Nguồn: unplash image

 

 

 

 

Bị quỵt tiền, xù nợ không phải hiếm gặp trong làm ăn, nhất là đối với giới tiểu thương vì muốn giữ khách hoặc cả nể mà cho khách hàng thiếu nợ để rồi không đòi được tiền. Luật pháp Úc có những biện pháp khiến con nợ phải trả tiền, làm cách nào?

 

 

 

Việc thiếu nợ, quỵt nợ, xảy ra dưới nhiều hình thức, chẳng hạn giao hàng may gia công nhưng khách hàng không trả tiền, giao hàng hóa cho cửa hàng bán lẻ nhưng chủ hàng sau đó không trả tiền, hoặc trong lĩnh vực xây dựng, các chủ thầu sau khi hoàn thành dự án không trả tiền cho những chủ thầu điện nước, xây dựng…

 

 

Trình tự đòi tiền như thế nào?.

 

Theo luật sư Andie Lâm ở Sydney giải thích, quy trình tố tụng phải tiến hành từ cấp Tòa án địa phương (Local court), hoặc tòa cấp quận (District court), tiếp theo là ở cấp tòa án liên bang (Federal court).

 

 

 

Luật sư Andie giải thích  “Sẽ có hai trường hợp, là giao dịch làm ăn có hợp đồng và giao dịch không có hợp đồng, ví dụ như khách hàng là người quen mua 500 bao gạo để bán lẻ và không viết hợp đồng,”

 

“Trong trường hợp đó, hóa đơn giao hàng cũng được xem là một bằng chứng của việc giao dịch mua bán.”

 

 

Tuy nhiên luật sư Andie Lam khuyên rằng nên nhờ sự hỗ trợ từ phía luật sư ngay từ đầu vì quy trình tố tụng khá phức tạp. Nếu không làm đúng thủ tục thì có nguy cơ không đòi được tiền.

 

 

 

Bước 1: Gửi thư đòi tiền.

 

Khi một khách hàng không chịu trả tiền, việc đầu tiên là chủ nợ phải gửi thư đòi nợ. Điều cần chú ý là trong thư cần nêu rõ 3 yếu tố: số tiền thiếu nợ, thời hạn phải trả nợ và hành động nếu không trả nợ.

 

 

“Ví dụ với chuyện mua gạo như trên, trong thư đòi nợ cần ghi rõ những chi tiết là khách hàng thiếu tôi $5,000, tôi cho anh thời hạn 14 ngày để trả tiền nếu không sẽ tiến hành kiện.”

 

 

 

Bước 2: Tiến hành khởi kiện tại Tòa Địa phương hoặc Tòa án cấp Quận.

 

Sau khi đã gửi thư đòi nợ nhiều lần nhưng không thành công thì chủ nợ bắt đầu tiến trình tố tụng ở Tòa án địa phương, nhưng cần lưu ý rằng Tòa án địa phương chỉ tiếp nhận đơn kiện với số tiền thiếu nợ tối đa là $100,000. Nếu cần đòi số tiền lớn hơn thì quy trình tố tụng phải được tiến hành ở Tòa án cấp Quận.

 

 

Trong thư gửi lên Toà án cần ghi rõ lý do vì sao khởi kiện, chi tiết quá trình bán hàng và giao hàng, người mua đã không trả tiền như thế nào.

 

 

Luật sư Lâm nói “Chúng ta cần phải viết đầy đủ, chi tiết và dễ hiểu vì nếu tòa đọc không hiểu họ sẽ bác đơn, và khi đó mình phải thảo đơn kiện lại sẽ rất mất thời gian”.

 

 

Thế nhưng thậm chí khi Tòa án đã đồng ý với đơn kiện, họ cũng không có nghĩa vụ đi đòi nợ giúp. Nghĩa là toà án chỉ làm nhiệm vụ đồng ý với những thông tin trong đơn kiện, còn nhiệm vụ đòi nợ là của chủ nợ.

 

 

Vậy làm cách nào để đòi được tiền?.

 

Luật sư Lâm nói. “Lấy được án lệnh của Toà chỉ là bước đầu tiên, nhưng làm sao siết nợ đó thì đó là nhiệm vụ của mình, có nghĩa là mình phải tự đi đòi nợ,”

 

“Mình phải điều tra khách hàng có khả năng chi trả hay không, chẳng hạn có tài sản như nhà đất, xe…”

 

 

Theo luật sư Andie Lam, có hai cách để ép khách hàng phải trả nợ.

 

Nếu khoản nợ vượt quá $5000 thì chủ nợ nên nộp đơn lên tòa án liên bang ép con nợ phá sản để người đó sau này không thể vay tiền kinh doanh.

 

 

Nếu khách hàng thiếu nợ là công ty, thì chỉ cần khoản nợ hơn $2000 là đã có thể nộp đơn lên Toà Án liên bang yêu cầu công ty giải thể.

 

 

Việc bị phá sản hay giải thể sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, muốn kinh doanh sau này cũng không thể vay tiền ngân hàng, nên đây được xem là một cách thức buộc họ phải xem xét việc trả nợ.

 

 

Thế nhưng, “đừng để mất bò mới lo làm chuồng” là lời khuyên của luật sư, người kinh doanh luôn phải biết quản lý nợ ngay từ đầu, phải làm hợp đồng, hóa đơn phải ghi rõ nghĩa vụ bên mua phải trả tiền trong vòng bao nhiêu ngày sau ngày giao hàng.

 

“Tôi hiểu tâm lý của những doanh nghiệp nhỏ, mỗi khi có khách hàng sẽ rất vui, muốn làm để có khách. Nhưng ít nhất họ phải trả trước một phần, nếu không thì không nên tiếp tục làm ăn.”