Nathan Sabherwal, làm việc tại văn phòng tuyển dụng nhân sự Randstad, nói rằng hiện nay rất khó tìm được công nhân có tay nghề làm việc trong lãnh vực kỹ thuật tại Úc. Ảnh: được cung cấp.
AUSTRALIA - Úc từ lâu đã là điểm đến hàng đầu cho những người lao động có tay nghề cao, nhưng hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác như Canada, Mỹ và Anh, vốn đang tăng cường tiếp nhận di dân và cung cấp những loại visa đặc biệt.
Ông Nathan Sabherwal, chịu trách nhiệm tuyển dụng kỹ thuật viên dữ liệu và chuyên viên phân tích tại cơ quan tuyển dụng Randstad Australia ở Sydney, cho biết rất khó tìm được nhân viên giỏi trong ngành công nghệ vào lúc này.
Ông nói “Nói chung, các công việc được trả từ $800 đến $900 một ngày cách đây một năm rưỡi, với các kỹ năng tương tự, hiện yêu cầu từ $1.100 đến $1.300 một ngày.”
Bản thân ông Sabherwal là một sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ từ Ấn Độ. Ông cho rằng một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là do thiếu lao động nhập cư có tay nghề cao đến Úc vào thời điểm hiện tại, so với trước đại dịch COVID-19.
Ông nói “Mọi người vẫn còn lo lắng về Úc, chúng ta không nhận được số lượng người nhập cư như trong quá khứ.”
Chảy máu chất xám
Kể từ giữa năm 2020, khi sau mở cửa biên giới trở lại, Úc đã mất hơn 600.000 người, 83% trong số này ở độ tuổi lao động, theo phân tích từ Ủy ban Phát triển Kinh tế Úc (CEDA).
Úc dựa vào lao động nhập cư để lấp đầy những vị trí thiết yếu như kỹ sư phần mềm, chuyên viên phân tích kinh doanh, đầu bếp, nhân viên y tế và lập trình viên.
Giám đốc điều hành Hội đồng Công nghệ Úc Kate Pounder cho biết việc tìm kiếm nhân viên công nghệ dường như là một vấn đề đối với các công ty trên khắp thế giới, đặc biệt là sau khi Nga xâm lược Ukraine và các cuộc tấn công mạng gia tăng.
Bà phát biểu tại một hội nghị về di trú của CEDA ở Sydney hồi tháng trước rằng, một giám đốc điều hành toàn cầu đã xác định chỉ có hai quốc gia liên tục đào tạo các nhân viên công nghệ mạng – đó là Mỹ và Ấn Độ – nhưng giờ đây tất cả các nước phương Tây đều cần đến họ.
Trong ngành công nghệ ở Mỹ, di dân Ấn Độ nắm giữ một số vị trí quyền lực nhất, bao gồm Giám đốc điều hành Alphabet (công ty sở hữu Google) Pichai Sundararajan, Giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella, và cựu Giám đốc điều hành Twitter, Parag Agrawal.
Bà Pounder nói “Ở các quốc gia khác, họ xem những di dân Ấn Độ có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ là một cơ hội to lớn, là những người thực sự có giá trị, những người đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các công ty công nghệ toàn cầu,”
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng thực tế là Ấn Độ đang ở ngay ngưỡng cửa của chúng ta, hiện là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất của chúng ta, tôi xem đó là một cơ hội lớn mà Úc có thể hưởng lợi và học theo một số con đường mà chúng ta đã thấy ở phần còn lại của thế giới.”
Tại Úc, hơn 11.000 lao động có tay nghề tạm trú từ tháng 7 đến tháng 9/2022 đến từ Ấn Độ – chiếm hơn 20%. Nhóm lớn thứ hai là Anh với gần 8.000 người (14%) và Philippines với gần 7.000 người (12%).
Các loại visa mới
Vương quốc Anh đã nhận ra tiềm năng của những người lao động có tay nghề cao từ Ấn Độ, với chương trình UK-India Young Professionals Scheme cung cấp 3.000 suất visa hàng năm cho công dân Ấn Độ từ 18 đến 30 tuổi có trình độ học vấn để làm việc trong tối đa hai năm, dự kiến triển khai vào đầu năm 2023.
Bà Pounder cho biết việc làm trong ngành công nghệ ở Úc đã tăng trưởng với tốc độ gấp đôi tốc độ của nền kinh tế trong hơn một thập niên, và không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ dừng lại.
Bà nói “Chúng ta đã thất bại trong việc đào tạo đủ người Úc theo thời gian.”
Bà Pounder cho biết khoảng 2/3 số sinh viên theo học ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) ở Úc là sinh viên quốc tế, và hơn một nửa trong số họ đã rời đi trong vòng hai năm sau khi tốt nghiệp, một phần do yêu cầu về visa khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm vị trí thực tập tại Úc.
Bà nói rằng di dân tay nghề giữ vị trí quan trọng để lấp đầy khoảng trống trong thị trường lao động, trong khi người Úc được đào tạo cho những vai trò này.
Giám đốc điều hành Australia India Institute, bà Lisa Singh ước tính Úc sẽ thiếu khoảng 100.000 kỹ sư vào năm 2030, mặc dù có một nửa số kỹ sư nhập cư ở Úc đang làm việc trái ngành hoặc thất nghiệp.
Bà nói rằng cần phải có những biện pháp tốt hơn để giúp kết nối ngành kỹ nghệ với những di dân có tay nghề cao, đồng thời bằng cấp và kỹ năng mà họ tích luỹ ở nước ngoài cần phải được nhìn nhận hợp lý hơn.
Bà nói “Chúng ta biết rằng Ấn Độ đào tạo ra nhiều kỹ sư hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.”
Liên đoàn Y tá và Hộ sinh Úc cũng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân viên y tá trong bối cảnh hàng loạt người lao động xin nghỉ việc.
Thư ký Liên bang ANMF, Annie Butler, hồi tháng Bảy nói rằng “Số lượng các vị trí trống đang được quảng cáo hiện đã tăng gấp đôi kể từ thời điểm này năm ngoái,”
“Có ít nhất 8.000 vị trí trên toàn quốc, và có thể còn nhiều hơn nữa.”
Canada đưa ra mục tiêu tham vọng về số lượng di dân
Úc đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước khác, bao gồm Canada, trong việc thu hút di dân có tay nghề cao.
Canada, với dân số 38 triệu người, đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng: chào đón 465.000 thường trú nhân mới vào năm 2023, 485.000 vào năm 2024 và 500.000 vào năm 2025.
Trong khi đó, Úc với dân số 26 triệu người dự tính sẽ cung cấp 195.000 visa tay nghề và gia đình trong năm 2022-23.
Bà Lisa Lalande là giám đốc điều hành của Century Initiative, một mạng lưới các doanh nghiệp, học giả và tổ chức từ thiện ủng hộ các mục tiêu nhập cư đầy tham vọng ở Canada.
Bà Lalande phát biểu tại hội nghị CEDA “Một số bệnh viện đã phải đóng cửa khoa cấp cứu vì không có đủ nhân viên,”
“Chúng tôi đang cảm thấy áp lực đáng kể đối với nhiều ngành kỹ nghệ trong nước, bao gồm khai khoáng, sản xuất, khách sạn và thực phẩm. Các lĩnh vực như STEM cũng sắp sửa thiếu hụt nhân viên.”
“Nếu xu hướng này tiếp diễn, chúng tôi sẽ không có đủ lực lượng lao động hoặc nguồn thuế để có thể thanh toán hoặc hỗ trợ các dịch vụ chất lượng cao.”
Bà Lalande tin rằng di dân có thể là chìa khóa dẫn đến lợi thế cạnh tranh của Canada và đảo ngược năng suất đang suy giảm trong bối cảnh dân số già đi.
Bà cho biết Century Initiative đang vận động để tăng dân số Canada lên 100 triệu người vào năm 2100 – con số này gợi lên tầm nhìn về những gì mà đất nước có thể đạt được trong tương lai xét về tầm ảnh hưởng, quyền lực, và sự thịnh vượng.
Thách thức kinh tế
Bộ trưởng Di trú Andrew Giles thừa nhận việc thiếu công nhân lành nghề là một trong những thách thức kinh tế lớn nhất mà Úc phải đối mặt.
Ông cho biết chính phủ đã tăng từ 160.000 lên 195.000 visa định cư theo diện tay nghề và gia đình trong năm tài chính hiện tại.
Chính phủ cũng đã công bố thêm 20.000 suất học đại học tại Úc, và 180.000 suất học TAFE miễn phí đã được triển khai.
Bên cạnh việc mở rộng quyền làm việc của sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp, chính phủ thông qua Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế Úc-Ấn Độ cũng xác nhận các sinh viên Ấn Độ tốt nghiệp cử nhân STEM và ICT hạng ưu sẽ được ở Úc thêm một năm nữa.
Một uỷ ban độc lập đang đánh giá hệ thống di trú Úc để xem liệu nó có phục vụ lợi ích quốc gia hay không, và sẽ đưa ra báo cáo sơ bộ vào tháng 2/2023.
Ông Giles nói “Chúng ta cần một hệ thống thu hút và giữ chân nhân tài — một hệ thống đơn giản, hiệu quả và bổ sung cho các kỹ năng hiện có ở Úc.”
Úc vẫn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu
Các nghiên cứu được thực hiện trước đại dịch đã xếp Úc là một trong những điểm đến hàng đầu của di dân tay nghề.
Một nghiên cứu trong các quốc gia OECD về Chỉ số thu hút nhân tài được công bố vào tháng 5/2019 cho thấy Mỹ được coi là điểm đến hấp dẫn nhất đối với những người lao động có tay nghề cao vì có nhiều cơ hội tốt, thu nhập và thuế, tiện nghi và chất lượng cuộc sống. Tiếp đó là Úc và New Zealand vì có xã hội đa văn hoá và triển vọng tương lai tốt đẹp.
Nhưng khi xem xét các chính sách nhập cảnh, Mỹ đã mất vị trí hàng đầu về tay Úc, quốc gia có tỷ lệ từ chối visa thấp hơn và ít hạn chế hơn đối với di dân tay nghề.
Xét về chính sách di trú, năm quốc gia OECD hấp dẫn nhất đối với người lao động có tay nghề cao là Úc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, New Zealand và Canada.
Nước Úc đứng đầu trong số những quốc gia thu hút được công nhân có tay nghề trong năm 2019. Nguồn: SBS
Nhưng những hạn chế do chính phủ Morrison đặt ra đối với di dân tạm trú trong thời kỳ đại dịch, bao gồm việc khuyên họ trở về nước, ngăn cản mọi người rời khỏi hoặc nhập cảnh vào Úc, từ chối cung cấp bất kỳ hỗ trợ tài chính nào, cộng với thời gian chờ đợi xét duyệt hồ sơ visa lâu, đã gây ảnh hưởng đến danh tiếng của Úc.
Điều này trái ngược với Canada, quốc gia đã tăng đáng kể số lượng thường trú nhân trong thời kỳ đại dịch, nhằm mang lại sự an tâm cho những di dân tạm trú và gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những người đang cân nhắc chuyển đến nước này sinh sống.
Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách thu hút nhân tài
Các nước như Trung Quốc và Ấn Độ cũng ngày càng nhận ra tình trạng “chảy máu chất xám” và đang đưa ra các chính sách để thu hút công dân của họ trở về nước.
Ví dụ, hồi năm 2016, thành phố Vô Tích đã đưa ra một chính sách nhằm thu hút các doanh nhân nước ngoài bằng cách đề nghị các công ty hợp tác 50% với chính quyền thành phố, cung cấp vốn khởi nghiệp hấp dẫn cho các dự án.
Các ưu đãi khác dành cho doanh nhân Trung Quốc bao gồm các đặc quyền về thuế như được miễn thuế trong hai đến ba năm, cung cấp không gian làm việc miễn phí, và giúp tìm trường học cho con cái hoặc việc làm cho bạn đời của họ.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã cung cấp các hỗ trợ tài chính để thu hút sự trở lại của các doanh nhân.
Úc có “cơ hội dẫn đầu”
Ông Lance Kaplan đến từ công ty di trú Fragomen cho biết có nhiều cách để Úc trở nên hấp dẫn hơn đối với di dân tay nghề, bao gồm việc đánh giá bằng cấp minh bạch hơn.
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 30% di dân tại Úc có trình độ vượt quá yêu cầu công việc mà họ đang làm, so với khoảng 7% đối với những người sinh ra tại Úc.
Ông Kaplan tin rằng cơ hội lớn nhất để tìm kiếm nhân tài cho Úc nằm trong hệ thống di trú của Mỹ.
Ông nói “Bởi vì hệ thống di trú của Mỹ vô cùng chậm chạp và quan liêu, mặc dù nó đang tạo ra một số làn sóng hướng tới việc số hóa.”
Ông Kaplan cho biết Fragomen có những khách hàng gửi hơn 1.000 người đến Hoa Kỳ, nhưng quá trình xét duyệt visa H-1B tệ đến mức “họ gọi đó là trò xổ số”. Ngay cả những người được chấp nhận cũng phải chờ đợi rất lâu.
Ông cho biết Mỹ là một thị trường khổng lồ và nền kinh tế lớn, nhưng Úc có thể cung cấp một lựa chọn mà mọi người có thể tiếp cận nhanh hơn và là nơi họ sẽ được chào đón.
Ông nói “Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của cái mà tôi gọi là sự thiếu sót ở các quốc gia khác.”