Ảnh: (AAP Image/Mick Tsikas)

 

 

 

AUSTRALIA - Sau một tuần lễ tranh cãi nảy lửa thì cuối cùng Đảng Quốc gia cũng đã xác nhận họ sẽ ủng hộ Thủ tướng trong kế hoạch tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây được xem là một thành tựu lớn đối với ông Scott Morrison, trước khi ông lên đường đến tham dự cuộc họp Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow vào cuối tuần này.

 

 

Liên đảng cuối cùng đã đạt được đồng thuận về cam kết chống thay đổi khí hậu sau nhiều năm chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, nhưng họ vẫn chưa công bố về những chi tiết trong thỏa thuận này.

 

 

Phó Thủ tướng Barbaby Joyce trả lời phóng viên vào tối Chủ nhật ngày 24/10 rằng đảng ông cuối cùng cũng đạt được sự đồng thuận về mục tiêu khí hậu của Úc.

 

“Chúng tôi đều ủng hộ tiến trình dẫn tới mục tiêu phát thải từ nay cho đến năm 2050. Rõ ràng là điều đó dựa trên những gì chúng tôi nhìn thấy ở sự đồng thuận trong nội các phản ánh qua những cuộc đối thoại và sự đồng thuận giữa tôi và Thủ tướng.”

 

 

Một số dân biểu đảng Quốc gia vẫn giữ thái độ không ủng hộ vì họ cho rằng mục tiêu phát thải càng cao thì càng gây tổn thất cho vùng nông thôn của Úc. Thế nhưng sau một tuần tranh cãi nảy lửa để đưa ra những mục tiêu khí hậu của Úc trước các áp lực ngày càng gia tăng từ phía quốc tế, cuối cùng Đảng Quốc gia cũng đã có thông báo rằng họ sẽ ủng hộ Thủ tướng.

 

 

Sự ủng hộ của đảng đã dọn đường cho Thủ tướng để có thể đưa ra cam kết chính thức khi ông đến Glasgow vào cuối tuần này cho cuộc họp Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26, cuộc họp được xem là có ý nghĩa sống còn để cứu trái đất.

 

 

Nếu không giành được sự ủng hộ của Đảng thì đây có thể là một nỗi xấu hổ đối với ông Morrison tại Hội nghị COP26.

 

 

Trên Twitter, ông Morrison nói ông rất vui mừng trước tin tức này.

 

“Chúng tôi nhận thấy rằng đây là vấn đề gây thách thức cho đảng Quốc gia. Tôi cảm ơn phó thủ tướng vì tinh thần lãnh đạo của ông ấy và cảm ơn các đồng nghiệp đã ủng hộ. Tôi tôn trọng tiến trình họ đã thực hiện để đạt được sự đồng thuận.”

 

Các dân biểu Quốc gia đã nhóm họp 2 tiếng vào chiều Chủ nhật ngày 24/10, để đưa ra những điều kiện trên sự đồng thuận về nguyên tắc, thế nhưng ông Barnaby Joyce vẫn chưa tiết lộ những điều kiện này là gì, ông nói đó là ‘sự riêng tư’.

 

 

Ông cũng từ chối cho biết liệu sự đồng thuận nội các có nằm trong thoả thuận này không.

 

 

Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đã là đề tài trong nhiều năm và là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc trong Liên đảng, vì có những lo ngại mục tiêu này có thể ảnh hưởng đến vùng nông thôn nước Úc.

 

 

Bản thân ông Joyce cũng từng bày tỏ sự nghi ngờ về chính sách này trong một thời gian dài -  và giờ đây ông cũng từ chối đưa ra bình luận cá nhân ông có ủng hộ kế hoạch hay không.

 

 

Trước các phóng viên ở Canberra vào thứ Hai, ông lặp lại khẳng định rằng Đảng Quốc gia đã không có lựa chọn nào ngoài việc đồng ý với thoả thuận.

 

“Tôi 100% ủng hộ quyết định của đảng. Tôi tin rằng đó là điều tốt nhất cho vùng nông thôn nước Úc, cho các nông gia, cho các thị trấn ở vùng nông thôn và những khu mỏ.”

 

 

 

Ông Joyce hiện từ chối tiết lộ những điều kiện của thoả thuận nhưng ông nói việc đàm phán đã bảo đảm cho ra một kết quả tốt về mặt bảo đảm việc làm và ngành kỹ nghệ ở vùng nông thôn Úc, ngoài ra dự kiến cũng sẽ có đầu tư vào công nghệ và những khuyến khích cho vùng nông thôn.

 

 

Phó thủ lãnh đảng Quốc gia David Littleproud nói ông hi vọng những chi tiết về kế hoạch sẽ được tiết lộ vào ngày mai 26/10. Ông gọi kế hoạch này là rất “thực tế” và cho biết thoả thuận này sẽ có lợi cho vùng nông thôn Úc cả bây giờ và sau này.

 

“Đảng tôi đã đạt được sự đồng thuận để không chỉ bảo vệ mà còn phát triển được những công việc cho vùng nông thôn trong tương lai. Phải đối mặt với những cam kết quốc tế nhưng vẫn phải bảo đảm người dân vùng nông thôn Úc được tham gia vào tiến trình. Chi tiết kế hoạch sẽ phải theo một tiến trình thông qua nội các vào tối nay nhưng ngay khi được thông qua nó sẽ được trình lên chính phủ. Chúng tôi đã rất tin tưởng vào lộ trình đưa công nghệ vào việc làm giảm khí thải và đồng thời vẫn giữ được việc làm và còn tạo ra việc làm mới.”

 

 

 

Nhưng lãnh tụ đối lập Lao động Anthony Albanese thì nói chính phủ phải cho người dân được tham gia nhiều hơn vào mục tiêu khí hậu.

 

“Điều bất thường không nằm ở chỗ ông Scott Morrison không ở trong phòng họp khi các quyết định được đưa ra về tương lai kinh tế và môi trường Úc, mà nằm ở chỗ người dân Úc bị loại ra khỏi diễn tiến cuộc tranh luận. Người dân Úc không hề được biết về những gì được gọi là mục tiêu hướng tới, cuộc tranh cãi đang xoay quanh vấn đề gì. Cứ như người Úc không có dính dáng gì tới nó vậy, mặc dù thực ra tất cả điều liên quan đến người dân.”