Úc đang chuẩn bị trình lên Nghị viện dự thảo Luật Quan hệ Đối ngoại nhằm giúp tăng cường kiểm soát sự hợp tác giữa những đơn vị, địa phương trong nước với các tổ chức và chính phủ nước ngoài
Một lớp học tại Viện Khổng Tử ở Đại học Queenland. Ảnh: University of Queensland
Theo quy định mới, Ngoại trưởng Úc được phép hủy bất kỳ thỏa thuận nào một khi xét thấy đe dọa đến lợi ích quốc gia, đi ngược lại các mục tiêu chính sách đối ngoại và gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa xứ chuột túi với phần còn lại của thế giới. Nếu được thông qua vào cuối năm nay, luật mới sẽ áp dụng cho tất cả thỏa thuận ký kết giữa chính quyền các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc, hội đồng địa phương hoặc hệ thống trường đại học công trong nước với chính phủ hoặc thực thể nước ngoài trên các lĩnh vực văn hóa, nghiên cứu khoa học, du lịch, y tế, giáo dục, thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chính phủ liên bang sẽ lập sổ đăng ký đối với tất cả những thỏa thuận hiện có để Ngoại trưởng Úc xem xét. Theo Thủ tướng Scott Morrison, có ít nhất 130 thỏa thuận giữa các cơ quan nhà nước với 30 quốc gia khác nhau bị ảnh hưởng bởi luật mới. Nằm trong danh sách có thể bị hủy bỏ là hoạt động thành phố kết nghĩa, các bản ghi nhớ cũng như tất cả thỏa thuận có hoặc không ràng buộc về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó, Viện Khổng Tử tại Đại học Queensland cũng sẽ được chính quyền cân nhắc kỹ khi đây là tâm điểm cho những tranh cãi về vi phạm luật chống can thiệp nước ngoài đối với giáo dục đại học bản địa. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Úc Michael McCormack cho biết chính phủ liên bang nhiều khả năng sẽ “lật ngược” dự án viễn thông ký kết riêng giữa bang Victoria với Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Thỏa thuận này từng khơi mào tranh cãi giữa Thủ tướng Morrison và Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew khi tiểu bang phía Đông Nam bị cho đi ngược chủ trương liên bang là phải cẩn trọng với các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt lệnh cấm Bắc Kinh dự thầu mạng 5G cũng như mạng lưới điện của Úc vì lý do an ninh.
Nhưng cũng theo luật mới, Chính phủ Morrison không thể hủy giao dịch giữa chính quyền tiểu bang với các công ty thương mại hoặc doanh nghiệp nhà nước. Điều này đồng nghĩa hợp đồng Úc cho một công ty Trung Quốc thuê cảng chiến lược Darwin trong 99 năm sẽ không bị ảnh hưởng.
Không nhắm đến Trung Quốc
Dự thảo luật mới tăng cường kiểm soát hoạt động đối ngoại được Úc công bố giữa lúc Canberra ngày càng bất an trước những cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách “chia để trị” thông qua việc mở rộng ảnh hưởng cấp địa phương nhằm tạo ra hành lang thân Bắc Kinh. Song, Thủ tướng Morrison hôm 27-8 khẳng định dự luật này không nhằm vào Trung Quốc và mục đích của Úc chỉ là muốn đảm bảo các cấp chính quyền hành động nhất quán trong nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia. Theo ông Morrison, Úc còn đang cân nhắc tăng cường sàng lọc đầu tư nước ngoài, bất kể quy mô của thỏa thuận, trong các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng, công nghệ và sản xuất quốc phòng.
Phát biểu về quan hệ Trung - Úc hiện nay, Phó trưởng phái bộ Trung Quốc tại Canberra Wang Xining hôm 26-8 cảnh báo “bóng đen” đang phủ lên quan hệ song phương. Một mặt, quan chức này bác bỏ cáo buộc Bắc Kinh “chèn ép kinh tế” và cố can thiệp vào chính trường Úc. Mặt khác, ông nhắc lại việc chính quyền Morrison thúc giục điều tra nguồn gốc của COVID-19 thực ra chỉ muốn nhắm vào Trung Quốc.