Source: Getty Images
Cơ quan giám sát cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng ACCC ước đoán hàng ngàn người Úc đã bị lừa đảo mất 91 triệu đôla và cảnh báo mọi người đặc biệt cẩn thận trong thời buổi đại dịch.
Đại dịch khiến cho cuộc sống của nhiều người thay đổi, đơn giản là họ ở nhà và lên mạng nhiều vì phải làm việc từ nhà hoặc để giải trí.
Một cuộc khảo sát tìm thấy hành vi trên mạng của người Úc đã thay đổi trong suốt thời gian bị phong tỏa vì coronavirus.
Điều đó có nghĩa nhiều người có nguy cơ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo.
Delia Rickard của Cơ quan giám sát cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, ACCC, cho biết đây là lúc để những kẻ lừa đảo kiếm tiền.
"Bọn lừa đảo đang lợi dụng đại dịch. Chúng biết đa số người ta ở nhà, lên mạng nhiều hơn, và nhiều người gặp khó khăn tài chánh. Chúng lợi dụng các chương trình hỗ trợ của chính phủ mà nhiều người không hiểu hoạt động như thế nào. Thế là chúng gọi điện thoại, email, hoặc nhắn tin nói rằng chúng có thể giúp để nhận tiền của chính phủ và yêu cầu cung cấp những thông tin cá nhân để có thể giả danh bạn."
Cơ quan ACCC ước đoán người Úc đã bị lừa đảo 91 triệu đôla, 22 triệu đôla sau khi nạn nhân bị giả danh. Có 1 người bị lừa mất 62.000 đôla, 1 người khác bị lừa 181.000 đôla.
Thám tử tư Julia Robson cho biết nhiều người bị lừa tình.
"Vì covid nên không phải gặp mặt cũng là cái hay. Nhưng vì ở trên mạng lâu hơn nên kẻ lừa đảo có thể dụ dỗ và xin tiền, rồi hứa hẹn một cuộc sống mới. Nạn nhân từ từ bị hút vào một cuộc tình để rồi nhận ra đã bị bòn rút hết tiền."
Đó là những gì đã xảy ra cho bà Jan Marshall, chỉ trong vòng 5 tuần lễ bà đã bị lừa mất hơn 200.000 đôla.
"Chúng làm cho bạn cảm thấy đặc biệt lắm, nói toàn những câu tình tứ bạn ít khi nào nghe được hàng ngày, nó đánh vào tim bạn, vào nhu cầu tìm người tri kỷ, một người yêu thương bạn, và đối xử thật đặc biệt với bạn."
Mohammad El-Khafaji là Giám đốc Điều hành của Hội đồng Các Sắc Tộc Úc (FECCA) cho biết các cộng đồng đa văn hóa dễ trở thành nạn nhân vì trở ngại ngôn ngữ.
"Trở ngại ngôn ngữ và không hiểu biết luật lệ. Khi nhận được một email nói rằng từ Bộ nội Vụ gởi tới đòi người ta nộp phạt nếu không sẽ bị bắt giam, người ta sẽ sợ lắm, không còn ứng xử sao cho đúng nữa. Vì vậy giáo dục cộng đồng là rất quan trọng để họ biết thế nào là bình thường, thế nào là lừa đảo. Chúng ta cần trang bị kiến thức cho cộng đồng để họ biết có thể làm gì khi cần trợ giúp."
Thống kê cho thấy các vụ giả danh tăng 55 phần trăm trong năm nay.
Những kẻ lừa đảo ăn cắp những thông tin như số quỹ hưu trí, số trương mục ngân hàng, số bằng lái xe, số Medicare, để cộng lại đủ 100 điểm xác nhận danh tính của một người cần có để mở trương mục ngân hàng hay xin thẻ tín dụng.
Thông dụng nhất là kẻ lừa đảo giả dạng người của chính phủ liên lạc qua điện thoại, email hay tin nhắn. Khi nhận được đừng mở email ra hay trả lời tin nhắn, mà hãy trình báo cho ScamWatch.gov.au