Hình ảnh minh diễn trong một phòng thí nghiệm. Nguồn: SBS
AUSTRALIA - Các khoa học gia Úc đã tạo ra bước đột phá đầu tiên trên thế giới trong việc tạo ra các tế bào gốc máu, được chế tạo trong phòng thí nghiệm có cấu trúc gần giống với các tế bào gốc được tìm thấy trong cơ thể con người. Họ cho biết khám phá này một ngày nào đó có thể chấm dứt việc tìm kiếm những người hiến tủy xương 'hoàn toàn phù hợp', thường cần thiết để điều trị cho những người mắc bệnh bạch cầu nghiêm trọng và các rối loạn về máu.
Ông Gaurav và bà Sonali Mahajan sống tại Melbourne, khi còn ở Ấn Độ họ lần đầu tiên nhận thấy vết bầm tím trên chân con gái mình.
Riya, lúc đó 11 tuổi, cũng bị sốt và cảm thấy mệt mỏi.
Các xét nghiệm cho thấy lượng tiểu cầu trong máu của cô bé cực kỳ thấp, mức bình thường là từ 150.000 đến 450.000, lượng tiểu cầu của Riya là 4.000.
Phát hiện này đã đẩy nhanh quá trình trở về Úc của gia đình.
Ông Gaurav cho biết họ đã lên chuyến bay đến Melbourne, sau khi tình trạng của Riya được coi là đủ ổn định để cô bé có thể đáp máy bay.
Gaurav nói “Ngay khi xuống máy bay, chúng tôi đã đến thẳng bệnh viện. Mọi thứ rất căng thẳng và có chút sốc đối với mọi người trong gia đình".
"Nó hoàn toàn bất ngờ, con bé không hề ốm yếu hay gì cả, mà rất bình thường”.
Riya bắt đầu điều trị tại Bệnh viện Nhi Hoàng gia Melbourne, chỉ vài ngày sau khi trở về Úc
Riya nói "Tôi chỉ bối rối và hơi sợ do tiến trình điều trị khá khó khăn đối với cơ thể, bạn sẽ buồn nôn và đau đớn”.
Sau gần sáu tháng điều trị, bao gồm cả việc truyền máu cách ngày, cô bé đã được đề nghị ghép tủy xương
Ông Gaurav cho biết việc tìm người hiến tặng hoàn toàn phù hợp, là một nhiệm vụ khó khăn và gian khổ.
Ông nói "Chúng tôi chỉ chờ xem có tìm được tế bào phù hợp không, nên rõ ràng đây là thời điểm rất căng thẳng và lo lắng”.
Sau nhiều tháng chờ đợi, mẹ của Riya đã vào cuộc và trở thành người hiến tặng cho con gái mình, mặc dù chỉ có 50% là phù hợp về mặt di truyền.
Ca ghép đã thành công nhưng không có người hiến tặng hoàn hảo, Riya đã gặp biến chứng và phải cách ly trong bệnh viện trong ba tháng.
Ông Gaurav nói "Bên cạnh khó khăn về thể chất, còn có khía cạnh tinh thần nữa. Cháu không thể gặp bất kỳ đứa trẻ nào khác trong sáu tháng”.
Lần đầu tiên trên thế giới, các khoa học gia Úc đã tạo ra tế bào gốc máu được chế tạo trong phòng thí nghiệm, tương tự như tế bào ở người và cấy ghép thành công vào chuột.
Họ cho biết các phương pháp điều trị trong tương lai có thể bao gồm lấy mẫu da, máu hoặc tóc của bệnh nhân, lập trình lại tế bào của chúng và sau đó truyền lại cho bệnh nhân.
Giáo sư Ed Stanley từ Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch, đã tham gia vào cuộc nghiên cứu này.
Giáo sư Ed Stanley nói "Công nghệ này có khả năng được sử dụng để tái tạo tế bào máu và cung cấp cho họ tủy xương hoạt động trở lại”.
Trong khi đó các chuyên gia nghiên cứu thừa nhận rằng, các nghiên cứu trên động vật không hoàn hảo và các thử nghiệm lâm sàng trên người, sẽ diễn ra trong khoảng năm năm nữa.
Nhưng khám phá của họ một ngày nào đó, có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt người hiến tặng.
Giáo sư Elizabeth Ng, một chuyên gia nghiên cứu, cho biết công nghệ này cũng có thể làm giảm các tác dụng phụ, mà những người không tìm được người hiến tặng hoàn toàn phù hợp phải chịu.
Giáo sư Elizabeth Ng nói "Họ sẽ có thể phục hồi và xây dựng lại hệ thống máu sau khi điều trị, mà không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào thường gặp ở tế bào gốc máu, mà họ nhận được từ người hiến tặng”.
Các chuyên gia nghiên cứu cho biết, tốc độ và chi phí của công nghệ là những rào cản cần phải vượt qua, nhưng gia đình Mahajan nói rằng công nghệ này có thể thay đổi cuộc sống của những gia đình như họ.
(Theo SBS)