainimarama cũng gởi tin tweet về vấn đề tương tự, khi chúc mừng ông Albanese.

 

Thủ Tướng Frank Bainimarama nói “Với nhiều hứa hẹn của quí vị cho vùng Thái Bình Dương, không có kế hoạch nào được hoan nghênh hơn là về khí hậu trước tiên, vì tương lai chung của các dân tộc chúng tôi phụ thuộc vào chuyện đó”.

 

Được biết ông Enele Sopoaga nhấn mạnh rằng, hành động kế tiếp của Úc cùng mục tiêu của chính phủ nước nầy, sẽ hết sức quan trọng.

Ông nói “Cũng quan trọng nữa là chính phủ Úc có một thời khóa hiểu thích hợp, duyệt xét các kế hoạch để gia tăng sự trong sáng trong nước, liên quan đến việc giảm bớt lượng thải khí nhà kính".

"Ngoài ra cũng có chính sách về mỏ than, khi khai thác các mỏ than mới tại Úc”.

 

Trong khi đó Tiến sĩ Wesley Morgan từ Viện Griffith Á Châu nói với SBS rằng, có chỗ để cải thiện, ngay cả trong các mục tiêu đã nêu của đảng Lao động, nhưng ông nói rằng với ngôn ngữ đang được sử dụng, mang lại cho ông hy vọng về tương lai, đặc biệt là khi thúc đẩy thay đổi chính sách bởi chính các cử tri.

Ông nói “Các cử tri Úc đang thực sự khao khát hành động về biến đổi khí hậu".

"Vì vậy tôi nghi ngờ rằng, trong những năm tới trong nhiệm kỳ bầu cử này, chính phủ liên bang sẽ xem xét lại mức độ tham vọng của mình và hy vọng sẽ cao hơn nhiều".

"Ông Albanese đã nói rằng ông ấy muốn thấy nước Úc trở thành một siêu cường năng lượng tái tạo, tôi nghĩ đó là ngôn ngữ rất quan trọng".

"Đó là một sự thay đổi thực sự trong cách tiếp cận với biến đổi khí hậu, coi hành động khí hậu là một cơ hội kinh tế và chiến lược cho Úc”.

 

Chỉ trong vài tuần lễ, nước Úc có cơ hội để tương tác với các nhà lãnh đạo khác của Thái Bình Dương, tại Diễn đàn Các Đảo quốc Thái Bình Dương vào tháng 7 sắp tới.

 

Tiến sĩ Morgan tin rằng, việc nầy sẽ là cơ hội để xây dựng, hay ít nhất là sửa chữa một vài quan hệ.

 

Ông Wesley Morgan nói “Gần như chắc chắn sẽ có điều gì đó thiết lập lại trong quan hệ giữa Úc và Thái Bình Dương, như sẽ xảy ra khi bạn có bất kỳ chính phủ mới nào, chính phủ Albanese đã công bố một loạt việc cho chính sách Thái Bình Dương mới, bao gồm tăng viện trợ, cả cơ hội gia tăng di chuyển lao động và di cư".

"Nhưng trọng tâm có lẽ sẽ là về khí hậu và đưa ra cho các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương ý tưởng làm việc cùng nhau, để thúc đẩy phần còn lại của thế giới cũng hành động về biến đổi khí hậu”.

 

Ông hoan nghênh sự thay đổi trong chiều hướng và nói rằng, nước Úc ở trong tư thế bối rối trên toàn cầu trong thời gian quá lâu.