Bộ Trưởng Ngoại giao Úc Đại Lợi, Marise Payne (bên trái) tại cuộc hộp Đối Thoại An Ninh Bộ Tứ - Quadrilateral Security Dialogue, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Nguồn: Getty Images
Lần đầu sau hơn 10 năm, Úc tham gia cuộc tập trận cùng với hải quân Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản – một động thái có lẽ sẽ làm cho bang giao với Trung Quốc thêm căng thẳng.
Tại cuộc họp mới đây được tổ chức tại Tokyo giữa bộ tứ kim cương Úc-Mỹ-Ấn-Nhật, Ấn Độ đã ngỏ lời mời Úc tham gia cuộc tập hải quân Malabar trong Vịnh Bengal vào tháng 11.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Linda Reynolds đưa ra một thông cáo nói rằng những cuộc tập trận như Malabar sẽ giúp cải tiến tiềm năng hàng hải của Úc và cho thấy Úc ủng hộ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hướng ngoại và thịnh vượng.
Ngoại trưởng Úc bà Marise Payne nói sự tham gia của Úc sẽ tăng cường khả năng hợp tác giữa 4 nước đồng minh.
Chuyện này đã đảo ngược quyết định cách đây 12 năm của Thủ tướng Kevin Rudd, nhưng bây giờ thì ông đã đổi ý, nói rằng đây là một diễn tiến tích cực.
"Chúng tôi vào lúc đó đã được khuyến khích nên tham gia tập trận với Ấn Độ, cũng như mở rộng hợp tác, nhưng chiến lược của chúng ta đã thay đổi trong 10 năm qua. Hồi đó Ấn Độ, Nhật Bản, chính phủ Howard và Hoa Kỳ đều không mặn mà lắm với sáng kiến thành lập tứ cường của thù tướng Nhật Shinzo Abe."
Tuy nhiên các nhà quan sát nghĩ rằng Úc tham gia tập trận Malabar có nguy cơ làm cho bang giao với Trung Quốc thêm căng thẳng.
Nhưng Sam Roggeveen, từ viện nghiên cứu Lowy Institute, không nghĩ rằng đây là liên minh chống lại Trung Quốc.
"Trung Quốc chắc chắn tham vọng hơn cho nên làm cho Úc lo lắng, cũng như ba npước còn lại trong cuộc tập trận. Nhưng cả bốn nước này đều có một điểm chung vô cùng quan trọng là giao thương với Trung Quốc. Mối quan hệ đó quan trọng đến nỗi tôi không nghĩ rằng có nước nào trong nhóm tứ cường đó muốn gây phương hại cho nó đâu."
Hàm Không Mẫu Hạm John C. Stennis của Hoa Kỳ trong cuộc tập trận Malabar, giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, ngoài khơi bờ biển Okimawa vào ngày 15/6/2016. Nguồn: Getty Images
Thực ra sau khi rút ra khỏi cuộc tập trận Malabar hàng năm từ năm 2008, Canberra đã muốn quay lại vào năm 2017, nhưng Ấn Độ không chịu.
Nay thì bang giao giữa Ấn Độ và Úc được cải thiện nhiều, và sự nhích lại gần hơn của nhóm tứ cường xảy ra trong bối cảnh xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn.
Chuyên gia về quốc phòng Ấn Độ, Dr Jagannath Panda tin rằng chuyện đó đã khiến Ấn Độ muốn mời Úc tham gia tập trận.
"Luôn có một khoảng cách giữa Ấn Độ và Úc, nhưng khoảng cách đó đã được thu hẹp nhờ thái độ hung hăng của Trung Quốc, và nhờ Ấn Độ đánh giá lại tình hình trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cả hai nước nay thấy là cùng bảo vệ quyền lợi cho nhau là điều nên làm."
Học giả Sam Roggeveen của Lowy Institute, thì dè dặt hơn, nói phải chờ xem phản ứng của Trung Quốc như thế nào.
"Trung Quốc thường có phản ứng mạnh trước những chuyện như thế này, ít ra là cũng bằng ngôn từ, và chắc chắn sẽ có nhiều chỉ trích từ truyền thông nhà nước Trung Quốc. Chúng ta phải chờ xem liệu Bắc Kinh có đi xa hơn là lời nói hay không? Có trả đũa bằng kinh tế hay không? Có tăng cường ảnh hưởng trong khu vực hay không?"
Một số nhà bình luận nói tập trận chung 4 bên là dấu mốc quan trọng để bộ tứ kim cương Mỹ-Nhật-Ấn-Úc có thể tiến đến việc xây dựng một liên minh kiểu như NATO của châu Á.
Hiện nay, cả 4 nước này đều đã ký kết với nhau thỏa thuận Thu nhận và Dịch vụ Hỗ tương (ACSA) hoặc thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần (LEMOA), cho phép quân đội của các nước có thể sử dụng căn cứ quân sự của nhau, hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chia sẻ hậu cần, vận tải (bao gồm cả hàng không), và hệ thống thông tin liên lạc.
Không những vậy, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) cũng đã được ký kết song phương giữa các nước: Mỹ-Nhật, Mỹ-Ấn, Mỹ-Úc, Nhật-Ấn.
Tuy Nhật và Úc không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA, nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản, do đó Tokyo và Canberra vẫn có thể chia sẻ thông tin tình báo.