Thủ tướng Anthony Albanese trong cuộc họp báo ở Sydney, Thứ Bảy, ngày 9 tháng 12 năm 2023. (AAP Image/Brent Lewin) KHÔNG LƯU TRỮ. Nguồn: AAP / BRENT LEWIN/AAPIMAGE

 

 

AUSTRALIA - Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc rà soát đánh giá quan trọng đầu tiên về hệ thống sau 35 năm cho thấy hệ thống nhập cư của Úc đã bị “hỏng” và cần 10 năm để xây dựng lại các lĩnh vực bao gồm di cư có tay nghề và các biện pháp bảo vệ chống lại sự bóc lột.

 

Hơn bảy tháng sau kết quả của cuộc rà soát hệ thống nhập cư, Thủ tướng Albanese cho biết chính phủ đã rất gần với việc công bố chiến lược mới.

 

Báo cáo dài 200 trang, do cựu giám đốc dịch vụ công Martin Parkinson dẫn đầu, đã nêu ra trường hợp cần “cải cách lớn” hệ thống để ngăn Úc trở thành một quốc gia của những cư dân "mãi mãi nằm diện tạm thời”, diện mà dễ xảy ra tình trạng bị bị bóc lột và trả lương thấp.

 

Đánh giá lớn đầu tiên về hệ thống nhập cư sau 35 năm cho thấy di dân có tay nghề với visa tạm thời đã giúp lấp đầy khoảng trống kỹ năng lao động, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng nhận thấy rằng nó "không nhắm mục tiêu một cách hiệu quả đến nhu cầu hiện tại hoặc tương lai" của Úc.

 

Báo cáo cũng cho thấy tình trạng tồn đọng hồ sơ nhập cư và hệ thống công nghệ lỗi thời trong Bộ Nội vụ phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

 

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết những phát hiện đó sẽ được phản ánh trong chiến lược di cư của chính phủ trong tuần này, Thứ Hai, 11 tháng 12.

"Chúng tôi có Tiến sĩ Martin Parkinson, cựu lãnh đạo Văn phòng Thủ tướng và Nội các, đã phát hiện ra rằng việc bỏ bê hệ thống là một quyết định có chủ ý và nó đã bị hư hỏng nghiêm trọng, theo ông Parkinson, nó cần phải xây dựng lại trong mười năm. Chúng tôi quyết tâm khắc phục điều này."

 

 

Mười ba tháng sau khi biên giới Úc được mở cửa trở lại cho những người nước ngoài đến, lượng di dân nước ngoài vào Úc đã chiếm 81% mức tăng trưởng dân số trong năm tính đến tháng 3 năm 2023.

 

Dân số đất nước tăng thêm 454.400 người [lên 26,5 triệu] do số lượng người đến so với số người rời đi lớn hơn, phản ánh sự chuyển đổi của sinh viên quốc tế sau hai năm đóng cửa biên giới.

 

Hiệu ứng đó dự kiến sẽ chỉ là tạm thời khi số lượng sinh viên quốc tế rời trường và con số sinh viên nước ngoài ổn định trở lại như mức trước đó.

 

Dự báo ngân sách cho thấy lượng di cư ròng sẽ giảm đáng kể vào cuối năm tài chính này nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch.

 

Ông Albanese cho biết, mức độ tiếp nhận di cư là một điều gì đó, chính phủ liên bang muốn đạt đến mức bền vững.

“Sẽ luôn có một bước nhảy vọt sau COVID về số lượng di cư vào Úc do chúng ta đã đóng cửa biên giới khi đại dịch toàn cầu nổ ra, và số liệu thực về dân số tất nhiên thấp hơn mức dự kiến hiện tại. Điều chúng tôi biết là chúng tôi cần có một hệ thống di cư cho phép Úc có được những kỹ năng mà chúng ta cần, đồng thời phải bảo đảm rằng hệ thống này hoạt động vì lợi ích của tất cả người dân Úc.”

 

Ông cho biết kết quả kiểm tra đánh giá của Parkinson đã xác định được các trường hợp sinh viên quốc tế lợi dụng hệ thống di cư, và chính phủ sẽ tìm cách ngăn chặn điều này.

"Những gì chúng tôi thấy trong Đánh giá Parkinson và các đánh giá khác về di cư đã chỉ ra điều này. Phải chăng trong một số trường hợp, hệ thống đã bị lạm dụng. Mọi người đang đến đây, đăng ký các khóa học không thực sự bổ sung đáng kể cho kỹ năng cơ bản của họ hay vì lợi ích quốc gia ở đây. Vì vậy, nó không có lợi cho các nước láng giềng của chúng ta, cũng không có lợi cho Úc."

 

Khoảng 250.000 cựu sinh viên đang ở Úc bằng nhiều loại thị thực tạm thời sau học tập và đại dịch. Từ tháng 9, thị thực 408 Covid bắt đầu được loại bỏ dần, trước khi hoàn toàn đóng lại vào tháng 2 năm 2024.

 

Người phát ngôn của phe đối lập liên bang về vấn đề nhập cư, Dan Tehan, cho biết sau đại dịch, ông không nghĩ chính phủ đã xử lý tốt chính sách di cư.

"Hãy loại bỏ thị thực COVID bắt đầu từ ngày mai. Đáng lẽ họ phải làm điều đó từ sáu tháng trước. Họ cần giảm số lượng sinh viên quốc tế, lẽ ra họ phải làm điều đó từ nhiều tháng trước. Nhưng những gì chúng tôi thấy là họ ngồi yên vị trên ghế của mình không làm gì cả. Hơn nửa triệu người đến đây trong 12 tháng khi mà bạn đang gặp khủng hoảng tiền thuê nhà, khủng hoảng nhà ở, mọi người không thể gặp bác sĩ gia đình. Đó là một mớ hỗn độn do chính chính phủ tạo ra."

 

Chuyên gia phân tích của Deloitte về vấn đề nhập cư, Fiona Webb cho biết mối liên hệ giữa mức độ di cư và áp lực chi phí sinh hoạt là không rõ ràng.

"Đó thực sự là một vấn đề khó khăn. Nếu bạn nhìn vào nhóm thị thực sinh viên, có một động lực thực sự khiến những người có thị thực sinh viên phải có mặt ở Úc và quay trở lại Úc. Điều đó chắc chắn là gây căng thẳng cho các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế - đặc biệt là nhà ở là một yếu tố quan trọng, nhưng một lần nữa chúng ta phải cân bằng điều đó, rằng bất kỳ người di cư nào của chúng ta cũng là những người đóng góp cho nền kinh tế, từ việc chi tiêu, đóng thuế, đều đem lại lợi ích ròng. Vì vậy, thực sự rất khó để tách bạch những chuyện này khi xem xét yếu tố nào liên quan đến áp lực chi phí sinh hoạt và các yếu tố suy thoái tiềm ẩn."

 

Bà nói rằng sự gia tăng mức độ di cư sau đại dịch là có, nhưng nó không nên bị thổi phồng quá mức.

 

Bà cho biết việc thiết lập đúng chính sách nhập cư tay nghề sẽ là chìa khóa để bảo đảm hệ thống hoạt động tốt.

"Từ góc độ kỹ năng, nền kinh tế của chúng ta vẫn cần có nhiều người đang làm việc và đóng góp hơn. Vì vậy, thật khó để coi di cư là một trong những yếu tố ảnh hưởng dù chắc chắn nó có đóng một vai trò nào đó. Tuy nhiên tính về lợi ích tổng thể của việc di cư Úc, về mặt lực lượng lao động của chúng ta, tất cả phải được tính đến khi chúng tôi xem xét điều này."

 

Chi tiết đầy đủ về cuộc cải tổ hệ thống nhập cư, bao gồm các quy định mới dành cho người có thị thực tạm thời, dự kiến sẽ được Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neil công bố vào thứ Hai 11/12.