Học giả người Úc,  Kylie Moore-Gilbert, trong một lần xuất hiện trên truyền hình nhà nước Iran. Nguồn: Iranian State Television

 

 

 

 

 

Nữ học giả người Úc Kylie Moore-Gilbert cho biết bà rời khỏi Iran “với những cảm xúc buồn vui lẫn lộn”, sau khi bị giam giữ tại đây trong hơn 800 ngày.

 

 

Tiến sĩ Kylie Moore-Gilbert, một giảng viên Đại học Melbourne, đã bị kết tội làm gián điệp và bị giam giữ hơn hai năm tại Iran, mặc dù bà luôn phủ nhận cáo buộc này.

 

 

 

-Tiến sĩ Kylie Moore-Gilbert đã bị giam giữ tại Iran trong hơn hai năm

-Bà bị kết án 10 năm tù vì tội gián điệp, điều mà bà luôn phủ nhận

-Thủ tướng Scott Morrison khẳng định không có tù nhân nào tại Úc được thả để đổi lấy sự tự do cho bà Moore-Gilbert.

 

 

 

Theo truyền hình nhà nước Iran, bà đã được thả vào tối thứ Tư để đổi lấy ba tù binh người Iran bị giam giữ ở nước ngoài.

 

 

Trong một thông cáo, Tiến sĩ Moore-Gilbert cảm ơn chính phủ Úc đã làm việc không mệt mỏi để giành lấy sự tự do cho bà, cũng như cảm ơn những người ủng hộ trong suốt “thử thách lâu dài và đau thương”.

 

 

Bà nói  “Tôi không có gì ngoài sự tôn trọng, tình yêu và sự ngưỡng mộ đối với đất nước vĩ đại Iran và những con người có trái tim ấm áp, hào phóng và dũng cảm,”

 

“Tôi rời khỏi đất nước của các bạn với những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, mặc cho những bất công mà tôi đã phải chịu đựng.”

 

“Tôi đến Iran với tư cách một người bạn và với ý định thân thiện, và rời Iran với những tình cảm không những vẫn còn nguyên vẹn mà còn được củng cố.”

 

 

Bà yêu cầu sự riêng tư cho bản thân và gia đình trong “một giai đoạn thích nghi đầy thử thách”.

 

 

 

3 người Iran được cho là đã được Thái Lan thả ra để  đổi lấy  việc thả bà Kylie Moore Gilbert. Nguồn: IRBA

 

 

 

 

Thủ tướng Úc Scott Morrison xác nhận ông đã nói chuyện với Tiến sĩ Moore-Gilbert vào sáng hôm nay và nói rằng “thật tuyệt vời khi nghe giọng của bà ấy”.

 

 

“Các quan chức Úc hiện có mặt bên cạnh bà ấy và hỗ trợ tất cả những gì cần thiết. Bà Kylie sẽ cần phải thích nghi rất nhiều, bà ấy đã trải qua một thử thách khủng khiếp, một thử thách hoàn toàn khủng khiếp,” ông nói trên chương trình Sunrise.

 

 

“Sự bất công của việc bắt giam và kết tội bà ấy, điều mà Úc luôn bác bỏ, và tôi rất vui khi bà Kylie trở về nhà.”

 

 

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Today, ông Morrison từ chối bình luận về việc trao đổi tù binh, nhưng khẳng định không có tù nhân nào được thả tại Úc liên quan đến vụ việc này.

 

 

Ngoại trưởng Marise Payne cho biết bà “vô cùng vui mừng và an tâm” khi thông báo rằng Tiến sĩ Moore-Gilbert đã được thả và sẽ sớm đoàn tụ với gia đình.

 

 

Bà cho biết đây là kết quả của quá trình “can thiệp ngoại giao” với chính phủ Iran, và Tiến sĩ Moore-Gilbert đã yêu cầu giữ bí mật.

 

 

---

 

 

 

Phản ứng nhẹ nhõm xen lẫn tức giận

 

Thượng nghị sĩ Lao động Penny Wong nói rằng bà cảm thấy “rất nhẹ nhõm” khi Tiến sĩ Moore-Gilbert được trả tự do.

 

 

Bà viết trên Twitter “Chúng tôi rất biết ơn công sức của các quan chức tận tâm đã đưa Tiến sĩ Moore-Gilbert về nhà,”

 

“Chúng tôi chúc bà Kylie và những người thân yêu có một buổi đoàn tụ vui vẻ.”

 

 

Một thông cáo từ những người bạn của Tiến sĩ Moore-Gilbert viết rằng: “Một người phụ nữ vô tội cuối cùng cũng được trả tự do. Hôm nay quả thực là một ngày rất tươi sáng ở Úc!

 

“Nhưng chúng tôi muốn nói rõ: Điều này lẽ ra không nên xảy ra. Bà Kylie đã bị chính quyền Iran bắt giữ để đòi tiền chuộc, chế độ này đã bắt một phụ nữ Úc vô tội làm con tin để đưa các tù nhân của mình bị kết án ở ngoại quốc về nước.

 

“Đó là một mô hình hoạt động hèn hạ với những hậu quả khôn lường về con người.”

 

 

Thủ lãnh đối lập Anthony Albanese cho biết việc bà Moore-Gilbert được thả là một “tin tức tuyệt vời”.

 

 

Ông nói  “Thật phẫn nộ khi rõ ràng hành động của chính phủ Iran chẳng khác gì bắt cóc con tin. Bà Kylie Moore-Gilbert là một học giả được kính trọng”.

 

 

---

 

 

 

Tiến sĩ Moore-Gilbert đã bị đưa đến nhà tù Evin ở Tehran vào tháng 9/2018 và bị kết án 10 năm tù về tội gián điệp.

 

 

Áp lực quốc tế đối với Iran trong việc thả Tiến sĩ Moore-Gilbert đã leo thang trong những tháng gần đây, sau khi có báo cáo cho rằng sức khỏe của bà xấu đi trong thời gian dài bị biệt giam, và rằng bà đã được chuyển đến nhà tù khét tiếng Qarchak ở phía đông Tehran.

 

 

Bà là một trong số những người phương Tây bị giam giữ ở Iran với tội danh gián điệp, điều mà các nhóm nhân quyền cho là “vô căn cứ”.

 

 

Bà Moore-Gilbert, mang song tịch Úc và Anh, trước đó đã tuyệt thực và kêu gọi Chính phủ Úc hành động nhiều hơn nữa để giải thoát cho bà.