Một cuộc đánh giá về hệ thống di trú của Úc cho thấy hệ thống này đầy rẫy những hồ sơ xin visa tị nạn và visa sinh viên gian lận. Source: SBS / SBS News / Aaron Hobbs
AUSTRALIA - Chính phủ chuẩn bị thực hiện một loạt cải tổ trong hệ thống di trú sau khi một đánh giá độc lập cho thấy đầy rẫy những kẻ tìm cách lợi dụng visa nhân đạo chỉ nhằm kéo dài thời gian ở Úc.
Chính phủ liên bang đã đề ra kế hoạch đóng cửa hệ thống đối với những người tìm cách lạm dụng - nhưng có những câu hỏi đặt ra là kế hoạch đó sẽ hiệu quả đến mức nào.
Theo hệ thống di trú hiện nay, bất kỳ ai đến Úc đều có thể nộp đơn yêu cầu được bảo vệ hoặc "xin tị nạn".
Và mặc dù chúng ta hay nghe về các trường hợp xin tị nạn đến Úc bằng thuyền, nhưng đại đa số những người xin tị nạn Úc thường đến bằng máy bay, và nộp hồ sơ trên đất liền.
Thời gian xử lý các đơn như vậy trung bình mất hơn hai năm. Và khi phải kháng cáo tại nhiều tòa án và cơ quan phân xử khác nhau, thời gian để một hồ sơ xin tị nạn hoàn toàn được giải quyết có thể mất gần một thập niên.
Một đánh giá gần đây về hệ thống nhập cư của Úc của cựu cảnh sát trưởng Victoria Christine Nixon đã phát hiện ra những vấn đề nghiêm trọng, mang tính hệ thống và phổ biến trong hệ thống thị thực của Úc.
Điều đó bao gồm việc nhiều người đã lạm dụng hệ thống visa tị nạn bằng cách nộp đơn xin tị nạn vô căn cứ dù biết rằng cuối cùng họ sẽ bị từ chối, mục đích chỉ để kéo dài thời gian sống tại Úc.
Trong thời gian chờ đợi hồ sơ được xét duyệt, họ nhận được thị thực bắc cầu và được cấp quyền làm việc. Nghĩa là những người lạm dụng hệ thống lại có thể làm việc hợp pháp tại Úc tới một thập kỷ chỉ bằng cách đưa ra những yêu cầu vô căn cứ.
Bà Nixon nhận thấy vấn đề về cơ bản là tự kéo dài, vì sự chậm trễ trong hệ thống sẽ kéo dài thời gian một người có thể ở lại Úc và điều đó càng khuyến khích những người khác nộp đơn vô căn cứ tương tự.
Trong năm 2021-22, 89% đơn xin thị thực bảo vệ trên đất liền đã bị từ chối.
Vấn đề này đã được biết đến từ năm 2019, khi Lực lượng Biên phòng lúc đó đang nỗ lực giải quyết những gì được mô tả là "lừa đảo có tổ chức" liên quan đến du khách Malaysia.
Theo số liệu trong bản đánh giá của Nixon, gần một phần ba tổng số đơn xin thị thực bảo vệ trong năm 2018-19 đến từ Malaysia. Chỉ 1% trong số những đơn đó cuối cùng sẽ được chấp thuận.
Đơn xin thị thực từ Libya, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Afghanistan đều có tỷ lệ chấp thuận trên 70%.
Những thay đổi sắp tới trong hệ thống visa tị nạn
Chính phủ đã công bố ba thay đổi quan trọng vào đầu tháng này để cố gắng giải quyết những sai sót của hệ thống.
Đầu tiên, các đơn xin bảo vệ mới sẽ được giải quyết ngay lập tức, thay vì phải xếp hàng dài hàng năm trời. Mục đích là loại bỏ động cơ khuyến khích mọi người nộp đơn như một cách kéo dài thời gian.
Những hồ sơ vẫn hiện tại sẽ vẫn được giải quyết theo thứ tự.
Thứ hai, 10 thẩm phán mới sẽ được bổ nhiệm vào Tòa án Liên bang và 10 thành viên mới vào Tòa Phúc thẩm Hành chính, đây là hai cơ quan giải quyết phần lớn hồ sơ tồn đọng.
Và cuối cùng, 48 triệu đô la sẽ được trao cho các dịch vụ hỗ trợ pháp lý nhằm giúp đỡ những người xin tị nạn và những di dân dễ bị tổn thương khác đang bị người khác ép buộc nộp đơn vô căn cứ.
Các khuyến nghị khác từ Christine Nixon vẫn chưa được thực hiện, bao gồm yêu cầu một số đơn xin thị thực bảo vệ chỉ được thông qua luật sư hoặc đại lý di trú.
Bà Nixon cũng đề nghị xem xét cách tiếp cận của Canada trong việc nhanh chóng từ chối các đơn đăng ký mà không có quyền kháng cáo nếu họ không đạt yêu cầu kiểm tra tính cách.
Hội đồng Người tị nạn hoan nghênh những thay đổi này, lập luận rằng bất cứ điều gì có thể làm giảm thời gian xử lý đơn xin tị nạn sẽ cải thiện đáng kể cuộc sống của những người đang chờ đợi đơn xin tị nạn được thông qua.