Có nhiều lo lắng về sức khỏe tâm thần của người trẻ. Nguồn: Getty
Đại dịch COVID-19 làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em. Một phúc trình mới của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) cho biết đại dịch có thể là phần nổi của tảng băng về sức khỏe tâm thần và các chuyên gia cho rằng vấn đề này đã bị bỏ qua quá lâu.
Các nhà nghiên cứu và những người đấu tranh cho thanh thiếu niên kêu gọi các cam kết và hành động mới, như một phần của phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm thúc đẩy sức khỏe tinh thần một cách tích cực hơn cho mọi trẻ em.
Trẻ em và thanh niên có thể bị ảnh hưởng bởi tác động của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần và hạnh phúc trong nhiều năm tới.
Đó là một trong những cảnh báo chính từ các phát hiện trong phúc trình hàng đầu của UNICEF vừa được công bố.
Theo 'Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới 2021', trẻ em và thanh thiếu niên đang gánh vác tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng mà không có sự đầu tư đáng kể vào việc giải quyết các vấn đề này.
Trong một cuộc phỏng vấn với SBS, Trưởng ban vận động chính sách và sự tham gia của chính phủ của UNICEF Australia, ông Oliver White, nói rằng điều này rất tốn kém - theo nhiều cách.
"Sức khỏe tâm thần là một vấn đề lớn đối với trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới, bao gồm cả Úc.”
“Nó là một cái giá lớn cho cuộc sống của trẻ em, cả chi phí về con người và tài chính, ảnh hưởng đến việc học tập, phát triển và khả năng tìm hiểu của các em.”
“Phúc trình cho thấy rằng không có đủ đầu tư về quy mô cho nhu cầu của vấn đề này."
UNICEF là cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ nhân đạo và phát triển cho trẻ em trên toàn thế giới.
Cơ quan này là một trong những tổ chức phúc lợi xã hội hoạt động mạnh mẽ và được biết đến nhiều nhất trên thế giới, với sự hiện diện tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.
UNICEF đã phát hành phúc trình thường niên trong hơn 40 năm, xem xét các vấn đề liên quan nhất ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu.
20,000 người đã được phỏng vấn tại 21 quốc gia cho báo cáo, cung cấp một cái nhìn toàn diện về sức khỏe tâm thần của trẻ em, thanh thiếu niên và người chăm sóc.
Zeinab Hijazi là tác giả chính của báo cáo. Cô nêu bật gánh nặng tài chính đối với nền kinh tế toàn cầu.
"Chúng tôi đang kêu gọi các chương trình sức khỏe tâm thần quốc gia dựa trên bằng chứng, gắn liền với việc nuôi dạy con cái và sự can thiệp tập trung vào các gia đình.”
“Chúng tôi đang kêu gọi các chính sách trong các trường học nhằm bảo vệ và giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên.”
“Chúng tôi nhận thấy rằng 387,2 tỷ đô la chi phí cần cho nền kinh tế của chúng ta. Vấn đề này cũng đang tạo gánh nặng kinh tế rất lớn đối với chúng ta và các gia đình."
Phúc trình cho thấy hơn một trong bảy thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi ước tính đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần được chẩn đoán trên toàn cầu.
Tỷ lệ này ở Úc thậm chí còn cao hơn, với 21,5% thanh niên từ 10-19 tuổi bị ảnh hưởng.
Trẻ em trai Úc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với khoảng 23,3% sống chung với chứng rối loạn tâm thần, so với 19,5% ở trẻ em gái.
Ông White nói rằng xã hội cần đối xử với sức khỏe tâm thần giống như cách đối xử với các mối đe dọa từ đại dịch như coronavirus, hoặc các biến chứng thể chất.
“Chúng ta chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm, còn rất nhiều điều bị che giấu. Chúng tôi biết rằng nhu cầu là rất lớn, tuy nhiên khoản đầu tư mà chúng ta dành cho sức khỏe thể chất không tương xứng với khoản đầu tư mà chúng ta dành cho sức khỏe tinh thần.”
“Vì vậy, chúng ta cần có sự tập trung và đầu tư tương tự vào việc giải quyết rối loạn tâm thần, bệnh tâm thần ở trẻ em và thanh niên. Và ta cần coi trọng nó như chúng ta xem xét các vấn đề rối loạn và bệnh tật về thể chất."
Ông White nói rằng việc chẩn đoán và giúp đỡ trẻ em có thể gặp nhiều khó khăn do sự kỳ thị văn hóa xã hội cũng như khó khăn trong các vấn đề giao tiếp.
Báo cáo cũng cho thấy gần 46,000 thanh thiếu niên chết trên khắp thế giới vì tự tử mỗi năm, và tự tử là một trong năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với nhóm tuổi này.
Dữ liệu cũng cho thấy khoảng cách lớn giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần và kinh phí cho lĩnh vực này.
Bà Hijazi cho biết chỉ khoảng 2% ngân sách y tế của chính phủ được phân bổ cho sức khỏe tâm thần trên toàn cầu.
"Vấn đề rất nghiêm trọng. Chúng tôi đang chứng kiến khoảng 47.000 thanh thiếu niên chết vì tự tử mỗi năm, đó là một con số kinh ngạc. Chúng tôi kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào sức khỏe tâm thần, đó có thể là cứu cánh cho các cá nhân và cho trẻ em của chúng ta."
Đại dịch kéo dài trong 18 tháng qua là một trải nghiệm nặng nề, đặc biệt đối với trẻ em.
Việc phong tỏa trên toàn quốc và những hạn chế liên quan đến đại dịch trong việc di chuyển, trẻ em phải trải qua một thời gian dài đáng kể trong cuộc đời bị xa cách gia đình, bạn bè, lớp học và vui chơi. Tất cả đều là những điều đẹp đẽ và quan trọng của tuổi thơ.
Trung bình 1/5 thanh niên từ 15-24 tuổi được khảo sát cho biết họ thường cảm thấy chán nản hoặc ít quan tâm đến việc làm.
Khi COVID-19 bắt đầu bước vào năm thứ ba, Anne Hollonds, Ủy viên Nhân quyền cho Trẻ em tại Úc, cho biết tác động lên sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên tiếp tục bị đè nặng.
"Khủng hoảng đại dịch Covid-19 thực sự bộc lộ những điểm yếu hiện có trong hệ thống và những gì chúng ta cần làm là sửa chữa những lỗ hỏng đó.
“Chúng ta cần đảm bảo trẻ em là ưu tiên quốc gia. Nhu cầu của trẻ em không nhất thiết phải đáp ứng bằng chính sách dành cho người lớn. Trẻ em có những nhu cầu riêng.”
“Nhiều người hiện đang nói rằng trường học nên là nơi đóng cửa cuối cùng và là nơi cần mở cửa đầu tiên. Chúng quan trọng hơn nhiều so với các sự kiện thể thao lớn hoặc những thứ khác."
Ít nhất một trong bảy trẻ em đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi phong tỏa, trong khi hơn 1,6 tỷ trẻ em phải chịu một số mất mát về giáo dục.
Tác động đầy đủ của đại dịch vẫn còn tiếp diễn đối với nhiều trẻ em ở Úc, đặc biệt những trẻ em ở Melbourne, thành phố bị phong tỏa chặt nhất trên thế giới.
Sự gián đoạn về thói quen sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như lo lắng về thu nhập và sức khỏe gia đình đang khiến nhiều người trẻ cảm thấy sợ hãi, tức giận và lo lắng cho tương lai của mình.
Bà Hollonds kêu gọi các chính phủ, bao gồm cả Úc, dành nhiều tiền hơn và nguồn lực để bảo vệ sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên.
"Chúng ta thiếu các dịch vụ. Thông qua đại dịch, rất nhiều tiền đã đổ vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên, và điều đó thật tuyệt vời.
“Nhưng với trẻ từ 12 tuổi trở xuống, tôi nghe các bậc cha mẹ nói rằng ngay cả khi con họ tự tử, trước đó họ không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần công cộng. Họ đang bị quay lưng.”
“Tôi thực sự kinh hoàng khi nghe những lời kể này. Chúng ta thực sự xem nhẹ các biện pháp phòng ngừa".